Tương đồng và khác biệt giữa nghệ thuật thư pháp và Graffiti

- Thứ Sáu, 13/05/2022, 17:36 - Chia sẻ

Tháng 8 năm nay, một dự án sáng tác và trưng bày tác phẩm nghệ thuật thư pháp kết hợp với Graffiti sẽ diễn ra tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Tương đồng và khác biệt giữa nghệ thuật thư pháp và Graffiti -0

Đây là thông tin được Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ tại tọa đàm “Thư pháp và Graffiti: Từ khác biệt đến đồng cảm”, sáng 13.5.

Thời gian qua, thư pháp luôn được biết đến như một thú chơi tao nhã của giới trí thức. Trong khi đó, những bức tường phủ đầy Graffiti thường gợi lên hình ảnh những thanh niên thích “vẽ bẩn”. Những điểm khác biệt này khiến không ít người cho rằng giữa thư pháp và Graffiti luôn tồn tại một khoảng cách tưởng chừng không thể nào lấp đầy. Theo TS. Lê Xuân Kiêu, hai bộ môn nghệ thuật có điểm tương đồng là người sáng tạo đều thông qua vẻ đẹp của con chữ để thể hiện quan điểm, ý chí. “Trước đó, chúng tôi đã từng tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ giữa các nghệ sĩ của cả hai bộ môn nghệ thuật. Họ đều hào hứng tham gia đối thoại để hiểu nhau hơn. Từ đó, chúng tôi nảy ra ý tưởng tổ chức triển lãm thư pháp - Graffiti như một sự giao lưu, đối thoại giữa hai bộ môn”.

Cụ thể, đó là sự giao lưu về mặt chất liệu. Các nghệ sĩ Graffiti sẽ dùng bút lông để sáng tác, ngược lại, các thư pháp gia sẽ dùng bình xịt sơn để thực hiện tác phẩm của mình. “Tôi hy vọng rằng các nghệ sĩ sẽ tìm thấy cảm hứng sáng tạo mới trong không gian di sản. Triển lãm cũng sẽ là hoạt động thú vị phục vụ khách tham quan. Đây là một trong rất nhiều hoạt động trong năm 2022 nhằm từng bước hiện thực hóa ý tưởng đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một không gian sáng tạo, một điểm đến quen thuộc của công chúng yêu di sản và công nghiệp văn hóa,” ông Kiêu cho biết.

Buổi tọa đàm đưa đến cái nhìn tổng quan và khách quan về hai loại hình nghệ thuật thư pháp và Graffiti, giúp đưa hai loại hình nghệ thuật này đến gần công chúng, mang lại cho người xem cảm giác mới lạ và có cái nhìn về chúng theo chiều hướng tích cực, gần gũi. Tọa đàm có sự tham gia của dịch giả Trương Quốc Toàn, thư pháp gia Ngẫu Thư Nguyễn Thanh Tùng, nghệ sĩ Graffiti Đỗ Thế Thành và giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Quốc Hoàng Anh. Các khách mời cho rằng thư pháp phương Đông và nghệ thuật Graffiti có nhiều khác biệt song cũng có điểm tương đồng là người sáng tạo dùng nghệ thuật viết chữ để thể hiện quan điểm, cá tính. 

H.Sen