Chất liệu dân gian trong nghệ thuật đương đại
Họa sĩ Nguyễn Thị Mai vừa khai mạc triển lãm Thiên hình vạn trạng tại VICAS Art Studio, 32 Hào Nam, Hà Nội (kéo dài đến ngày hết 19.1) với hơn 50 tác phẩm hội họa. Tuy không bật lên vẻ bóng bẩy, vàng son quý phái thường có ở sơn mài, người xem vẫn nhận ra chất sơn mài ẩn trong tranh acrylic. Nữ họa sĩ chia sẻ, hơn 10 năm nghiên cứu và vẽ sơn mài, tư duy, kỹ thuật của sơn mài truyền thống đã ăn sâu, bám rễ trong phong cách hội họa của chị. Do đó, khi sử dụng chất liệu hiện đại là acrylic thì kỹ thuật làm lớp ẩn ở dưới sáng lên, đưa lớp ở trên về mức trung gian để đạt độ âm bản đặc trưng của tranh sơn mài đã thực sự mang lại hiệu quả. Đồng thời, trong các tác phẩm giới thiệu lần này, họa sĩ tập trung vào màu, nét và mảng lớn cùng mô típ dân gian với sự kết hợp Á - Âu (về cả bút pháp và hình) khi vẽ. Với lối vẽ, màu sắc phóng khoáng của nghệ thuật đương đại, các hình khối mang đến cảm giác chuyển động, khiến các bức tranh có vẻ đẹp tung tẩy, biến ảo.
Không chỉ sử dụng kỹ thuật vẽ từ tư duy hội họa truyền thống mà các họa tiết, màu sắc và hình khối trong tranh đều lấy cảm hứng từ tranh dân gian như Hàng Trống, Đông Hồ, mô típ trang trí trên cồng chiêng Tây Nguyên, hay bố cục của phù điêu... Qua đó, những pho tượng gốm, sứ hay đá từ xa xưa, những con vật thiêng như ngựa thờ, hình ảnh 12 con giáp gần gũi trong đời sống người Việt, hình tượng thầy mo, thầy cúng... trở nên mới mẻ, khác lạ, mang đậm hơi thở thời đại.
Theo ông Bùi Quang Thắng - Giám đốc nghệ thuật Trung tâm Hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại, vấn đề sử dụng chất liệu truyền thống trong nghệ thuật đương đại nằm ở chất nghệ sĩ trong mỗi tác giả. Nguyễn Thị Mai đã thành công chuyển từ hình tượng dân gian sang hình tượng đời thường trong cuộc sống đương đại, chuyển màu sắc gốc sang những màu khác nhờ tương tác màu khéo léo, tài tình. “Với tôi, xem tranh của cô ấy giống như khi ta nhìn vào một chiếc kính vạn hoa vậy. Chỉ cần lắc một cái, ta sẽ thấy một tác phẩm hoàn toàn khác biệt với cái lắc trước đó, ngẫu nhiên và không trùng lặp. Sự biến hóa đó không chỉ ở các thành tố riêng lẻ: Hình, màu hay nhịp điệu của tác phẩm, mà là tổng hòa các yếu tố đó. Và kỳ lạ nhất là tác giả đã làm điều đó thật nhẹ nhàng, dễ dàng. Chính điều đó tạo nên sự tò mò, hấp dẫn đối với người xem”.
Yêu truyền thống thì vẽ tranh cũng thuần Việt!
Đưa tinh thần dân gian mộc mạc, giản dị vào tranh, họa sĩ Nguyễn Thị Mai muốn phát triển từ truyền thống nhưng vẫn giữ được yếu tố gốc. Họa sĩ bộc bạch: Muốn lột tả được nét truyền thống thì cần phải yêu quê hương đất nước, hiểu về văn hóa đặc trưng của các dòng tranh dân gian Việt Nam, vẻ đẹp sâu lắng ẩn chứa trong các họa tiết của đình làng Bắc bộ, cồng chiêng Tây Nguyên... “Truyền thống chính là ăn, là mặc, là nơi ở, là cuộc sống hiện hữu xung quanh ta. Do đó, nếu người họa sĩ thực lòng không sao chép thì là người Việt, vẽ gì cũng sẽ ra tranh thuần Việt mà thôi”.
Các bức vẽ của họa sĩ Nguyễn Thị Mai đã thể hiện được phần nào tinh thần của văn hóa dân tộc, nhưng điều đặc biệt hơn cả là bút pháp và tạo hình, cách sử dụng màu sắc mang đậm dấu ấn hội họa đương đại, khiến truyền thống trở nên sống động hơn, để rồi người xem, dù không phải người Việt cũng có thể hiểu được ít nhiều. Ông Bùi Quang Thắng nhận định: “Tài năng của nghệ sĩ phải làm sao để những yếu tố gốc biến hóa và không ngừng vận động, nhưng vẫn giữ nguyên giá trị, nếu không chỉ là bản sao mờ nhạt của nghệ thuật dân gian. Muốn như vậy thì các nét vẽ phải mang đặc trưng Việt Nam nhưng lại không hẳn là Việt Nam. Đấy là thứ tôi cho các nghệ sĩ Việt còn thiếu. Nghệ sĩ phải hiểu và đạt được điều đó mới mong giới thiệu văn hóa dân tộc ra nước ngoài”.