Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm - Đẹp - Vui

- Thứ Hai, 09/01/2012, 07:48 - Chia sẻ
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội vừa khai mạc trưng bày Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm - Đẹp - Vui, nhằm giới thiệu đến công chúng một tín ngưỡng dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền của người Việt.

 

Trưng bày gồm 4 chủ đề Mẫu - Tâm - Đẹp - Vui tương ứng với 4 màu đặc trưng của Tứ phủ: màu đỏ (Thiên phủ), màu trắng (Thoải phủ), màu vàng (Địa phủ), màu xanh (Nhạc phủ). Ngoài dựng ban thờ Mẫu, Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm - Đẹp - Vui còn giới thiệu lễ hội Phủ Dầy, Nam Định, lễ hội lớn nhất trong năm của tín ngưỡng thờ Mẫu; trang phục của một số giá đồng, trang sức dùng trong các giá hầu đồng; bộ nhạc cụ hát văn; cũng như các nghề làm tượng, làm mã, làm trang phục... phục vụ tín ngưỡng này. Trưng bày cũng cố gắng thể hiện những giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua tiếng nói, trải nghiệm của người dân theo Mẫu ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Bên cạnh đó, bộ phim Nghệ thuật trình diễn Hầu đồng, thời lượng 20 phút, cũng được giới thiệu, với hình ảnh về 13 giá đồng theo thứ tự mỗi vấn hầu do chính các ông, bà đồng thực hiện.

Theo Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân: để thực hiện trưng bày này, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã dành 2 năm rưỡi, liên tục từ tháng 6.2009 đến nay, với hơn một chục cán bộ chủ chốt của bảo tàng đi nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của Ts Laurel Kendall - Trưởng bộ môn Nhân học, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ. Không phải chuyên gia nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng Ts Laurel Kendall từng nghiên cứu về lễ nghi của Hàn Quốc. Bà cùng với Ts Nguyễn Thị Hiền của Việt Nam đã thực hiện những nghiên cứu, so sánh giữa lễ nghi này với lên đồng trong đạo Mẫu. Từ năm 1998, Ts Laurel Kendall đã tham gia một số buổi hầu đồng ở Việt Nam và có nhiều cuộc trao đổi, phỏng vấn các ông đồng, bà đồng. Tham gia tư vấn cho trưng bày này, Ts Laurel Kendall chia sẻ: “Nói đến đạo Mẫu thì phải nói tới một trong những nghi lễ rất hay là lên đồng, thể hiện nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật thị giác rất đẹp. Sự tương tác giữa người hầu đồng, cung văn và người dự trong không gian buổi lễ khiến con người thăng hoa, quên đi phiền muộn trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, khi bắt đầu thực hiện dự án, 2 chủ đề được chọn là ĐẹpVui. Chủ đề thứ ba là Tâm xuất hiện khi các thành viên dự án phỏng vấn những người thờ Mẫu, và ấn tượng bởi suy nghĩ của những người theo Mẫu muốn mang cái thiện, cái đẹp đến cho cuộc sống. 3 tiểu chủ đề Tâm - Đẹp - Vui cũng là ấn tượng của tôi về đạo Mẫu của Việt Nam”.



Một góc trưng bày

Phần thiết kế trưng bày lần này do ông James Hicks, chuyên thiết kế về bảo tàng học từ Mỹ, người từng thiết kế triển lãm Hành trình Việt Nam ở Mỹ, đảm nhiệm. Đây là lần đầu tiên, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sử dụng phong cách thiết kế của Mỹ. Nếu trưng bày cố định của Bảo tàng là thiết kế của nhóm chuyên gia Pháp, với phong cách hàn lâm, tĩnh lặng, có chiều sâu, thì ý tưởng thiết kế của chuyên gia Mỹ đem đến sự mới lạ, độc đáo. Thiết kế sử dụng các tấm rèm làm vách ngăn để tạo tuyến tham quan cho người xem. Ngoài ra, trưng bày sử dụng 4 màu, tương ứng với 4 màu của tứ phủ. Tất cả các tài liệu hiện vật, vật liệu cũng đi theo 4 màu ấy, đòi hỏi sự lựa chọn công phu và ăn khớp. Tham dự khai mạc trưng bày, Ts Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa nhận xét: đây là một trưng bày mới, rất hay của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Trong quan điểm về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ Mẫu, còn có nhiều ý kiến tranh cãi về giá trị đích thực cũng như những tác động không mong đợi của việc thực hành giá trị này, thì đây là một sự táo bạo. Trưng bày này đã nói được những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tín ngưỡng thờ Mẫu và những biện pháp để bảo vệ di sản đó.

Còn theo Gs Ngô Đức Thịnh: “Lâu nay, Mẫu chỉ mới đóng khung trong thế giới tâm linh ở các đền phủ, có thể coi đây là lần đầu tiên, Mẫu hiện diện trong một thiết chế văn hóa của nhà nước. Đó có thể coi là sự thắng lợi của văn hóa dân tộc, tín ngưỡng thờ Mẫu bắt đầu được xã hội thừa nhận. Đó là cả một sự vận động, nhận thức, là công sức của rất nhiều người, trong đó có các nhà khoa học, để công chúng nhận thức đúng về tín ngưỡng, tôn giáo này. Từ nhận thức đúng, trong tương lai chúng ta mới có thể bảo vệ và phát huy nó”.

Lê Thủy