- Dự thảo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ đang được lấy ý kiến giới chuyên môn song hành với quy hoạch chi tiết, liệu có sự chồng chéo trong vấn đề này không, thưa ông?
Góc phố Hàng Đào Ảnh: Văn Đăng
- Muốn xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội phải theo quy hoạch khu phố cổ nhưng vì khu phố cổ có những đặc thù nên TP cho phép xây dựng quy chế song song với quy hoạch điều chỉnh chi tiết. Đây là vấn đề mới, sau khi quy hoạch chung của TP Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 và kèm theo là điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch. Đáng lẽ phải có quy chế chung toàn thành phố thì mới có quy hoạch kiến trúc từng khu vực, nhưng vì quy hoạch chung có nói đến khu phố cổ và khu phố cổ đã có nhiều quy định pháp lý, như quy hoạch chi tiết năm 1995, điều lệ năm 1999 và cả nghiên cứu của nước ngoài hỗ trợ, nên đủ cơ sở xây dựng quy chế khu phố cổ Hà Nội.
- Vậy dự thảo Quy chế này có điểm gì khác so với điều lệ quản lý xây dựng, bảo tồn tôn tạo khu phố cổ có từ năm 1999?
- Trước tiên, cái khác là ranh giới không thay đổi nhưng định lượng khu vực này thay đổi, trước kia tài liệu nói khoảng 100ha thì lần này chỉ 82ha, do căn cứ theo kỹ thuật mới, xác định từ bản đồ vệ tinh chiếu xuống nên có thay đổi trong việc đo đếm. Quy chế cũng xác định khu vực bảo tồn, nếu như điều lệ cũ ghi khu bảo tồn 1 là 19ha, khu bảo tồn 2 là 91ha; lần này không dùng cụm từ “khu bảo tồn 1” mà gọi là khu vực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị với diện tích 28ha/82ha. Khu vực còn lại gọi là khu vực cải tạo, chỉnh trang khu phố cổ Hà Nội, rộng 54ha. Như vậy, ngoài mở rộng khu vực 1, còn xác định bảo tồn theo các tuyến phố: tuyến phố chính hướng Bắc - Nam (10 tuyến) như tuyến Hàng Đào, Hàng Giấy, Hàng Cót, Lương Văn Can, Hàng Da...; tuyến phố chính hướng Đông - Tây với 17 tuyến phố như Bát Đàn, Hàng Buồm, Lãn Ông…; đồng thời xác định các ô phố phải bảo tồn. Đây là cái khác thứ 2, trước chỉ có khu vực, nay có thêm tuyến phố và ô phố.
Thứ 3 là danh mục các công trình có giá trị. Trước kia chúng ta chỉ có 24 công trình di tích, lần này là 121 công trình (đã xếp hạng 12 di tích). Trước kia đưa ra 900 nhà ở, nay khác hơn, đang là vấn đề đang bàn. Còn phong cách kiến trúc gìn giữ thì giống nhau. Trước kia là bảo tồn nguyên trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì lần này đưa ra khái niệm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, trong đó có đề cập đến phương tiện giao thông vận tải hiện đại là tuyến đường chạy ngầm dưới tuyến đường Hào Đào, Hàng Ngang chạy ra Bờ Hồ; đồng thời là vấn đề không gian mở, bãi đỗ xe ngoại vi. Đó là những điểm mới trong quy chế lần này.
- Dự kiến khi nào Quy chế sẽ được thông qua, thưa ông?
- Quy chế đang hoàn thiện, lấy ý kiến ở các cấp chính quyền, Hội đồng quy hoạch kiến trúc và tiếp tục lấy ý kiến của cộng đồng, giới chuyên môn. Nhiều ý kiến thiết thực vẫn tiếp tục đóng góp xây dựng quy chế như các nhà chuyên môn đề nghị có mẫu nhà truyền thống theo phong cách Trung Hoa, bởi tuyến phố Hàng Buồm, ngõ Hàng Giầy có nhiều nhà mẫu kiến trúc này. Dự kiến, Quy chế sẽ được UBND TP Hà Nội thông qua vào đầu năm nay.
Xin cảm ơn ông!
Theo dự thảo Quy chế đang nghiên cứu, khu phố cổ Hà Nội có 215 công trình có giá trị đặc biệt, 335 công trình có giá trị. Khu bảo tồn (28ha) thì lớp ngoài được xây dựng nhà 3 tầng (12m), lớp trong 4 tầng (16m). Khu cải tạo chỉnh trang lớp ngoài tối đa 4 tầng (16m), lớp trong 5 tầng (20m); một số tuyến đường bao có cao hơn quy định. Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, thực tế khu cải tạo chỉnh trang đã có nhiều nhà xây dựng 5 tầng để đáp ứng nhu cầu về nhà ở. |