Kể chuyện làm phim

“Ngã Ba Đồng Lộc”

Chuyện của anh Linh vương vất trong đầu chúng tôi. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói: “Thế này thì phải sửa kịch bản nhiều lắm, đúng ra phải làm phim theo hướng các cô là nạn nhân của chiến tranh”...

Một chiều năm 1968, tôi đến nhà Quang, gọi. Nhà Quang ở đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn), Quang vừa ở khu bốn ra. Quang kể công việc của nó, chẳng có việc gì cụ thể cả. Vừa làm chưa xong bến phà này lại bảo làm chỗ khác, làm đường mà cuốc xẻng thiếu, nói chung vất lắm!...

Đèn đường đã bật. Tôi, Hưng, Quang ngồi nhìn người qua lại. Bỗng Quang quay phắt lại:

- Cách đây mấy hôm, tao về gần tới Nghệ Tĩnh, gặp cảnh ghê quá! Lúc ấy chiều rồi, xe tao ngang qua, thấy họ đốt đuốc, từ thùng xe nhìn xuống thấy họ xếp một dãy, dễ đến 10 người ấy, toàn con gái, trẻ, chắc cũng trạc tuổi mình, quần áo nghiêm chỉnh lắm… Một dãy. Xác vẫn nguyên vẹn mày ạ! Tao đã thấy xác chết nhiều nhưng đằng này... toàn con gái… một dãy.

Lúc ấy tôi không biết đó là Ngã Ba Đồng Lộc. Mấy năm sau tôi cũng không biết đó là Ngã Ba Đồng Lộc. Rồi tôi cũng quên đi câu chuyện “một dãy… toàn con gái”. Không một bài báo nào, không một tin ngắn nào trên đài phát thanh nói về các cô. Họ sợ nhân dân mất tinh thần. Năm 1972, trên báo địa phương có bài thơ “Cúc ơi” nói về chuyện ấy. Bài thơ hay nên có âm vang. Rồi cũng nhiều người biết. Nhưng biết là biết thế thôi. Chỉ ở quê hương các cô, chỉ gia đình các cô, nước mắt mới lặn vào trong.

Năm 1996, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đưa tôi kịch bản “Vầng trăng trinh nữ”. Tôi hỏi: “Về vấn đề gì đấy?”, đạo diễn nói: “Về mười cô gái Đồng Lộc”. Tôi bảo “Nói về chiến tranh mà tên phim như ca kịch vậy?”.

Đầu tiên là đi thực tế. Bốn người thành phần chủ yếu đi trước. Chủ nhiệm và họa sĩ đi nghiên cứu thực địa để chuẩn bị cho giai đoạn quay. Lưu Trọng Ninh và tôi đi tìm hiểu sự việc. Trời ơi! Hỏi chuyện nhân chứng là một hỗn mang. Mỗi câu hỏi “Các cô ấy chết như thế nào?”, mà Bảo tàng Nghệ Tĩnh nói một khác, trưởng phòng lưu niệm nói một khác, anh hùng thanh niên xung phong nói một khác… Cuối cùng, chúng tôi gặp anh Linh. Anh Linh, nguyên là tiểu đội trưởng, chỉ huy hơn mười cô thanh niên xung phong. Nhà anh ở tận rìa làng, có vẻ không được ưu đãi gì ngoài chức Bí thư Chi bộ thôn. Nếu ai mang sẵn trong đầu huyền thoại về mười cô trinh nữ, mười anh hùng hy sinh anh dũng, sẽ thất vọng khi nghe anh Linh kể chuyện. Anh Linh kể: “Các cô là một tiểu đội thanh niên xung phong bình thường như mọi đơn vị TNXP khác”. Anh nói giọng Nghệ Tĩnh khó nghe, chúng tôi cứ phải căng tai ra để hiểu. Nghe cách anh kể, tôi biết rằng anh chưa quen kể chuyện, lủng củng, chuyện này chồng chuyện kia, nhưng chính điều đó lại làm tôi tin.

Hình ảnh ấn tượng trong MV “Cúc ơi” - 1 trong 10 “đóa phong lan” tại Ngã Ba Đồng Lộc
Hình ảnh ấn tượng trong MV “Cúc ơi” - 1 trong 10 “đóa phong lan” tại Ngã Ba Đồng Lộc

Khi hỏi về các cô ấy hy sinh như thế nào, anh trình bày rối rắm về cái hầm. Đại khái tôi hiểu là, qua bao nhiêu trận bom, các cô tìm ra “điểm sống” của trận địa, có nghĩa là có một đoạn hầm ngắn, bom ném kiểu gì cũng khó mà trúng được. Chỗ ấy có hai gồ đất cao lên, dù bom có rơi cách đó 4 - 5m, mảnh bom cũng văng hết lên trời không sao lọt được vào chỗ ấy. Mấy hôm liền chúng không đánh phá gì cả, đang mùa mưa, mình cũng không vận chuyển gì nhiều. Chiều hôm đó, các cô đi rà soát mặt đường như những ngày khác, lúc nghỉ “giải lao”, giờ đó chỉ có máy bay “đi ném bom miền Bắc về”, qua Đồng Lộc, sang Lào và hạ cánh tại Thái Lan, anh Linh đứng ở đồi bên này nhìn thấy một tốp 4 chiếc hướng bay sang Lào, bỗng chiếc cuối cùng tách khỏi đội hình. Anh theo dõi: “Không biết hắn làm chi vì hắn không chúi xuống ném bom, máy bay hắn cứ quẫy thế này, quẫy thế này” - anh lấy bàn tay lắc lắc minh họa. Bỗng một trái bom ở bụng hắn văng ra, mỗi một trái, giống như không muốn đeo bom lúc hạ cánh, hắn thảy nốt quả cuối cùng trên đất mình. Buổi chiều vắng, đoạn đường im ắng, tôi thấy trái bom bay về phía hầm mấy đứa, tôi la lớn: “Bay* ơi! Bay ơi!”. Con Tần còn nghển cổ nhìn tôi chạy, rồi tôi thấy bom rơi ngay chỗ chúng nó. Tôi vừa chạy vừa nghĩ “chưa chắc đã sao”... Lên tới nơi… bị cả các anh ạ! Không ăn mảnh nào, nhưng sức ép nó nén, đứt hết mạch máu bên trong. Chúng nó chết nguyên tư thế, cái Xuân ngồi, quyển sổ còn kẹt trong lòng mà anh!”. Anh thần người ra hồi lâu mới kể tiếp: “Biết là mất mười nhưng chỉ tìm thấy chín cái xác. Thiếu cái Cúc. Cúc mồ côi cha, mẹ bỏ đi lấy chồng. Nó sống tằn tiện lắm. Chắc bom rơi ở ngay cạnh chỗ Cúc ngồi, tan mất xác. Hôm sau chỉ tìm thấy một mảnh áo, chỗ có cái túi cài kim băng, trong đó là gói khăn mùi xoa, giở ra, có hai đồng hai...”.

Lưu Trọng Ninh không đợi xe đến đón, bảo tôi đi bộ cùng về. Chuyện của anh Linh vương vất trong đầu chúng tôi. Ninh nói: “Thế này thì phải sửa kịch bản nhiều lắm, đúng ra phải làm phim theo hướng các cô là nạn nhân của chiến tranh”. Biết Ninh đang xúc động, tôi nói: “Sợ người ta không muốn làm thế, cố lắm thì chỉ đi sâu vào đời thường của các cô. Nhưng cái kết phải theo hiện thực: Các cô đang ngồi nghỉ, cái chết bất ngờ chứ không phải đang “làm đường dưới bom đạn” như kịch bản viết”. Về sau, vì những lý do nào đó, câu chuyện của anh Linh được kể khác đi, nhưng không xa với nguyên bản này là bao. Ngay đầu phim đã viết rõ: Dựa theo chuyện có thật. Chúng tôi sắp đương đầu với hội đồng duyệt. Chúng tôi bảo nhau không báo cáo trước, cứ quay theo sự thật.

Lúc ở ngã ba, tôi bảo Ninh về trước, tôi rẽ lên đồi thăm các cô. Nghĩa trang các cô nằm lưng đồi, các ngôi mộ hướng ra biển Đông. Tôi đi đến từng bia mộ, chợt phát hiện đến một nửa các cô sinh năm 1949, đúng năm tôi sinh. Năm 1968 các cô mất, tức là ở tuổi 19... 19 tuổi tôi đang ở đâu? Lúc ấy tôi đang ngồi ở hàng nước đường Nam Bộ nghe Quang nói: “… Nằm một dãy… toàn con gái”. Tôi thắp hương, miệng lẩm bẩm: “Mong các bạn đều ra đến biển”. Sau này trong phim có đoạn quay ở Thạch Kim, các bạn vui chơi, nhảy sóng trên biển, là theo ý: “Các bạn chưa biết biển bao giờ”.

Chuyện quay phim gian khổ ra sao, không kể ra đây, vì không là gì so với dân Đồng Lộc, gần 30 năm sau chiến tranh mà nhà cửa vẫn xác xơ nghèo. Một đêm, tôi nhớ là gần Noel, nhiệt độ xuống thấp, gió thốc vào ngôi nhà chúng tôi quay phim, lạnh tê tái. Thật trớ trêu, đạo diễn muốn thể hiện cảnh các cô trải qua mùa hè, những trận gió Lào, nóng không ngủ được. Diễn viên phải mặc áo phong phanh, người ướt đẫm mồ hôi. Cảnh miêu tả: Trời nóng quá, các cô lấy một cái nong to, trải nylon lên đó, đổ nước xâm xấp, nằm vào cho mát. Chỉ cần một cô đóng vai này. “Ai tình nguyện nào?”, tiếng đạo diễn truyền ra. Các cô ngại ngần, sợ lạnh. Một cô bé: “Thôi để cháu!”. Cảnh quay có gần một phút mà tôi thấy lâu, lúc tắt máy, cháu đứng lên, quần áo lướt thướt, người rét run cầm cập, phục trang vội đưa vào trong ủ ấm. Tôi hỏi: “Đứa nào thế?”. “Hà Thanh, đóng vai Hợi”. Hà Thanh nhỏ nhất trong các diễn viên đóng 10 cô gái Đồng Lộc, lúc đó cháu mới học lớp 11, còn các chị khác đã là sinh viên Đại học Vinh cả rồi. Sinh hoạt hàng ngày, Hà Thanh vẫn bố bố, con con với tôi. Tối hôm đó, tôi hỏi: “Hà Thanh, nhà con ở đâu?”. Chiều thứ 7, tôi mượn thêm một xe máy, Lý Thái Dũng có xe Bonus, chở Hà Thanh và một cô nữa đi Can Lộc, thị trấn Nghèn, cách đó 18 cây số, đến thăm nhà Hà Thanh. “Nhà con mới xây được một năm nay”, Thanh nói. Tôi ngồi với bố mẹ cháu trong phòng khách trơ gạch. “Chưa có tiền trát vữa anh ạ”, mẹ cháu bảo. Tôi hỏi: “Nguyện vọng của anh chị?”. “Chúng tôi chỉ cố làm sao để cháu được học hành đến nơi đến chốn, thoát khỏi nơi này, ở đây khổ quá!”.

Tối mồng một Tết dương lịch, sinh nhật tôi, nhân lúc mọi người yên ắng: “Tôi xin hứa sẽ trợ cấp Hà Thanh được học hành đến nơi đến chốn. Tôi phải nói công khai thế này để tôi không được nuốt lời với anh em, đồng đội”. Rồi tuy tôi cũng không hẳn là chu đáo lắm trong sự trợ giúp cho Hà Thanh học hành đến nơi đến chốn (tôi huy động cả Thùy, em gái tôi ở Sài Gòn giúp) nhưng được cái Hà Thanh có chí tiến thủ, tốt nghiệp đại học, làm ăn tấn tới, cả nhà Hà Thanh cũng thế nên giờ đây mọi người đều thành đạt, gắn bó với gia đình tôi suốt 20 năm nay. Tết vừa rồi về thăm nhà, Hà Thanh bảo: “Con mời bố mẹ sang chơi Canada” (nơi cháu định cư).

Hà Thanh, chắc con không biết, lúc bố nhận ra con là lúc con nhẹ nhàng nằm xuống cái nong giá lạnh ở Ngã Ba Đồng Lộc.

Tháng 7.2018 - 50 năm sau ngày các bạn ngã xuống.

Nhà quay phim - NSND Nguyễn Hữu Tuấn

________

* “Bay” (tiếng địa phương), đại từ nhân xưng số nhiều, đại ý: “Chúng mày ơi!”, “Các em ơi!”...

Văn hóa

Tái bản hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình
Văn hóa

Tái bản hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, NXB Chính trị quốc gia Sự thật và Omega Việt Nam hợp tác xuất bản lần thứ 2 cuốn sách “Gia đình, bạn bè và đất nước” của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch Nước, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris.

"Mối giao cảm" của Tina Merandon
Văn hóa - Thể thao

"Mối giao cảm" của Tina Merandon

Nhằm khám phá mối quan hệ đặc biệt giữa con người và động vật trong cuộc sống hàng ngày, Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức triển lãm ảnh "Mối giao cảm giữa con người và động vật" của nghệ sĩ người Pháp Tina Merandon, trong khuôn khổ chương trình Nghệ sĩ lưu trú Villa Saigon 2025.

Khơi gợi tự hào dân tộc qua trang sách
Văn hóa - Thể thao

Khơi gợi tự hào dân tộc qua trang sách

Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025 được tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam có chủ đề "Mỗi trang sách - Một niềm tự hào" nhằm khẳng định vai trò to lớn của sách trong bồi đắp tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn, khơi gợi niềm tự hào về lịch sử dân tộc.

Du ngoạn Việt Nam qua sắc màu
Văn hóa - Thể thao

Du ngoạn Việt Nam qua sắc màu

Vẻ đẹp danh lam thắng cảnh, di sản kiến trúc trầm mặc, nét đặc sắc của phong tục tập quán và sự bình dị của đời sống trên khắp mọi miền đất nước đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận, dẫn người xem vào chuyến du ngoạn qua ba miền đất nước thông qua những nét vẽ, mảng màu sinh động.

Chuỗi chương trình nghệ thuật chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
Văn hóa

Chuỗi chương trình nghệ thuật chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam

Nhằm chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các đơn vị nghệ thuật trực thuộc tổ chức chuỗi chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt trên cả nước, mang đậm dấu ấn lịch sử, nghệ thuật và lòng tự hào dân tộc.

Xuất bản cuốn sách "Nam Bộ là thành đồng của Tổ quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chính trị

Xuất bản cuốn sách "Nam Bộ là thành đồng của Tổ quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2025), 80 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23.9.1945-23.9.2025), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Nam Bộ là thành đồng của Tổ quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vẹn nguyên ký ức chiến trường
Văn hóa - Thể thao

Vẹn nguyên ký ức chiến trường

Nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải, dấu ấn về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc không chỉ được khắc ghi trong những trang sử vàng son, mà còn được lưu giữ qua những họa phẩm giàu cảm xúc.