XEM - NGHE - ĐỌC

Ma lực của ngôn ngữ

- Chủ Nhật, 15/05/2022, 07:50 - Chia sẻ

Hai cuốn sách đáng giá và thực sự quan trọng, cho những ai yêu ngôn ngữ, đặc biệt là những người mê viết lách và luôn muốn làm giàu cho kho từ vựng của mình.

Hai cuốn sách thuộc dạng "hắc não" nhưng vô cùng thú vị: “Lược sử ngôn ngữ: Chuyện kể về phát minh vĩ đại của loài người” và “Cuộc phiêu lưu của ngôn ngữ Anh: Tiểu sử Anh ngữ từ năm 500 đến năm 2000”. 

Một công trình nghiên cứu đồ sộ mô tả lại cuộc hành trình vĩ đại của ngôn ngữ loài người. Chúng không đơn thuần là sản phẩm tiến hóa mà còn là thứ vũ khí giúp loài người trở thành “kẻ săn mồi” bậc nhất và thống trị hành tinh Trái Đất. 

Gần đây, khi đọc thông tin tài tử Bruce Willis phải từ giã sự nghiệp diễn xuất sau gần 4 thập niên vì mắc một hội chứng gọi là aphasia (chứng mất ngôn ngữ), một dạng rối loạn chức năng của não bộ, tôi khá ngạc nhiên khi lần đầu biết đến hội chứng này. Trong cuốn sách "Lược sử ngôn ngữ...", tác giả cho biết đó chỉ là một trong nhiều dạng rối loạn ngôn ngữ ở con người do tác động của não bộ. 

Ngoài aphasia, chúng ta còn có thể mắc các chứng rối loạn khác như chứng suy giảm ngôn ngữ chuyên biệt (SLI), chứng khó đọc phát triển (cả tài tử Tom Cruise và Keanu Reeves đều mắc khi còn nhỏ), chứng suy giảm ngôn ngữ, khuyết tật học hỏi ngôn ngữ, rối loạn ngôn ngữ giao tiếp, giao tiếp chậm và nhầm lẫn ngôn ngữ bất thường… 

Riêng chứng aphasia như Bruce Willis ở Mỹ có khoảng 2 triệu người mắc phải và khoảng 225.000 người được chẩn đoán mắc bệnh này mỗi năm. 

Não bộ là bộ phận quan trọng nhất của con người trong tiến trình tiến hóa của ngôn ngữ. Nhưng sự phát triển của ngôn ngữ lại trải qua một cây phả hệ rất dài, móc nối những ngành liên quan đến sự tiến hóa của nó, bao gồm nhân học, khoa học nhận thức, cổ thần kinh học, sinh học, khảo cổ học, khoa học thần kinh và linh trưởng học…

Để thực hiện công trình khảo cứu đồ sộ này về ngôn ngữ, Daniel Everett đã dành gần 40 năm, coi như nửa đời người để sinh sống và làm việc trong rừng rậm Amazon, cho ra nhiều công trình nghiên cứu về người Pirahã, một tộc người sống tại lưu vực sông Amazon, và ngôn ngữ của họ. 

Thông qua nghiên cứu về lịch sử tiến hóa của ngôn ngữ, từ những nỗ lực biểu ý bằng lời nói sớm nhất của con người cho đến gần 7.000 ngôn ngữ hiện diện trên Trái Đất ngày nay. Everett đã lần theo bước chân của hàng chục nghìn thế hệ loài người, lần lượt bóc tách nhiều lý thuyết tồn tại từ lâu trong các lĩnh vực như sinh học, ngôn ngữ học nhằm chứng minh rằng ngôn ngữ không phải bản năng bẩm sinh của giống loài chúng ta – một khám phá khiến thế giới ngôn ngữ học đương đại đảo lộn.

Cuốn "Lược sử ngôn ngữ" của Daniel L. Everett hơi khó nhằn và nặng tính nghiên cứu, nhưng cuốn "Cuộc phiêu lưu của ngôn ngữ Anh" của Melvyn Bragg, vị Nam tước và là thành viên danh dự Hiệp hội Hoàng gia Anh, thành viên Hội Văn học Hoàng gia, Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh… lại vô cùng thú vị, có lẽ vì ông là một tác giả ăn khách của nhiều show truyền hình, phim tài liệu về ngôn ngữ và kịch bản phim điện ảnh cũng như tác giả của nhiều tác phẩm hư cấu khác. 

Trong cuốn sách kể về cuộc phiêu lưu của tiếng Anh, ông đã lý giải tại sao từ khởi đầu là một phương ngữ được khoảng 150.000 người sử dụng, ngôn ngữ Anh đã xoay xở trở thành một ngôn ngữ quốc tế có đến 1,5 tỷ người dùng ngày nay. Ông đã giải đáp các câu hỏi xoay quanh lịch sử phát triển của ngôn ngữ này cũng như lý giải việc nó đã chinh phục cả thế giới ra sao.

Sự phát triển của tiếng Anh đã chu du qua nhiều thời gian và không gian, qua những cuộc phiêu lưu không hồi kết của sự tiếp thu và vay mượn từ hàng chục ngôn ngữ khác trên thế giới, nhờ sự đóng góp vô cùng quan trọng của những nhà văn vĩ đại như Shakespeare đến Charles Dickens, qua những cuộc chiến tranh, qua cuộc cách mạng công nghiệp Anh (được đánh giá là thay đổi toàn bộ cuộc sống hiện đại của nước Anh và ngôn ngữ Anh)… Và cho đến hiện tại, trong cuộc sống hàng ngày, tiếng Anh vẫn tiếp tục được tái phát minh các biến thể mới ở bất cứ nơi nào nó có mặt và chưa hề tỏ dấu hiệu giảm tốc.

Đoạn dưới đây là một đoạn ví dụ sinh động về sự tái phát minh của các biến thể mới tiếng Anh - Mỹ trong đời sống hiện đại của nước Mỹ khoảng một thế kỷ qua. 

"Trong khoảng hơn trăm năm qua, trong khi tiếng Anh-Anh đã duy trì được khả năng sinh sôi đáng kinh ngạc của mình và các biến thể tiếng Anh từ mọi lục địa đã hòa trộn vào nhau, thì tiếng Anh - Mỹ đã bổ sung những động cơ mới. Họ đã phát minh và sáng tạo lại các từ để mô tả xã hội của chính họ. 

Chúng ta có thể thấy tiếng Anh-Mỹ ở khu trung tâm mọi thành phố nước Mỹ. Chúng ta nhìn lên một “apartments” - khu căn hộ để tìm “penthouse” - căn áp mái, cuộc sống ngập tràn “mass media” - phương tiện truyền thông đại chúng, vào các “chain store” - cửa hàng dạng chuỗi, ăn sáng bằng món “cornflakes” - bánh ngô nướng, tránh ăn “hot dog” - bánh mì kẹp xúc xích, nhìn “commuters” - người đi làm rảo bước dưới dải đèn “neon”, không “jaywalking” - đi sai đường, một điều thật “moronic” - ngu ngốc, nhưng nếu họ là “executives” - giám đốc điều hành hoặc “go-getters” - người táo bạo (không phải “yes-men” - kẻ ba phải hay bọn “fat cat” - bọn “mèo béo”), họ sẽ đuổi theo “big business” - vụ làm ăn lớn, dù không liên quan mấy đến “assembly line” – dây chuyền lắp ráp hay “closed shop” - xí nghiệp công đoàn. Có khả năng xảy ra “traffic jam” - tắc đường, nên đừng “speeding” - chạy quá tốc độ, chắc chắn không có chỗ để “joy-riding” - đua tốc độ và có càng nhiều “underpasses” - hầm chui càng tốt. Và tất nhiên, ở thành phố trung tâm nào cũng có một rừng “skyscraper” - tòa nhà chọc trời. “Skyscraper” bắt đầu ra đời như một thuật ngữ hải quân trong tiếng Anh - một cánh buồm nhẹ vươn cao đón gió khi trời lặng gió. Giờ đây, ý nghĩa thế giới của nó là những tòa nhà rất cao, giống như những tòa nhà ở các thành phố của Mỹ. 

Sau đó, bạn có thể đi vào “hotel” (khách sạn, dinh thự riêng lớn trong tiếng Pháp) và tìm “lobby” (tiền sảnh, tiếng Anh), gặp “desk clerk” - nhân viên lễ tân và “bell boy” - người khuân hành lý, chào người “hat-check” - giữ áo khoác, mũ khi đi đến “elevator” - thang máy.  

 Trong phòng ngủ, người Anh có “bedclothes” (ga trải giường), người Mỹ có “covers”; thay vì “dressing gown” (áo choàng), bạn sẽ thấy “bathrobe”, “drapes” (rèm màn) chứ không phải “curtains”, “closet” (tủ đựng quần áo) chứ không phải “wardrobe”, và trong phòng tắm có “tub” (bồn tắm) kèm “faucet” (vòi), thay vì “bath” và “tab”.

Trong suốt chặng đường, người Mỹ và người Anh đã nói xấu tiếng nói của đối phương, một cách vui vẻ là chủ yếu. Walt Whitman nói rằng tiếng Mỹ là một ngôn ngữ mới tuyệt vời được phát minh lại từ truyền thống và uy quyền của tiếng Anh-Anh. Và ngược lại, người Anh cũng sử dụng lại các cụm từ rất hay có nguồn gốc từ Mỹ, ví dụ như “cave in”, “flare up”, “fork over”, “hold on”, “let on”, “stave off”, “take on”, “fall for” và “get the hang of”…

Đôi khi có vẻ như nước Mỹ đã chuẩn bị cho cuộc sống hiện đại. “Photogenic” – ăn ảnh, “beauty queen” – nữ hoàng sắc đẹp, “beauty parlour” – thẩm mỹ viện, “beautician” – chuyên gia thẩm mỹ, “nutritionist” – chuyên gia dinh dưỡng, “sex appeal” – hấp dẫn giới tính, “sugar daddy” – cha nuôi hay “bố đường” – theo cách gọi ở Việt Nam (nghĩa xấu), “pop songs” – bài hát phổ thông, “smash hits” – tác phẩm ăn khách, “a record store” – cửa hàng băng đĩa….

* *
 *

Cũng giống như sự phát triển của kinh tế hay công nghệ, tham vọng của loài người với ngôn ngữ cũng chưa bao giờ dừng lại. Và chừng nào con người còn tồn tại, ngôn ngữ vẫn tiếp tục được cập nhật những từ mới để làm giàu cho hành trình sinh tồn của chúng ta. 

Hai cuốn sách đáng giá và thực sự quan trọng, cho những ai yêu ngôn ngữ, đặc biệt là những người mê viết lách và luôn muốn làm giàu cho kho từ vựng của mình.

Highly recommended! – Từ này hình như cũng là “sáng tạo” của tiếng Anh-Mỹ thì phải, trong thời đại bùng nổ của entertainment industry - ngành công nghiệp giải trí khởi phát từ nước Mỹ.

LÊ QUÂN