Lưu giữ ký ức đô thị

- Thứ Bảy, 14/05/2022, 07:04 - Chia sẻ

Giữa nhịp sống hối hả thường nhật, xu thế đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, di sản kiến trúc không chỉ giúp nghiên cứu nét độc đáo của các phong cách thiết kế xưa, mà còn phác họa chân dung các thời kỳ lịch sử. Tuy vậy, phần nhiều trong số đó, đặc biệt là di sản chưa được xếp hạng đang xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ bị phá để nhường chỗ cho công trình mới.

Cân bằng nhu cầu đổi mới và gìn giữ di sản

“Thành phố không còn những ngôi nhà cổ kính cũng như con người không còn ký ức”. Câu nói này đã thể hiện tầm quan trọng về lịch sử, văn hóa của di sản kiến trúc. Mỗi di sản là một chứng nhân cho thời kỳ lịch sử đã qua của đất nước, dân tộc. Khi nhìn ngắm chúng, ta như được xem một cảnh phim cắt ra từ quá khứ, kể một câu chuyện về những thăng trầm của các thế hệ đi trước. 

TS. KTS. Tô Kiên cho rằng, di sản kiến trúc là bằng chứng vật chất của sự phát triển văn hóa một thời. Tuy nhiên, các quốc gia, bất kể mức độ phát triển kinh tế ra sao, thường phải đối mặt thách thức ngân sách eo hẹp cho bảo tồn và trùng tu di sản, trong khi áp lực phát triển từ cơ chế thị trường luôn đe dọa sự tồn vong của các di sản đó.

Làm sao cân bằng, dung hòa sự xung đột, cộng sinh giữa bảo tồn và phát triển? Kinh nghiệm quốc tế cũng như Việt Nam cho thấy, có 4 cách ứng xử với di sản kiến trúc, gồm: Bảo tồn, cải tạo, trùng tu và tái thiết. Tuy nhiên, lựa chọn cách ứng xử phù hợp để cân bằng nhu cầu phát triển, đổi mới với gìn giữ, bảo vệ giá trị tốt đẹp vốn có vẫn là những câu hỏi khó cho các chuyên gia, nhà quản lý, nhà quy hoạch và cả người dân. 

Thực tế, một số quốc gia như Singapore, Nhật Bản có điểm tương đồng với Việt Nam, như: Có các thể loại công trình lịch sử văn hóa đa dạng của nhiều thời kỳ, có tương tác với văn hóa phương Tây và để lại các công trình mang phong cách thuộc địa, đều trải qua tàn phá của chiến tranh và phục hồi hậu chiến, kinh qua quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa nhanh dưới tác động của kinh tế thị trường...

Trong công tác bảo tồn, Singapore đại diện cho sự thành công của cách tiếp cận bảo tồn mang tính “thỏa hiệp, thực dụng”, bảo tồn các địa điểm văn hóa lịch sử để làm giàu bản sắc thành phố và phục vụ tái thiết đô thị, phát triển du lịch. Đối với trùng tu, nguyên tắc cơ bản nhất là giữ lại tối đa, trùng tu tinh tế, sửa chữa cẩn trọng. Hợp tác công tư trong quá trình trùng tu, bảo tồn. 

Trong khi đó, tại Nhật Bản, điểm nổi bật là gắn bảo tồn với phát triển du lịch để bảo đảm sự bền vững về kinh tế cũng như văn hóa, xã hội. Quốc gia này đã hình thành khung chính sách về bảo tồn di sản, phân bổ lợi nhuận từ du lịch cho cộng đồng... Theo TS. KTS. Tô Kiên, đây đều là những bài học kinh nghiệm về bảo tồn hữu ích cho Việt Nam. 

Lưu giữ ký ức đô thị -0
Cân bằng giữa nhu cầu đổi mới và gìn giữ di sản

Khai thác “quà tặng của quá khứ” 

Tại Việt Nam, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc còn có khó khăn. Ngoài mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, trong quá trình làm việc với di sản kiến trúc, TS. KTS. Trương Ngọc Lân cho rằng, nhiều công trình có giá trị di sản còn nằm trong “vùng mờ”. Có di sản chưa được phát hiện, vì nằm trong diện mạo nào đó, chẳng hạn nhiều người nghĩ Trạm phát sóng Bạch Mai là biệt thự cổ, ít ai biết đó là điểm phát sóng đầu tiên của ngành phát thanh Việt Nam, trạm radio dân sự đầu tiên ở Đông Dương. Cũng có những di sản đã kiểm kê, đánh giá nhưng không được xếp hạng di tích vì không có sự đồng thuận của chủ sở hữu (một số nhà cổ trong làng cổ Đường Lâm); các công trình có giá trị nhất định, chưa đủ để xếp hạng di tích nhưng có giá trị đóng góp tổng thể với vùng di sản (nhà cổ trong làng cổ, phố cổ ở Hội An, biệt thự cổ loại 2, 3...).

Bên cạnh đó, một số di sản có giá trị nhưng xa lạ với quan niệm Việt Nam như: công trình công nghiệp, hạ tầng, công trình xây dựng sau năm 1954. UNESCO đã công nhận 40 công trình nhà máy là Di sản thế giới, nhưng ở Việt Nam, nhà máy cũ, giá trị di sản trong một số kiến trúc hiện đại thường bị coi nhẹ...

Các kiến trúc sư cho rằng, một số nhà máy cũ hoàn toàn có thể cải tạo để có đời sống mới, vừa bảo tồn di sản kiến trúc nhưng vẫn mở rộng không gian, mang lại lợi ích cho người sử dụng, chủ sở hữu. TS. KTS. Trương Ngọc Lân ví dụ công trình ở số 24 Tràng Tiền, Hà Nội, xây dựng từ đầu thế kỷ XX, là một nhà máy in, một trong những công trình art décor sớm nhất của Hà Nội, dù không trong danh sách xếp hạng, nhưng vẫn được lưu giữ, cải tạo trở thành địa điểm văn hóa hấp dẫn. Tuy vậy, Hà Nội cũng có những công trình di sản công nghiệp có tính nguyên bản cao, mang giá trị kiến trúc, như công trình 61 Trần Phú, nhưng để lâu trong trạng thái không có đóng góp cho đời sống cộng đồng... 

KTS. Lê Quang góp ý, trong thời công nghệ số, cần quan tâm tới việc lưu trữ dữ liệu. Không thống kê, có nền tảng dữ liệu, khó nói đâu là di sản, đâu không là di sản. Thông qua lớp lang quản lý dữ liệu, nhà quản lý đô thị dễ dàng đánh giá di sản, xem xét giá trị từng công trình trong đô thị di sản. Do đó, cần có chính sách, nguồn lực thu thập nền tảng dữ liệu, giúp chuyên gia quy hoạch có cái nhìn toàn cảnh. Trong khi đó, TS. KTS. Trương Ngọc Lân nhận định, công cụ tốt là chính sách, phương án chuyển đổi vừa bảo tồn công trình, vừa bảo đảm lợi ích chủ đầu tư và có thể phát triển, bên cạnh công khai thông tin bảo tồn... 

“Di sản kiến trúc như quà tặng của quá khứ cho đô thị hôm nay. Cái Việt Nam cần làm lúc này là sự quản trị vững mạnh ở nhiều cấp độ để đưa ra định hướng, quyết sách và thực hiện chính sách một cách đúng đắn và hiệu quả, đáp ứng được cả nhu cầu bảo tồn và phát triển, hướng tới tương lai phát triển bền vững hơn cho các thành phố” - TS. KTS. Tô Kiên góp ý. 

Thảo Nguyên