Kiến giải mới về nguồn gốc Truyện Kiều

- Thứ Hai, 03/08/2020, 08:13 - Chia sẻ
Quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá và đưa ra những kiến giải mới đối với tác phẩm bất hủ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, theo các nhà nghiên cứu, là để mỗi người suy ngẫm sâu hơn về lịch sử và văn hóa dân tộc Việt.

94,3% Truyện Kiều do Nguyễn Du hư cấu và sáng tạo

Tại Hội thảo “Minh họa Truyện Kiều dưới cách nhìn minh triết Việt” cuối tuần qua, nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du (1820 - 2020), các nhà nghiên cứu đã thảo luận nhiều vấn đề quanh Truyện Kiều, bắt đầu từ khảo sát, phản biện và kiến nghị về quan điểm của học giả Đào Duy Anh khi bàn vấn đề “Nguyễn Du mượn cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) để viết Truyện Kiều”.

Quan điểm của học giả Đào Duy Anh đã được dẫn trong sách giáo khoa phổ thông, các ấn bản và nhiều tài liệu. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lê Nghị: “Quá trình nghiên cứu Truyện Kiều, khi nghiêm túc so sánh các văn bản, chúng tôi phát hiện ra rằng Truyện Kiều là gốc của Kim Vân Kiều truyện ở Việt Nam, rồi từ đó người ta phóng tác Kim Vân Kiều truyện ở Trung Quốc”. 

Truyện Kiều (tên nguyên thủy là Đoạn trường Tân Thanh) của Nguyễn Du xuất hiện đầu tiên theo sử chép và lưu truyền sau năm 1814, in sách sau khi Nguyễn Du mất, vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821). Trong cuốn sử ghi chép tác giả và tác phẩm Đại Nam liệt truyện chính biên, Quốc sử quán triều Nguyễn, niên hiệu Minh Mạng, đề tên chính thức về tác phẩm này là Truyện Nôm Thúy Kiều, có bản in sớm nhất còn lưu vào năm 1866. Do đó, Truyện Nôm Thúy Kiều rõ ràng là truyện thơ tiếng Việt, được sáng tác bởi người Việt.

Nhà nghiên cứu Lê Nghị lý giải, Nguyễn Du đã dựa vào chất liệu Minh sử để thực hiện 5,7% tác phẩm, tức là 187/3.254 câu thơ cho Truyện Nôm Thúy Kiều (sau này là Truyện Kiều). Nghĩa là 94,3% còn lại là do Nguyễn Du hư cấu và sáng tạo. “Kết luận này nghe có vẻ lạ, song theo lời một học giả Trung Hoa tại Đại học Hồ Nam: Trước tháng 10.1983, không có sách vở nào ở Trung Hoa, kể cả văn học sử, nhắc tới Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Đến tháng 10.1983, học giả Lý Chí Trung hiệu đính một cuốn sách bị thất lạc và đề tên cho tác phẩm ấy là Kim Vân Kiều truyện với tên tác giả là Thanh Tâm Tài Nhân”.

Bản Truyện Kiều do Công Thiện Đường in vào mùa Đông năm Mậu Tuất (1898), thời vua Thành Thái  

Hiện thực sinh động của xã hội Việt Nam

Các nhà nghiên cứu Lê Nghị, Lâm Thanh Sơn, họa sĩ - nhà giáo Nguyễn Tuấn Sơn (Hội Kiều học Việt Nam) cho biết, về trình tự, Truyện Kiều xuất hiện trước tiên. Kim Vân Kiều lục bình giảng Kiều tiếp theo, Kim Vân Kiều truyện của nhóm Thanh Tâm Tài Tử phóng tác từ Kim Vân Kiều lục. Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (bản thất lạc do Lý Chí Trung, Trung Hoa, hiệu đính) là cuốn sách cuối cùng. Do đó, nội dung cuốn Kim Vân Kiều truyện theo sát lời thơ Truyện Kiều của Nguyễn Du, là dựa thơ tạo cốt truyện. Không thể có chuyện ngược lại. Những kết luận này mong muốn đóng góp thiết thực cho việc nâng cao sự hiểu biết của bạn đọc về Truyện Kiều, về Nguyễn Du, về ngôn ngữ Việt và văn hóa Việt, hy vọng nhận được những phản biện có tính xây dựng của độc giả.

Về tác giả của Kim Vân Kiều truyện, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giả thuyết. Trong đó, bằng chứng khoa học là văn bản của vua Minh Mạng năm 1830, ra chỉ dụ cho nhóm văn thần Thanh Tâm Tài Tử ở Hàn lâm viện viết Kim Vân Kiều lục (bình giảng Truyện Kiều) bằng chữ Hán. Đó cũng là một trong những lý do trải qua hàng trăm năm sau, nhiều đồn đại cho rằng cuốn sách được xuất phát từ Trung Hoa nên Kim Vân Kiều lục được diễn giải lại bằng văn xuôi tiếng Việt, trở thành cuốn Kim Vân Kiều truyện. Những đồn đoán sai lầm đó của người Việt cũng là nguyên nhân để học giả người Trung Hoa nhận về mình cuốn sách này năm 1983, như đã trình bày ở trên.

Các nhà nghiên cứu kết luận, cùng nguồn sử liệu nhà Minh, với các nhân vật Từ Hải - Kiều - Hồ Tôn Hiến, ở Trung Hoa và Việt Nam đi theo 2 hướng khác nhau. Ở Trung Hoa phóng tác thành các tiểu phẩm gồm truyện ngắn, kịch, tuồng độc lập, không tác phẩm nào kế thừa tác phẩm nào. Cũng không có tác phẩm nào mang cùng tên nhân vật và số phận nhân vật có cốt truyện, nội dung giống Đoạn trường Tân Thanh. 

“Kết cấu Kim Vân Kiều truyện bản của Trung Hoa xen nhiều thơ phú, cốt truyện còn có vẻ hấp dẫn, hiện thực hơn, số phận nhân vật chính diễn biến chìm nổi liên tục, nếu thật là “kỳ thư” như học giả Trung Hoa nhận định, lại không có độc giả, không có nhà phê bình đoái hoài, không có sách ghi nhận, là hiện tượng không hề có”, nhà nghiên cứu Lâm Thanh Sơn cho hay.

Ở Việt Nam, Nguyễn Du dùng chất liệu sử tạo nên bộ tiểu thuyết trường thi bằng thơ Nôm Đoạn trường Tân Thanh. Từ tác phẩm này được bình giảng bởi Kim Vân Kiều lục với xung quanh đó là bao sự kiện phê bình, tán thưởng, sách vở in ấn... Đặc điểm của truyện Nôm Việt Nam thì truyện thơ nhiều hơn truyện văn, do bấy giờ đa số dân Việt không biết đọc chữ Hán Nôm, nên diễn thơ cho dễ nhớ như các truyện trước sau Đoạn Trường Tân Thanh có: Hoa Tiên truyện, Phạm Công - Cúc Hoa, Nhị Độ Mai, Đào Hoa Mộng ký, Bích Câu kỳ ngộ, Lục Vân Tiên…

Nhà nghiên cứu Lâm Thanh Sơn khẳng định: “Xét cho cùng, Nguyễn Du đã lấy chất liệu từ sử nhà Minh, xây dựng các nhân vật Từ Hải, Kiều, Hồ Tôn Hiến làm đỉnh điểm cho tiểu thuyết trường thi của mình. Đồng thời, tự đặt tên các nhân vật còn lại như: Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, Thúc Sinh, Đạm Tiên, cùng những nhân khác... Đó chính là diện mạo hiện thực sinh động của con người trong xã hội mà Nguyễn Du đã sống. Với kiến thức uyên bác, ông không dịch hoặc tóm tắt một cuốn văn xuôi của ai, cũng không đem thi tài để làm đẹp cho cuốn tiểu thuyết nào của Trung Hoa. Cái đẹp ông mang lại là cái đẹp của tâm hồn và ngôn ngữ người Việt. Chính Đoạn trường Tân Thanh (Truyện Kiều) đã đánh thức một thế hệ tiếp nối không dựa vào tác phẩm Trung Hoa”.

Hồng Hà