Hoài niệm cùng sơn mài

Các họa sĩ Đặng Thu Hương, Nguyễn Thị Quế và Lý Trực Sơn là bạn đồng môn học Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam từ những năm 1960. Họ tìm về chất liệu sơn ta và lặng lẽ sáng tác tranh sơn mài theo tinh thần mà họ đã tiếp nhận được ở các bậc thầy, với những lẽ riêng và kể về những nỗi niềm riêng.

Triển lãm Thiên nhiên - Hoài niệm của 3 họa sĩ Đặng Thu Hương, Nguyễn Thị Quế và Lý Trực Sơn vừa khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, là những phút giây yên bình, thư thái cùng nghệ thuật và cái đẹp, cùng sự giao hòa Á - Âu trong từng đường nét và màu sắc. Say mê với sơn ta, 3 họa sĩ gửi vào trong tranh những rung động với thiên nhiên, cuộc sống và những hoài niệm, khát vọng về cái đẹp.

Trước tác phẩm “Hồi ức” của họa sĩ Lý Trực Sơn Ảnh: Hồng Nhung
Trước tác phẩm “Hồi ức” của họa sĩ Lý Trực Sơn  Ảnh: Hồng Nhung

Họa sĩ Nguyễn Thị Quế chọn lối vẽ đơn giản mà chặt chẽ, ấn tượng. Những bông hoa được sắp đặt như nói lên sự tĩnh lặng của tâm hồn. Bà tô điểm từng cánh sen, công phu tỉa tót từng đường gân của tàu chuối hay nhụy hoa mẫu đơn. Họa sĩ Nguyễn Thị Quế cho biết: “Sơn ta là một chất liệu yêu cầu rất khó, nhưng khi họa sĩ điều khiển được rồi thì chất liệu này thực sự tuyệt vời. Theo tôi, cái biểu cảm của sơn ta so với các loại sơn khác tùy thuộc vào mỗi nghệ sĩ. Nếu đam mê nó sẽ tạo ra được sự huyền ảo trong tác phẩm của mình”.

Cùng vẽ về hoa, nhưng họa sĩ Đặng Thu Hương chỉ sử dụng sắc màu cơ bản của sơn mài truyền thống như vàng, đỏ, đen, trắng vỏ trứng, nâu cánh gián… Các tác phẩm của bà trông nghiêm cẩn, đầy sang trọng, lộng lẫy, nhưng kín đáo, âm thầm như một lời gợi nhớ về cõi xưa. Họa sĩ Đặng Thu Hương may mắn có quê gốc ở Lâm Thao, Phú Thọ, vùng đất trồng loại cây sơn nổi tiếng. Gia đình bà nhiều thế hệ trước đã từng có những quả đồi trồng sơn, làm nghề khai thác loại thổ sản này. Họa sĩ Đặng Thu Hương chia sẻ: “Tuy sống và trưởng thành tại Hà Nội nhưng tôi thường xuyên về quê. Chính điều này cho tôi cơ hội được biết và học hỏi về nghề làm sơn, mỹ nghệ, giúp tôi hiểu hơn về sơn ta”.

Làm tranh sơn mài đòi hỏi sự công phu, tỉ mẩn trong các công đoạn chế tác, từ vẽ nhiều lớp, phủ sơn nhiều lần, mài nước, đánh bóng. Đồng thời, họa sĩ phải có sự bền bỉ trong cảm xúc và sự nhẫn nại trong lao động nghệ thuật. Thuận tay trong rất nhiều chất liệu như màu nước, sơn dầu, giấy dó… họa sĩ Lý Trực Sơn tìm lại sơn mài sau một cuộc viễn du trên nhiều miền phong cách để sáng tác một loạt tranh khổ lớn. Luôn tuân thủ những quy tắc làm màu của nghề sơn, nhưng họa sĩ Lý Trực Sơn đã sáng tạo một bảng màu với sắc độ vượt ra khỏi biên giới của thẩm mỹ Á Đông với những màu sắc mạnh như xanh lá mạ, hồng cánh sen, lam ngọc, ghi bạc… Nét độc đáo là bố cục tranh được chia ra làm ba mảng sắc độ như muốn nói đến các tầng của ký ức con người và sự quyến rũ đầy tính tâm linh của sắc màu, mong muốn người xem nhớ lại những gì hiện tại đã trót bỏ quên…

Có thể nói, bằng tình yêu sơn ta với những quyến luyến đầy chất Việt trong biểu cảm sắc màu, 3 nghệ sĩ đã góp tiếng nói, kế bước các bậc thầy xưa để hội họa sơn mài thể hiện rõ nét tinh thần Á Đông hội ngộ với những xúc cảm mỹ học của thế giới hôm nay. “3 người vẽ theo 3 phong cách khác nhau nhưng khi trưng bày chung một triển lãm vẫn tạo được sự gắn kết, bởi trong nghệ thuật, dù chất liệu, cách thể hiện khác nhau, nhưng cùng cảm xúc thật, có sức sống sẽ luôn hòa hợp được với nhau” - họa sĩ Lý Trực Sơn nói.

Văn hóa

Sớm lập bảo tàng về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Văn hóa - Thể thao

Sớm lập bảo tàng về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngày 26.12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển tổ chức Hội thảo Khoa học “Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn”. Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần sớm lập bảo tàng xứng đáng với tầm vóc và cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây sẽ là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Lan tỏa văn hóa Việt trên quê hương Phật pháp
Văn hóa - Thể thao

Lan tỏa văn hóa Việt trên quê hương Phật pháp

Ẩm thực, chữ viết và trang phục là những thứ quan trọng nhất để nhận diện cũng như kết nối các nền văn hóa. Và tất cả những thứ đó đều hiện diện ở Thiền viện Trúc Lâm - ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại Sri Lanka. Mới được xây dựng cách đây 4 năm, nhưng Thiền viện Trúc Lâm giờ đây không chỉ là nơi tu tập thiền định mà còn trở thành điểm giới thiệu, lan tỏa văn hóa Việt Nam.

Nhiều bạn trẻ hứng thú với đề tài cách mạng, lịch sử
Văn hóa - Thể thao

Nhiều bạn trẻ hứng thú với đề tài cách mạng, lịch sử

Trong Lễ trao giải Cuộc thi viết về “Trang sách thay đổi đời tôi” và Cuộc thi video clip với chủ đề “Lịch sử Việt Nam” năm 2024 diễn ra tại Hà Nội, ngày 23.12, nhiều cây viết trẻ đã giành giải cao với các tác phẩm viết về tinh thần cách mạng như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” hay “Thép đã tôi thế đấy”.

Tô đậm trang sử vẻ vang của dân tộc
Văn hóa - Thể thao

Tô đậm trang sử vẻ vang của dân tộc

Từ những trang văn thơ kháng chiến đến tác phẩm sân khấu, điện ảnh đi cùng năm tháng, hình tượng người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là đề tài đồ sộ trong văn học nghệ thuật. Bằng tình yêu, cảm hứng sáng tạo, các thế hệ văn nghệ sĩ… đã tái hiện chân thực, sinh động và hào hùng về người lính Cụ Hồ, góp phần tô đậm trang sử vẻ vang của dân tộc.