Từ xa xưa, khi ông cha chúng ta còn dùng chữ Hán, chữ Nôm làm chữ viết chính thống thì sự quý chữ, trân trọng chữ và kính chữ đã đạt đến tột đỉnh. Điều đó cho thấy, “sự học” luôn được đặt lên hàng đầu - tạo nên nhân cách và sự nghiệp của một con người và làm rạng danh một dòng họ. Theo đó, truyền thống thờ chữ, rước chữ, chơi chữ và xin chữ xuất hiện vào những dịp lễ, Tết trong cộng đồng vừa như một sự tôn vinh, vừa như một thú chơi để thưởng ngoạn và cầu mong những điều tốt đẹp.
Theo quan niệm của các cụ xưa, không phải ai biết chữ cũng có thể cho chữ được. Như các cụ thường nói “nét chữ nết người”, những người được mọi người xin chữ là những nho sỹ, những thầy giáo, thầy đồ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân. Có như vậy thì việc xin chữ và cho chữ mới thật sự ý nghĩa, người cho chữ mới đáng mặt chữ và người xin chữ mới xứng hồn chữ. Mới thấy cái việc xin - cho chữ cũng là cái đạo, cái cốt cách của con người.
Xin chữ, cho chữ có mấy cách thức. Thường tùy theo nguyện vọng của người xin chữ, trong năm mới người ta cầu mong điều gì nhất thì người ta xin. Nếu người đi xin chữ băn khoăn không biết xin chữ gì, thì thầy đồ sẽ dò hỏi để tư vấn mà cho chữ. Đó là cách phổ biến. Còn có cách tặng chữ sang trọng hơn, hiếm hơn, ấy là những người chơi với nhau, biết nhau, quý trọng nhau, hiểu tính khí nhau mà tặng chữ cho nhau.
Chữ thường được viết trên nền giấy hồng, giấy đỏ, là biểu tượng màu may mắn, tốt lành. Tùy thuộc vào nội dung của chữ mà người viết bằng mực nho hay nhũ vàng để có ý nghĩa nhất cho người đến xin chữ. Chữ không chỉ điểm tô sắc màu cho mỗi ngôi nhà mà đó còn là cách để mỗi người gửi gắm biết bao ước nguyện, thể hiện tinh thần hiếu học, trọng chữ nghĩa, tri thức của người Việt.
Tục xin chữ, cho chữ ngày Tết, tưởng rằng mai một, thất truyền, thì gần 10 năm nay, ở nước ta nét đẹp văn hóa đó được khơi dậy, khởi sắc, và trở thành một trong những hoạt động tâm điểm của các lễ hội truyền thống mùa xuân. Điều đáng mừng, không chỉ những người già, người có kinh nghiệm chơi chữ - xin chữ, mà giới trẻ cũng rất háo hức với nét văn hóa truyền thống này. Việc tái hiện, lưu giữ một phong tục đẹp như xin chữ - tặng chữ - cho chữ đầu năm là minh chứng cho thấy những phong tục đẹp của cha ông ta xưa không dễ bị lãng quên.