Giáo dục dòng họ bằng gia phả

- Thứ Tư, 02/03/2016, 08:39 - Chia sẻ
Xưa nay, gia phả vẫn được coi là “gia bảo”. Đọc gia phả giúp hậu thế hiểu rõ nguồn cội và quan hệ huyết thống của mình, qua đó tăng thêm niềm tự hào, sự gắn kết và trách nhiệm đối với tổ tiên, dòng họ cũng như đối với đất nước, quê hương.

Trong khuôn khổ Đại hội Sách cũ lần thứ IV do Alphabooks tổ chức cuối tháng 2 vừa qua, nhiều cuốn tư liệu về hương ước làng xã, gia phả một số dòng họ lớn của Việt Nam đã được triển lãm. Tọa đàm bên lề Làng xã - Hương ước - Gia phả Việt Nam cũng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà chuyên môn và công chúng.

Kết nối thế hệ

Nhắc đến dòng họ là nhắc đến gia phả. Gia phả không chỉ đơn thuần là để ghi chép tên tuổi, ngày sinh, ngày mất, công trạng, phẩm giá của người trong họ mà còn được đem ra đọc cho con cháu mỗi dịp giỗ chạp như sợi dây kết nối các thế hệ trong dòng họ. Các bạn trẻ lần đầu tiếp xúc với những cuốn gia phả, tài liệu quý như Mạc Thị gia phả, Đinh Tộc gia phả, Họ Trần ở Vân canh, Bạch Vân gia huấn, Văn hóa họ Trần, Gia tộc họ Trương, Họ Hồ ở Phú Yên… đều cảm thấy thú vị, tự hào. Đại diện dòng họ Nguyễn Lân, một trong những dòng họ nổi tiếng của Việt Nam, GS. TS. Nguyễn Lân Dũng khẳng định: “Gia phả quan trọng lắm, nhờ gia phả mà con tôi, cháu tôi rồi các thế hệ sau sẽ biết quê quán mình ở đâu, ông bà cụ tổ mình là ai, ai có họ hàng với mình và họ hàng như thế nào… Nhờ đó mà có cách chào hỏi đúng lễ nghĩa”.


Nếu như trước đây, yếu tố kinh tế quy định tốc độ phá vỡ ngôi nhà chung của dòng họ, sự chểnh mảng trong việc ghi chép, bổ sung gia phả, gia huấn thì những năm tháng gần đây, ở khắp nơi trên đất nước, vấn đề dòng họ được đặc biệt quan tâm. Gia phả được tìm lại, tiếp nối và phổ biến. Nhu cầu tình cảm đã khiến mọi người trong dòng họ năng đi lại thăm viếng nhau, những ngày họp họ hoặc giỗ tổ đều có đông con cháu tham gia. Đây là nhu cầu lành mạnh, tích cực và tất yếu. GS. TS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, “sự liên kết về huyết thống này rất hay, như người ta bảo một giọt máu đào hơn ao nước lã… Nhà tôi có nhiều người làm nghề y, chúng tôi vẫn thường xuyên giúp đỡ họ hàng ở quê bị đau ốm, nếu mình không chữa được thì nhờ bạn bè chuyên khoa giúp đỡ. Cho nên lập gia phả không chỉ là vấn đề khoa học xã hội mà còn có ý nghĩa để người trong họ gần gũi nhau, giúp đỡ lẫn nhau, học tập lẫn nhau để tạo nên niềm tự hào của dòng họ mình…”.

Giáo dục hậu thế

Từ trước đến nay, gia phả luôn nêu cao phẩm chất tốt đẹp của dòng họ, ưu tiên viết về truyền thống yêu nước, ghi chép về những con em được ghi nhận trong lịch sử địa phương, dân tộc. Khi khai thác gia phả, thảo gia huấn, mọi người sẽ tự hào về dòng họ mình. Tập hợp tất cả truyền thống của dòng họ, chúng ta sẽ có một bức tranh toàn cảnh về lịch sử, truyền thống dân tộc Việt Nam. Đồng thời, nếu những phẩm chất tốt đẹp của dòng họ được mọi người phát huy, coi như lẽ sống đáng tự hào của dòng họ, thì nhất định tiêu cực sẽ bị đẩy lùi. PGS. TS. Trương Sỹ Hùng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết: “Trong lịch sử nước ta từ thời phong kiến, có những dòng họ lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần của con cháu. Đơn cử, nếu không có nền giáo dục đúng đắn và những tấm gương sáng của dòng họ thì có lẽ triều đại nhà Lê đã không thể trụ vững nhiều thế kỷ trong lịch sử dân tộc”.

Theo GS. Vũ Khiêu, tất cả gia phả, gia huấn, di chúc được lưu giữ đến ngày nay đều nhắc nhở con em phải hiếu thảo trong gia đình, phải chăm sóc người già, giáo dục thiếu nhi, nhân hậu với xóm làng, bạn bè, không đồng lõa với kẻ bất chính, không bao che cho nhau trước pháp luật, không thiên vị nhau khi xử lý công việc chung… Do vậy, đọc gia phả là cách để hiểu về dòng họ, hiểu về một trong những yếu tố xây dựng nên văn hóa làng, văn hóa bản địa. Dù vô tình hay có ý thức, thông qua gia phả, thế hệ sau sẽ tiếp nhận được chuẩn mực giáo dục của cha ông. Đây cũng là cơ hội để mỗi cá nhân điều chỉnh cho phù hợp và hài hòa trong xã hội hiện đại, góp phần lớn vào xây dựng văn hóa dân tộc.

 Gia phả thường gồm 4 phần. Phả ký nói đến tổ quán, vị tổ phụ, quá trình hình thành và phát triển của họ tộc. Phả hệ là phần ghi chép những thành viên trong dòng họ theo thứ bậc từ cao đến thấp, từ vị tổ phụ đến con cháu đang hiện hữu. Ngoại phả là những trang viết gắn liền với họ tộc mình như việc đồng mả, chôn cất, cúng bái, ngày giỗ... Phụ khảo là những điều liên quan đến học tộc trong chiều dài lịch sử của dòng họ như đình chùa, miếu mạo, truyền thống đấu tranh của địa phương... Với những gia đình vua chúa, họ không dùng từ gia phả mà dùng từ ngọc phả, ngọc điệp...

Cẩm Vân