Giải phóng và làm chủ biển đảo trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy 1975

Đại tá, Pgs, Ts Trần Ngọc Long
Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
30/04/2014 08:54

Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, thời cơ chiến lược để giải phóng hoàn toàn miền Nam xuất hiện. Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam, bao gồm cả các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ngay trong mùa khô 1975. Trong cuộc họp cuối tháng 3.1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo: “Nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4.1975, không thể để chậm”.

Giải phóng Trường Sa
Giải phóng Trường Sa

Cùng với việc khẩn trương chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng để giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong tháng 4.1975, thì nhiệm vụ giải phóng các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông mà Quân đội Sài Gòn đang chốt giữ cũng được đặt ra hết sức cấp bách, đặc biệt là với một số đảo, quần đảo ở xa đất liền và có vị trí chiến lược hết sức quan trọng như: Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc… Vừa ở xa đất liền, các đảo, quần đảo này lại có yếu tố nước ngoài chi phối, nhất là với quần đảo Trường Sa, do vậy mà việc giải phóng các đảo, quần đảo này vào thời điểm nào cho thích hợp và bằng cách nào để giảm thiểu thương vong cho bộ đội là bài toán hóc búa mà cơ quan chỉ đạo chiến lược phải tính toán, cân nhắc rất kỹ.

Tình hình ở miền Nam lúc này diễn biến hết sức mau lẹ. Sau khi Tây Nguyên, Trị - Thiên Huế, Đà Nẵng và một loạt vị trí chiến lược quan trọng dọc duyên hải miền Trung rơi vào tay quân giải phóng, hai quân đoàn thiện chiến và hai quân khu phía Bắc bị xóa sổ, Chính quyền và Quân đội Sài Gòn lâm vào tình trạng suy sụp toàn diện. Đây chính là thời cơ thuận lợi để lực lượng vũ trang cách mạng thực hiện chủ trương giải phóng biển đảo, nhất là quần đảo Trường Sa.

Ngày 4.4.1975, thay mặt Thường vụ Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi bức điện đặc biệt cho Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải Quân chính thức giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa, trong đó chỉ rõ: “Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ thì kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng”.

Do ý thức đầy đủ về chủ quyền biển, đảo nên ngay từ đầu năm 1975, Quân chủng Hải Quân cũng đã xây dựng các phương án và chuẩn bị tác chiến trên hướng biển, đặc biệt là giải phóng các đảo khi có lệnh. Tư tưởng chỉ đạo tập trung vào mấy ý chính: quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam. Đây là một địa bàn có ý nghĩa chiến lược về quân sự, chính trị và kinh tế. Quân đội Sài Gòn đóng giữ một số đảo, còn một số đảo do quân đội nước ngoài chiếm giữ. Các lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng quần đảo này phải tích cực chuẩn bị để khi thời cơ đến nhanh chóng hành động, bảo đảm chắc thắng; phải bám sát tình hình, nếu phát hiện đối phương có biểu hiện hoang mang rối loạn thì phải kiên quyết hành động ngay, không để chậm.

Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đều nằm cách đất liền hàng trăm hải lý, tình hình ở các vùng biển này lại cực kỳ phức tạp, năm 1974 Hoàng Sa đã bị nước ngoài chiếm đóng. Trong khi đó, lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng đảo, quần đảo của ta lại rất mỏng, trang bị lạc hậu, cũ kỹ… Vì vậy mà vấn đề thời cơ để giải phóng các đảo rất quan trọng, phụ thuộc vào bước chân thần tốc của các cánh quân trong đất liền, phụ thuộc vào sự bị động của quân đội nước ngoài, không để họ tát nước theo mưa, nhảy vào đánh chiếm trước. Thời cơ để giải phóng quần đảo Trường Sa xuất hiện khi mà một dải đất duyên hải Nam Trung bộ cùng với các đảo gần bờ đã được giải phóng, Quân đội Sài Gòn như ong vỡ tổ, phải co cụm về cố thủ ở phòng tuyến Xuân Lộc để bảo vệ Sài Gòn.

Ngày 9.4.1975, khi ở đất liền, cuộc tiến công vào phòng tuyến Xuân Lộc mở màn, thì trên hướng biển, Bộ Tư lệnh Hải quân được lệnh ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Ngày 11.4, một biên đội tàu vận tải của Đoàn 125 gồm 3 chiếc: 673, 674 và 675, cùng một số đơn vị bộ binh và đặc công rời quân cảng Đà Nẵng trực chỉ tiến ra Trường Sa. 5 giờ sáng ngày 14.4, đảo Song Tử Tây được giải phóng. Trong khi biên đội tàu cơ động giải phóng tiếp đảo Sơn Ca thì trên vùng trời và biển Trường Sa xuất hiện nhiều máy bay và tàu lạ cố tình gây cản trở. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Hải quân đã lệnh cho một bộ phận tiếp tục ở lại giữ Song Tử Tây, bộ phận còn lại trở về củng cố và bổ sung lực lượng, trang bị.

Ngày 21.4.1975, phòng tuyến Xuân Lộc bị chọc thủng, cánh cửa phía Đông của Sài Gòn mở toang; Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức… Thời cơ lớn đã đến, Bộ Tư lệnh Hải quân tiếp tục điều một biên đội tàu (673, 675 và 641) đưa Đội 1 của Đoàn 126 Đặc công và Tiểu đoàn 471 của Quân khu 5 ra giải phóng các đảo còn lại ở Trường Sa. Sáng 25.4, ta giải phóng đảo Sơn Ca; sáng 27.4, làm chủ hoàn toàn đảo Nam Yết; 28.4 là đảo Sinh Tồn; tiếp đó là đảo Trường Sa lớn (29.4) và các đảo còn lại.

Sau khi giải phóng một số đảo ở quần đảo Trường Sa, ngày 30.4.1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương điện cho Bộ Tư lệnh và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn - Gia Định lưu ý việc giải phóng và đưa số tù nhân từ các nhà tù Côn Đảo và Phú Quốc trở về đất liền. Một ngày sau đó, trong khi tàu của Đoàn 125 đang trên đường đưa lực lượng ra giải phóng đảo thì tù nhân ở nhà tù Côn Đảo đã tự nổi dậy phá nhà lao, tự giải phóng hòn đảo này. Tương tự như vậy, tại Phú Quốc, hơn 8.000 quần chúng cùng với một số tù nhân sau khi nghe tin Sài Gòn thất thủ đã nổi dậy tự phá khám, giải phóng đảo ngọc vào chiều 30.4.1975. Các đảo gần bờ duyên hải Trung bộ được giải phóng từ trước đó, cùng thời điểm các lực lượng ra giải phóng quần đảo Trường Sa (Lý Sơn 31.3; Phú Quý 27.4…). Một số đảo trên vùng biển Tây Nam tuy muộn hơn, song đều đã được giải phóng, trong đó Thổ Chu (đêm 23, rạng 24.5) và Pô Lô Vai (27.5) đều được giải phóng từ tay quân Pol Pot.

Việc kịp thời nắm bắt thời cơ và quyết định tổ chức lực lượng ra giải phóng các đảo, quần đảo; đặc biệt là một số quần đảo, đảo ở xa đất liền và có vị trí chiến lược quan trọng như Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 cho thấy chủ trương và sự chỉ đạo sắc sảo, kịp thời, sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương. Điều này còn thể hiện rõ ý thức về chủ quyền đối với vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giải phóng và làm chủ biển đảo trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy 1975
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO