Xem - Nghe - Đọc

Giá trị nguyên bản

- Chủ Nhật, 22/05/2022, 06:50 - Chia sẻ

Giá trị nguyên bản, đó là gì? Là một câu chuyện thấm đẫm hương vị Việt Nam được kể lại bằng điện ảnh. Là khi một giai điệu (âm nhạc) cất lên, một hình ảnh được phóng chiếu lên màn ảnh khơi gợi nỗi hoài nhớ về một nơi chốn, thời gian nào đó từng lưu giữ quá khứ tươi đẹp, là ta đã kịp nhận ra đó là Việt Nam chứ không đâu khác. 

Khi nghe diễn viên Đỗ Thị Hải Yến đưa ra ý tưởng tổ chức một Tuần phim Việt Nam để trình chiếu tại không gian tuyệt đẹp của Lavelle (TP. Hồ Chí Minh, 27 - 31.5), và cũng nhân dịp tái bản cuốn sách "101 bộ phim Việt Nam hay nhất", tôi đã nghĩ ngay đến ý tưởng lựa chọn những bộ phim tôn vinh những giá trị nguyên bản của văn hóa Việt Nam. 

Giá trị nguyên bản -0
Nguồn: ITN

Giá trị nguyên bản, đó là gì? Là một câu chuyện thấm đẫm hương vị Việt Nam được kể lại bằng điện ảnh. Là khi một giai điệu (âm nhạc) cất lên, một hình ảnh được phóng chiếu lên màn ảnh khơi gợi nỗi hoài nhớ về một nơi chốn, thời gian nào đó từng lưu giữ quá khứ tươi đẹp, là ta đã kịp nhận ra đó là Việt Nam chứ không đâu khác. 

Giống như đạo diễn Trần Anh Hùng từng kể lại trong một cuộc phỏng vấn, anh bắt đầu thực hiện "Mùi đu đủ xanh" bằng những ký ức tuổi thơ tại Việt Nam với những làn gió thổi mơn man trong một buổi chiều hè nóng nực của miền Trung Việt Nam, tiếng vo ve của côn trùng và hương thơm của mùi quả chín rụng dưới gốc cây. Và đó cũng là cảm hứng để anh tạo nên bộ phim đầu tay về đề tài Việt Nam đẹp như một giấc mơ trong tiềm thức ấy. 

5 bộ phim mà chúng tôi tuyển chọn để trình chiếu lần này cũng được tạo nên từ những nỗi niềm hoài nhớ về quá khứ ấy, dù nó chất chứa nhiều nỗi buồn hơn niềm vui. 

Đó có thể là nỗi nhớ làng quê của Nhâm trong "Thương nhớ đồng quê": "Tôi là Nhâm. Tôi thương nhớ làng quê của tôi, và tôi sẽ trở về..."

Đó cũng có thể là những hồi ức và chiêm nghiệm của lão Kìm về một cuộc sống hoang dã, nổi trôi bất định và sự lặp lại bất tận của những phận người ở vùng sông nước miền Tây trong "Mùa len trâu" được đúc rút của cả một thời mới lớn đi len trâu du thủ du thực: "Cả đời tôi sống ở đây. Cà Mau hai mùa mưa nắng. Mùa mưa, nước phủ trùm lên tất cả. Cỏ và nhà. Người và trâu. Tới mùa khô, tôi chỉ nhớ được mùi đất, mùi của những rũ mục để lại từ nước…”

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã dùng ngôn ngữ điện ảnh giàu sức mạnh thị giác để tái hiện một khung cảnh kỳ vĩ của vùng sông nước Nam Bộ được nhà văn Sơn Nam kể lại trong "Hương rừng Cà Mau" mà anh lấy làm chất liệu và cảm hứng để sáng tạo nên bộ phim đặc sắc này: "Trâu lội vài trăm con, đen đồng, đặc nước, giống như hồi thiên địa sơ khai, càn khôn hỗn độn..."

Đó, cũng có thể là lời tự sự trầm buồn của Dũng "Thiên Lôi" được mở ra ngay từ đoạn mở đầu của "Song Lang" về một thời tươi đẹp đã vĩnh viễn mất đi: "Ngày xưa, ba tôi thường nói, đối với ông, chiếc song lang là cụ tổ của nghề hát. Nó không chỉ để giữ tiết tấu, nhịp điệu cho lời ca, tiếng đàn mà nó còn là âm thanh nhịp sống, nhắc nhở chúng ta theo đó để giữ gìn khuôn khổ đạo đức của một người nghệ sĩ. Nhưng, từ lâu rồi, cuộc đời của tôi đã không còn vang lên những âm thanh này nữa"...

Từ tiếng đàn môi (sau bờ rào đá) của người H'Mong trong "Chuyện của Pao" đến tiếng sáo tha hương của người Miên (Khmer) trong "Mùa len trâu"; từ những làn điệu quan họ giao duyên của hội Lim vùng Kinh Bắc trong "Đến hẹn lại lên" đến chiếc Song Lang giữ nhịp điệu, tiết tấu của cải lương và là "cụ tổ của nghề hát" của người miền Nam... trong bộ phim cùng tên - mỗi giai điệu, âm thanh ấy khi cất lên, là ta nhận ra mỗi vùng miền Việt Nam nơi từng lưu giữ những giá trị văn hóa nguyên bản, nhưng đang dần dần mất đi trong sự đổi thay chóng mặt của đời sống hiện đại.

5 bộ phim này không chỉ kể về những giá trị nguyên bản của văn hóa Việt Nam mà với tôi, nó còn là 5 câu chuyện về hành trình tìm kiếm bản dạng cá nhân trước những sự thay đổi khó lường của thời cuộc. Cả 5 bộ phim, đều không hẹn mà gặp, là 5 câu chuyện đậm màu sắc tự sự của 5 nhân vật chính trong hành trình trưởng thành của bản thân họ. Để đến khi kết thúc chặng hành trình, họ không còn là họ của lúc khởi đầu nữa. 

Đó là Nết (Như Quỳnh) trong "Đến hẹn lại lên"; là Nhâm (Tạ Ngọc Bảo) trong "Thương nhớ đồng quê"; là Pao (Đỗ Thị Hải Yến) trong "Chuyện của Pao", là Kìm (Lê Thế Lữ) trong "Mùa len trâu" và là Dũng "Thiên Lôi" (Liên Bỉnh Phát) trong "Song Lang".

Cả 5 chuyến hành trình của 5 nhân vật trẻ tuổi ấy đều trải qua những thử thách và đối mặt với nhiều mất mát, nghiệt ngã khó lường của đời sống, nhưng cũng là những cuộc hành trình giúp họ lớn lên và nhận ra rằng: “Ai cũng tìm cách để sống cho hết cuộc đời nhiều gian truân hơn niềm vui dưới ánh mặt trời này” (Chuyện của Pao). 

5 bộ phim này, cũng là 5 đại diện tiêu biểu cho 5 thập niên phát triển của điện ảnh Việt Nam. Và với tôi, trong hành trình tìm kiếm những vẻ đẹp của di sản điện ảnh Việt Nam, chúng là 5 viên ngọc - dù còn ít nhiều thô ráp, để tôn vinh những giá trị của văn hóa và con người Việt Nam của một thời đã qua. 

Tổ chức Tuần phim Việt Nam tại Lavelle và chọn trình chiếu 5 bộ phim này, chúng tôi mời các bạn cùng bước lên một chuyến tàu để quay ngược lại quá khứ, cùng đắm chìm trong những không gian văn hóa Việt Nam các vùng miền, trải dài từ miền núi cao Hà Giang vào tận lục tỉnh Nam Kỳ của một thời "thiên địa sơ khai, càn khôn hỗn độn" để nhận ra văn hóa của Việt Nam chúng ta tươi đẹp như thế nào. 

Và không chỉ thế, ở cuối mỗi suất chiếu, sẽ còn có phần giao lưu với những khách mời, đặc biệt là những diễn viên, nghệ sĩ tham gia vào quá trình sáng tạo nên những bộ phim nguyên bản này. Hơn ai hết, họ là những nhân chứng, những người trong cuộc, để kể lại hành trình lưu giữ những giá trị tuyệt đẹp ấy của văn hóa Việt. 

Bảo Khánh