Tản mạn

Gặp lại châu Âu

- Thứ Sáu, 13/05/2022, 18:09 - Chia sẻ

LHP Châu Âu tại Việt Nam trở lại sau một năm gián đoạn vì dịch Covid với 17 bộ phim đại diện cho 17 quốc gia ở châu Âu và sẽ được trình chiếu từ 19.5 - 5.6 tại 4 địa phương của Việt Nam là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đà Lạt. 

Điện ảnh châu Âu gần hay xa với chúng ta? Với tôi, chúng xa về không gian nhưng lại gần về mặt tâm hồn. Bởi, ở đâu cũng thế thôi, điện ảnh là nơi chuyển tải những câu chuyện về con người, đặc biệt là những thách thức, trở ngại cũng như niềm hy vọng và khát khao của họ. 

Giống như nhạc sĩ Bob Dylan, tại buổi triển lãm tranh lấy cảm hứng từ điện ảnh gần đây, trong đó có những bức vẽ tái hiện lại hình ảnh cô độc của Lương Triều Vỹ trong "Tâm trạng khi yêu" và Trương Quốc Vinh trong "Xuân quang xạ tiết", đã nói rằng ông thích lột tả những khoảnh khắc con người bị đặt trong những hoàn cảnh khó khăn hoặc đơn độc. Đó cũng là những khoảnh khắc mà ta cảm nhận được tâm hồn của con người rõ nhất. 

Tôi cũng thường cảm nhận được những điều này sâu sắc nhất, qua các bộ phim nghệ thuật của điện ảnh châu Âu, từ những bộ phim kinh điển của Fellini, Bergman, Tarkovsky, Truffaut... cho đến những tác phẩm hiện đại gần đây như "The Hunt" của Đan Mạch hay "The Worst Person in the World" của Na Uy mới đây chẳng hạn. 

Các kỳ LHP châu Âu tại Việt Nam trước đây, tôi là một khán giả nhiệt thành, lê từ suất chiếu này sang suất chiếu khác, bởi đơn giản - cơ hội để thưởng thức những bộ phim châu Âu chất lượng ở các rạp chiếu tại Việt Nam rất hiếm hoi. 

Năm nay, LHP châu Âu tại Việt Nam trở lại sau một năm gián đoạn vì dịch Covid với 17 bộ phim đại diện cho 17 quốc gia ở châu Âu và sẽ được trình chiếu từ 19.5 - 5.6 tại 4 thành phố của Việt Nam là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đà Lạt. 

Tôi có may mắn được xem hầu hết các bộ phim được trình chiếu tại LHP lần này, đủ để khẳng định với các bạn rằng, đây có lẽ là kỳ LHP châu Âu có nhiều phim xuất sắc nhất. 

Một trong những bộ phim gây ấn tượng mạnh nhất cho tôi là bộ phim đến từ Thụy Điển (cái xứ Bắc Âu này chưa bao giờ làm tôi hết ngạc nhiên). Một bộ phim về hành trình tìm kiếm danh tính và niềm đam mê, cũng như khát khao dục tính của tuổi mới lớn, nhưng bị bóp nghẹt bởi những tư tưởng định kiến thủ cựu và tàn nhẫn. Đó cũng là câu chuyện về tình yêu đồng tính lãng mạn, sâu sắc và tàn khốc nhất trên màn ảnh gần đây. Khi được trình chiếu tại LHP Cannes trong chương trình Directors' Fortnight, nó đã nhận được màn vỗ tay tán thưởng kéo dài tới 15 phút sau buổi chiếu (chắc thuộc loại kỷ lục rồi), khiến anh chàng đạo diễn trẻ tuổi ngượng ngập và lúng túng không biết phải làm gì cho phải đạo. Thế nhưng, nó cũng là bộ phim gây cấm đoán, tranh cãi và biểu tình khi được trình chiếu tại đất nước Georgia (một quốc gia nhỏ bé tách ra từ Liên Xô cũ) - bối cảnh mà câu chuyện trong phim diễn ra...

Và tôi nhận ra, ở đâu cũng vậy thôi, ngay cả ở châu lục được tiếng là phát triển và văn minh này vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề, nhiều thách thức và đặt con người vào những hoàn cảnh ngặt nghèo trong hành trình đi tìm hạnh phúc của họ...

Bảo Khánh