Văn hóa Việt và vai trò, vị thế của người phụ nữ

03/03/2007 00:00

Trong tâm thức người dân Việt, cũng như trong đời sống sinh hoạt vật chất, tinh thần, văn hóa của dân tộc Việt Nam, người phụ nữ luôn có một vai trò quan trọng. Chiếm hơn một nửa số dân cư người phụ nữ luôn đóng góp và thể hiện vị thế không thể thiếu trong các lĩnh vực của đời sống cộng đồng. Vị thế và vai trò ấy đã được ghi nhận rất rõ nét trong văn hóa Việt Nam.

      Người phụ nữ Việt có vai trò, vị thế đặc biệt trong xã hội, phát triển gia đình, xã hội, văn hóa truyền thống. Vai trò, vị thế này được ghi nhận, phản ánh trung thực trong văn hóa truyền thống, trên các phương diện vật chất, tinh thần, tâm linh. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong tâm thức người dân Việt, người phụ nữ có được vị thế và vai trò to lớn đó. Có lẽ, ngoài những lý do khác, thì căn bản là bởi người phụ nữ đã xuất hiện và có được những đóng góp to lớn vào lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước; vào đời sống sinh hoạt văn hóa vật chất và tinh thần; vào đời sống tâm linh phong phú của dân tộc và văn hóa dân tộc. 
      Trong lịch sử dựng nước, giữ nước, chúng ta có thể thấy: Từ hình ảnh bà mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng thể hiện vai trò kiến tạo quan trọng của phụ nữ Việt; các nữ anh hùng dân tộc được phong thánh thần như: Hai Bà Trưng, Lê Chân, Bà Triệu, Nguyên Phi Ỷ Lan... đến không biết bao nhiêu tấm gương sáng của người phụ nữ ba đảm đang trong chiến đấu, xây dựng, sản xuất... được thể hiện phản ánh rõ nét trong văn hóa nghệ thuật đã làm đậm hơn vai trò vị thế to lớn của phụ nữ Việt trong các phương diện xã hội. Họ đặc biệt yêu quí sự ổn định, hòa bình, nhân đạo, yêu thương nhưng cũng sẵn sàng đánh khi giặc đến nhà, sẵn sàng chống lại các thế lực tự nhiên, xã hội phá hoại sự ổn định của cuộc sống.
      Trong đời sống văn hóa vật chất với môi trường tự nhiên, xã hội của người Việt mà phương thức trồng trọt, hái lượm, chăn nuôi chiếm ưu thế, thì vai trò của người phụ nữ là rất lớn. Duy trì nòi giống, chăm lo đủ ăn đủ mặc, duy trì sự ổn định gia đình, kiến tạo và giữ vững nền nếp gia phong... là những phương diện mà ở đó người ta thấy rõ sự đóng góp khó có thể đo đếm được của người phụ nữ Việt. Trong khi đó, không hề khoa trương, ảo tưởng về bản thân, họ vẫn giữ được vai trò điều hòa gia đình, nhờ thế, trên danh nghĩa, người chồng vẫn có được tư thế người chủ, người trụ cột gia đình trước xã hội.
      Trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh cũng có những biểu hiện đáng chú ý. Người Việt là cư dân sống chủ yếu bằng nghề nông nên rất chú ý ứng xử với thiên nhiên, đất đai... Họ coi trời là cha, đất là mẹ, sự hài hòa đất trời sẽ cho cuộc sống tươi đẹp. Với tâm thức này, người phụ nữ hết sức coi trọng sự hòa thuận, đồng thời hết sức tôn trọng hình ảnh của mình qua việc thờ nữ thần, thờ thánh Mẫu. Rõ ràng trong lịch sử văn hóa Việt, trong nền văn hóa truyền thống nếu không có những tác giả phụ nữ, các nhân vật phụ nữ, thì khó có thể hình thành lịch sử văn hóa nghệ thuật. Những tác giả, nhân vật nữ đầy khắc khoải, tha thiết trong ca dao, những nhân vật Ngọc Hoa, Cúc Hoa, Thị Kính, Thị Mầu, những Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan... ngày trước và biết bao những tác giả, nhân vật nữ thời nay đã góp phần quan trọng cho sự hình thành và phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà. Không lĩnh vực nào thiếu vắng sự đóng góp của phụ nữ: trong lao động, chiến đấu, y tế và giáo dục, hoạt động chính trị, kinh tế và văn hóa... Trong đời sống tâm linh Việt, đạo thờ Mẫu, thờ nữ thần là tín ngưỡng dân gian điển hình gắn kết quan hệ ứng xử của con người với tự nhiên xã hội và con người. Ta có thể thấy rất rõ bóng dáng Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thượng Ngàn, Thánh Mẫu Liễu Hạnh và hàng loạt nữ thần, hàng loạt người phụ nữ khác trong đời sống tâm linh Việt qua lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian, các cuộc chơi nghệ thuật cổ truyền...
      Có thể nói, từ xưa đến nay trong xã hội truyền thống và văn hóa truyền thống, trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh, trong đời sống vật chất cũng như trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, người phụ nữ Việt có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, có hình ảnh, biểu tượng ngày càng năng động và đẹp đẽ. Họ đã xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, đồng thời họ cũng được ghi nhận trong sự phát triển dài lâu của nền văn hóa ấy. Nếu được nhìn nhận và được đặt đúng vị trí, có thể tin rằng người phụ nữ Việt Nam sẽ phát huy tốt vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hình ảnh người phụ nữ mới sẽ trở thành biểu tượng đẹp của nền văn hóa mới trong kỷ nguyên mới.

Hồng Hà

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Văn hóa Việt và vai trò, vị thế của người phụ nữ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO