Xây dựng thương hiệu ẩm thực gắn với du lịch

- Chủ Nhật, 09/06/2024, 11:35 - Chia sẻ

Nhiều món ăn Việt Nam đã được biết đến trong và ngoài nước, cùng vô vàn bài viết về đặc sắc ẩm thực nước ta. Thế nhưng để khai thác giá trị của kho báu này vẫn còn bỏ ngỏ.

Nguồn sáng tạo tiềm năng cho mục đích thương mại

Trong hai ngày 8 - 9.6, Lễ hội Ẩm thực chay - Festival Huế 2024 quy mô lớn được tổ chức với 36 gian hàng, 45 đơn vị tham gia, hơn 72 món ăn đến từ các khách sạn, nhà hàng danh tiếng và các chùa trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Phó Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2024 khẳng định, đây là lần đầu tiên lễ hội ẩm thực chay được đưa vào chương trình Festival Huế và được công bố họp báo quốc tế; cũng là lần đầu tiên chính quyền phối hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức một hoạt động để tôn vinh ẩm thực chay quy mô lớn.

Điều đáng mừng là có rất nhiều đơn vị đăng ký tham gia, tạo nên quy mô và sức hút cho lễ hội. Trong đêm đầu tiên diễn ra, Lễ hội Ẩm thực chay đã thu hút gần 2.000 người dân và du khách đến thưởng thức.

Cầu nối để ẩm thực Việt vươn xa -0
 Du khách thưởng thức tại Lễ hội Ẩm thực chay - Festival Huế 2024. Ảnh: Thanh Hương

Không chỉ Festival Huế, gần đây, các chương trình giới thiệu ẩm thực đã được nhiều địa phương tổ chức như: Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội, Festival Phở tại Nam Định... Nhiều không gian ẩm thực được mở ra tại các sự kiện văn hóa, du lịch trên cả nước.

Có thể ví ẩm thực Việt Nam như một bản hòa ca đầy màu sắc và hương vị, là niềm tự hào của người dân đất Việt và thu hút thực khách từ khắp nơi trên thế giới. Ẩm thực Việt Nam cũng ngày càng được quảng bá rộng rãi ra thế giới thông qua nhiều kênh: du khách thưởng thức các món ăn ngon địa phương, ẩm thực đường phố; giới thiệu tại các hội chợ ẩm thực quốc tế; qua các bài viết, chương trình truyền thông cũng góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tìm ra chìa khóa chung mở cửa vào kho báu văn hóa vô tận này, phát huy giá trị của ẩm thực Việt vẫn là một bài toán. Bởi ẩm thực không chỉ là di sản cần gìn giữ, là phương tiện giao lưu văn hóa quốc tế, mà còn là nguồn sáng tạo giàu tiềm năng cho mục đích thương mại.

Đây cũng là một phần không thể tách rời trong hệ sinh thái của các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là ngành công nghiệp du lịch. Nhất là khi hiện nay, hình thức đi du lịch đã thay đổi một cách rõ nét, từ du lịch nghe nhìn chuyển qua du lịch trải nghiệm. Ngoài tham quan thắng cảnh di tích lịch sử, du khách còn chú trọng thưởng thức, trải nghiệm ẩm thực địa phương.

Trên thế giới, ngành công nghiệp ẩm thực tạo ra rất nhiều việc làm và sử dụng một số lượng lớn người lao động. Nhà hàng, chợ ẩm thực và sự kiện ẩm thực cũng tạo ra nguồn thu lớn đóng góp vào phát triển kinh tế…

Xác định chỉ dẫn địa lý và xây dựng nhận diện thương hiệu

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mới đây, đại diện Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ các tổ chức xã hội (hội, hiệp hội..) lập hồ sơ đăng ký xác định chỉ dẫn địa lý và khẳng định vị thế của văn hóa ẩm thực từng địa phương. Đặc biệt là xây dựng bộ nhận diện thương hiệu ấn tượng về các vùng, các dòng ẩm thực được miêu tả qua 4 yếu tố: “Giá trị lịch sử - Chuỗi giá trị từ nuôi trồng lên đến bàn ăn - Nguồn nhân lực (nhà nghiên cứu, chuyên gia ẩm thực, nghệ nhân ẩm thực, chủ nhân phục dựng bảo tồn các món ăn thức uống truyền thống) - Sự lan tỏa rộng rãi từ trong nước đến quốc tế. 

Cầu nối để ẩm thực Việt vươn xa -1
Đẩy mạnh việc đồng bộ hóa “du lịch với ẩm thực - ẩm thực với du lịch”. Ảnh: toquoc.vn

Đã đến lúc “bộ” món ăn truyền thống Việt Nam cần có một thương hiệu. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên ngành cấp nhà nước tổ chức bình chọn và tiến cử nghệ nhân có uy tín trong nước và quốc tế làm “Đại sứ thương hiệu ẩm thực Việt Nam”, góp phần làm cho ẩm thực của đất nước vươn xa hơn, các món ăn đủ điều kiện sẽ có cơ hội xuất khẩu.

Đồng thời, để ẩm thực Việt Nam phát triển bền vững, đúng định hướng, trở thành thế mạnh thu hút du khách, cần tạo nên chuỗi giá trị từ nuôi trồng, sản xuất, chế biến đến phục vụ và thưởng thức.

Việt Nam vốn nổi tiếng về ẩm thực, tuy nhiên chỉ thông qua các kênh truyền thông và truyền khẩu đại chúng là chính. Việc sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, phần lớn vẫn còn nằm trong tủ sách. Đại bộ phận làm sống lại và duy trì ẩm thực Việt Nam vẫn trong nhân dân, đặc hữu vùng miền địa phương và mạnh ai nấy làm.

Chính vì vậy, cần tổ chức kết nối, phối hợp giữa Nhà nước - nhà nghiên cứu - nhà kinh doanh. Tập trung đẩy mạnh đồng bộ hóa “du lịch với ẩm thực - ẩm thực với du lịch” theo định hướng và chủ trương của Nhà nước...

Ngọc Phương
#