Tín ngưỡng thờ Mẹ thiên nhiên vùng Amazon

- Thứ Ba, 11/06/2024, 06:43 - Chia sẻ

Mới đây, chúng tôi may mắn được tham gia chuyến du lịch khám phá vùng thượng nguồn sông Amazon nổi tiếng thuộc Peru. Tuy không phải là đảo, nhưng lại không thể tới đó bằng đường bộ mà chỉ có thể bằng đường sông hoặc đường hàng không.

Từ Thủ đô Lima, chúng tôi mất gần 2 giờ bay để tới thành phố Iquitos, một cảng sông thuộc tỉnh Maynas. Iquitos còn được gọi là thủ phủ của thượng nguồn vùng Amazon vốn nổi tiếng là thành phố lớn nhất thế giới.

Từ Iquitos, chúng tôi đi xe buýt thêm 95km để tới thị trấn Nauta của tỉnh Loreto, nằm ở bờ bắc sông Maranon, cùng với sông Ucayali là hai nhánh chính bắt nguồn từ dãy Andes hợp lưu tại đây để con sông chính thức bắt đầu mang tên Amazon. Tại đây, chúng tôi xuống con tàu La Perla bắt đầu khám phá vùng thượng Amazon và Khu bảo tồn quốc gia Pacaya - Samiria.

Con sông Amazon hùng vĩ, dài nhất thế giới bắt nguồn từ dãy Andes, được hợp lưu từ năm nhánh sông lớn mà hai trong số đó là Maranon và Ucayali, chính là nơi chúng tôi đã đến. Amazon có lưu vực rộng 7 triệu km2, bằng diện tích nước Mỹ trừ đi bang Texas và đảo Hawaii, chảy từ phía tây sang phía đông, từ Peru qua Colombia, Brazil để đổ vào Đại Tây Dương với hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới bằng một nửa diện tích rừng mưa nhiệt đới trên thế giới. Amazon cũng lưu giữ 1/5 trữ lượng nước ngọt của thế giới với lưu lượng chảy ra biển 1 ngày bằng 9 năm nước ngọt cung cấp cho siêu đô thị New York.

Trước khi đeo áo phao lên ca nô để ra tàu đậu ngoài mé sông, chúng tôi được các bạn Peru mời vào một căn phòng bài trí đặc biệt với trần nhà cao vút và họa tiết trang trí đặc thù của thổ dân da đỏ vùng Amazon. Đây là nơi thờ Mẹ thiên nhiên để “thanh tẩy con người”, xua đuổi những áp lực, căng thẳng của chuyến đi xa, tạo cảm giác thoải mái, an tâm trước khi bắt đầu cuộc khám phá sông nước, rừng mưa nhiệt đới Amazon theo tập tục lâu đời trong văn hóa thổ dân vùng này. Người da đỏ là cộng đồng dân bản địa sống hòa hợp, yên bình với thiên nhiên hàng nghìn, thậm chí hàng vạn năm trước ở châu Mỹ. Cuộc sống người dân nơi đây đều bắt nguồn và dựa vào thiên nhiên.

Lạc đà không bướu trên dãy Andes, thượng nguồn sông Amazon
Lạc đà không bướu trên dãy Andes, thượng nguồn sông Amazon

Mỗi ngày, chúng tôi được chia làm hai nhóm đi trên hai chiếc xuồng vỏ nhôm gắn máy cùng hai hướng dẫn viên là Robinson và Victor khám phá sông và rừng Amazon. Được tận mắt thấy nhiều loại thú, bò sát, chim quý hiếm trong tự nhiên quả là một diễm phúc vì tất cả quá đẹp và thơ mộng. Những chú đại bàng oai vệ, vẹt Nam Mỹ đuôi dài đầy màu sắc rực rỡ, chim gõ kiến, bói cá, cò gỗ, bồ nông… hiện ra trước mắt. Rồi các loài khỉ lớn nhỏ, vượn, kỳ nhông, kỳ đà… thoắt ẩn hiện trong những tán cây. Đôi khi được thấy những đàn cá heo nước ngọt xám, hồng phấn khích bơi, nhảy trên sông, trông thật thanh bình.

Chúng tôi thám hiểm rừng mưa nhiệt đới với sự trợ giúp của một người thổ dân cầm chiếc dao quắm đi trước mở đường. Anh chỉ cho chúng tôi những con ếch màu cam, màu xanh cực độc, ếch hình chiếc lá khô, nhện độc khổng lồ, trăn, chim, bướm các loại… và nhiều loại cây thân gỗ, cây leo cùng thảm thực vật vô cùng phong phú, trong đó có những loài cây chúng tôi lần đầu nhìn thấy.

Bằng việc đi bộ vượt rừng, đắm chìm trong thiên nhiên, lắng nghe âm thanh của rừng nhiệt đới, được hít thở không khí trong lành, bước chân xuống dòng nước suối trong vắt, mát lạnh, chúng tôi đã được tắm rừng với đúng nghĩa của nó, kích thích các giác quan, tận hưởng cuộc sống.

Một buổi chiều, ca nô của chúng tôi cập bến ngôi làng của người bản địa có tên Vista Alegre. Bà trưởng làng Mira giới thiệu với chúng tôi về ngôi làng nhỏ với 24 nóc nhà. Rất nhiều trẻ con chơi đùa quanh bản. Bà Mira cho biết, do điều kiện xa xôi cách trở, khó tiếp cận các dịch vụ y tế, nên phải… đẻ nhiều để giữ được con. Người dân ở đây rất thân thiện, chủ yếu trồng cây ngô, khoai, cây sắn. Trong làng chưa có điện nên hầu như chẳng có tiện nghi gì đáng kể trong nhà. Nhưng người dân rất khéo tay, tự làm được nhiều món đồ thủ công từ nguyên liệu tự nhiên để bán cho du khách. Chỉ cho chúng tôi một nền nhà vừa phá dỡ để di dời sâu vào phía trong làng, bà Mira cho biết là bờ sông đang bị xói lở theo quy luật đổi dòng tự nhiên.

Kết thúc bốn ngày trải nghiệm thiên nhiên vùng Amazon, chúng tôi nói lời tạm biệt thủy thủ, thuyền viên tàu La Perla với nhiều cảm xúc. Chúng tôi suy nghĩ nhiều về cách người dân ở đây tôn trọng, bảo vệ, chung sống với thiên nhiên từ đời này qua đời khác như tín ngưỡng Mẹ thiên nhiên toàn năng mà họ tôn thờ. Phải chăng đó cũng chính là mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững mà chúng ta đang theo đuổi hôm nay?

Bài và ảnh: Trần Văn
#