Khó thu hút nguồn lực
Tại Nghị quyết số 120/2020/QH14, Quốc hội đã phê duyệt tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; đồng thời Quốc hội cũng quy định một trong những giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình là “đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong thực hiện Chương trình; huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân”.

Tuy nhiên, theo Báo cáo số 874 ngày 30.5.2023 của Ủy ban Dân tộc gửi đến các đại biểu Quốc hội, về chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, một trong những tồn tại, hạn chế được nêu là: một số địa phương chưa tập trung cao trong việc phát huy các thế mạnh của mình để thu hút nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn. Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải thích thêm, trong Nghị quyết của Quốc hội và khi triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia đặt ra yêu cầu với các địa phương: một là có nguồn vốn đối ứng; hai là huy động, phát huy các nguồn lực ở địa phương đóng góp thêm vào chương trình. “Nhưng theo báo cáo đến thời điểm hiện nay, số địa phương có bố trí nguồn vốn đối ứng chiếm tỷ lệ đang thấp”.
ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) lại chỉ ra rằng, vấn đề đầu tư và thu hút các nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là đầu tư về cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó có hạ tầng giao thông để thu hút doanh nghiệp đầu tư, giải quyết việc làm tại chỗ cho bà con đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi doanh nghiệp đầu tư thì buộc phải có lợi nhuận, trong khi đầu tư vào khu vực này rất khó khăn. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đồng tình với nhận định này của đại biểu. Các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chưa nói là đóng góp tiền, cần rất nhiều điều kiện, phải phát sinh lợi nhuận và có lợi ích cho các bên. Nhưng trong thực tế hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vùng rất khó khăn, từ hạ tầng giao thông đến các điều kiện để phát sinh lợi nhuận trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chưa nói đến cơ chế, chính sách ở mỗi địa phương khác nhau, cho nên các địa phương chưa tiếp cận được nguồn lực này.
Có chính sách đủ mạnh
Với những khó khăn như thế, “thời gian tới Bộ trưởng có những giải pháp nào để thực hiện và thu hút được đầu tư của doanh nghiệp vào vùng này, giải quyết việc làm tại chỗ cho bà con vùng đồng dân tộc thiểu số, miền núi?”, ĐBQH Phan Thái Bình đặt câu hỏi.
“Trên cơ sở các quy định của pháp luật, chúng tôi rất mong muốn các địa phương sẽ xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách bảo đảm phù hợp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào đây, đặc biệt là chính sách đất đai, tín dụng. Chính sách hỗ trợ đã có nhưng chưa đủ mạnh cũng là khó khăn, mà ở đây trách nhiệm thuộc về các địa phương. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý Chương trình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các địa phương để nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, đề xuất với các cấp có thẩm quyền có chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn lực đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tăng thêm nguồn lực để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn tới”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời.
Đồng tình với việc ngoài những chính sách của Trung ương thì các địa phương cũng phải có chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, song ĐBQH Phan Thái Bình cho rằng, nếu như tùy nguồn lực từng địa phương thì dẫn đến tình trạng mỗi địa phương sẽ có chính sách khác nhau, không đồng bộ trong cả nước. Liên quan đến đất đai, đặc biệt nếu các địa phương có cơ chế ưu đãi mang tính chất vượt trội quy định của Trung ương, thì lại vướng quy định pháp luật. “Cho nên, vấn đề đặt ra ở đây là tính đồng bộ. Tôi rất mong Bộ trưởng nghiên cứu thật kỹ vấn đề này và hướng dẫn địa phương”.
Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Phan Thanh Bình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh, hệ thống chính sách để thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phải bao gồm cả chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương. Đối với chính sách của Trung ương bao gồm các luật và các văn bản quy định của Trung ương ban hành làm cơ sở để địa phương xây dựng chính sách cụ thể của mình, như Luật Đất đai, Luật Tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư... Trên cơ sở các quy định pháp luật của Trung ương ban hành, địa phương sẽ cụ thể hóa vào bối cảnh cụ thể của mình, như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
“Như vậy, cần phải có một hệ thống chính sách thống nhất từ Trung ương, nhưng cũng có những chính sách linh hoạt của địa phương và Trung ương luôn khuyến khích. Trong thực tiễn, chúng tôi thấy ở các địa phương đã đang triển khai những chính sách này để thu hút đầu tư vào vùng. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn, cho nên chưa thể có những chính sách đủ mạnh. Trong thời gian tới, với vai trò là cơ quan làm công tác dân tộc, chúng tôi rất mong muốn các địa phương bám sát vào các chủ trương của Trung ương để có những chính sách thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư ở vùng này, tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập và giải quyết vấn đề lao động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nói.