Sức hút từ nghệ thuật Việt

- Thứ Bảy, 08/06/2024, 07:11 - Chia sẻ

Nghệ thuật Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển đầy tiềm năng và sức hút trên thị trường quốc tế và trong nước; điều này được minh chứng rõ ràng qua sự quan tâm ngày càng gia tăng cũng như giá trị của tác phẩm nghệ thuật Việt trong các cuộc đấu giá.

Những tín hiệu tích cực

Ngày 22.5, nhà đấu giá Aguttes tổ chức phiên đấu giá “Họa sĩ châu Á” tại Pháp, tập trung tôn vinh các nghệ sĩ Việt Nam, đặc biệt là các họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Trong phiên, hai bức tranh lụa của họa sĩ Thang Trần Phềnh có mức giá ước tính khoảng 50.000 - 80.000 euro. Sau gõ búa, giá trị của tác phẩm được mua cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, lên tới 452.000 euro/bức (khoảng 13 tỷ đồng/bức, bao gồm cả thuế).

Tháng 3.2024, Aguttes cũng tổ chức phiên đấu giá dành cho nghệ thuật hiện đại châu Á, tập trung vào các tác phẩm của họa sĩ của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và 87% số lô hàng đã được đấu giá thành công, vượt xa dự kiến. Trong đó, các tác phẩm “Ngoài trời”; “Chân dung bà Nguyệt Nga” của họa sĩ Mai Trung Thứ; “Thiếu phụ bên hoa cẩm chướng” của họa sĩ Lê Phổ… đã được bán với giá nhiều chục tỷ đồng.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Charlotte Aguttes-Reynier cho biết, từ năm 2000 - 2022, tranh của các họa sĩ Vũ Cao Đàm, Lê Phổ và Mai Trung Thứ có mức độ tăng trưởng bình quân hàng năm về giá bán lần lượt là 21%, 21% và 26%. Trong quãng thời gian từ năm 2000 - 2014, tăng trưởng còn hạn chế, nhưng từ năm 2014, mức độ tăng trưởng lớn hơn và đến năm 2022 tổng giá trị giao dịch các lô hàng của 3 họa sĩ này là hơn 38,3 triệu euro (số tiền này vào năm 2014 chỉ 4,2 triệu euro). Sau 10 năm, các kết quả cho thấy sự quan tâm đặc biệt được thể hiện trong các phiên đấu giá dành cho tác phẩm của các họa sĩ này. 

Bức tranh
Bức tranh "Lý trưởng đọc sách cho dân làng" của họa sĩ Thang Trần Phềnh. Ảnh: Viet Art View

Nghệ thuật Việt Nam thu hút sự chú ý ngày càng lớn trên thị trường nghệ thuật quốc tế. Điều này được minh chứng qua sự xuất hiện của các tác phẩm nghệ thuật Việt trong các cuộc đấu giá của các hãng danh tiếng toàn cầu trong những năm gần đây như Sotheby’s, Millon, Bonhams… Trong một bài phỏng vấn nhân dịp đến Việt Nam mới đây, Chủ tịch Millon Pháp, ông Alexandre Millon cho biết: “Ngoài thế mạnh về cổ vật, đồ tạo tác quý hiếm, Millon còn tìm kiếm, nghiên cứu đưa ra thị trường những tác phẩm quý của các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam; của các giáo sư người Pháp sáng tác chủ đề về Việt Nam từ 1925”.

Năm 2021, Millon đã bán đấu giá thành công tác phẩm sơn mài “Phong cảnh PhnomPenh Campuchia” của họa sĩ Lê Quốc Lộc với giá hơn 1,2 triệu euro. Ngoài ra, còn nhiều tác phẩm quý của Phạm Hậu, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ… cũng được đấu giá thành công ở mức giá cao.

Theo ghi nhận, trong gần 7 năm Millon tổ chức đấu giá dành riêng cho nghệ thuật Việt Nam tại Paris, khoảng 80% người mua là nhà sưu tập Việt Nam, trong khi hầu hết người bán là người châu Âu. Hầu hết đồ vật và tác phẩm đã quay trở lại làm phong phú thêm các bộ sưu tập của Việt Nam, đặc biệt nhờ các cuộc đấu giá công khai.

Vì vậy, cuối tháng 4.2024, lần đầu tiên, nhà đấu giá Millon tổ chức phiên đấu giá chuyên về nghệ thuật Việt Nam theo hình thức duplex - ghép nối hai đầu Paris - Hà Nội. Phiên đấu đạt kết quả 1,8 triệu euro. Đây là tín hiệu tích cực để Millon tiếp tục triển khai phương thức này cho phiên kế tiếp chuyên về tranh của các họa sĩ danh tiếng của Việt Nam, dự kiến vào tháng 7.2024…

Nâng tầm nghệ thuật với những kỷ lục mới

Quan sát, dõi theo những cuộc đấu giá nghệ thuật Việt Nam thời gian gần đây, nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Hoàng Anh, Giám đốc Nghệ thuật Viet Art View cho biết, từ năm 2010, Sotheby’s bắt đầu đưa nhiều các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam lên sàn đấu giá quốc tế, từ đó các tác phẩm được công khai và càng ngày càng tịnh tiến và bùng nổ. Năm 2021, tác phẩm "Chân dung cô Phượng" của họa sĩ Mai Trung Thứ đạt mức giá 3,1 triệu USD. Đến nay, bức tranh này vẫn giữ vị trí quán quân. Đến năm 2022, tác phẩm "Dáng hình trong vườn" của họa sĩ Lê Phổ đạt giá gần 2,3 triệu USD. Năm 2023, dù kinh tế khó khăn nhưng bức "Gia đình trong vườn", cũng của họa sĩ Lê Phổ, với mức giá gần 2,4 triệu USD… "Điều đó cho thấy dù kinh tế có suy thoái, nghệ thuật vẫn đạt tầm cao mới".

Để đạt được mức giá cao, được người yêu nghệ thuật săn đón là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật tự thân, có lý lịch xuất xứ đặc biệt, và được giới thiệu bởi nhà đấu giá uy tín trên thế giới. Tuy nhiên, theo bà Bùi Hoàng Anh, không phải tranh Việt Nam nổi tiếng trên sàn đấu giá quốc tế bởi người nước ngoài, mà bởi chính người Việt Nam, bởi thường chỉ có người Việt Nam đấu giá tranh Việt với mức giá tốt.

Thực tế, những bức tranh Việt đạt giá cao trên sàn đấu giá quốc tế hầu hết được người Việt Nam mua. Các bức tranh này có thể đã được người nước ngoài mua từ rất lâu trước đây, khi kinh tế Việt Nam còn đang khó khăn. Ngày nay, người sưu tập, yêu nghệ thuật Việt có điều kiện kinh tế nên tham gia đấu giá, mua tranh hồi hương. Điều đó cũng cho thấy, thị trường nội địa vẫn là thị trường lớn nhất, tiềm năng nhất.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, thị trường mỹ thuật Việt có phần chậm lại, nhưng nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi hy vọng kỷ lục 3,1 triệu USD dành cho tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ sẽ được phá vỡ trong một ngày rất gần. Bởi nếu so tương quan với các nước trong khu vực, mỹ thuật Việt Nam giao thoa đậm nét nghệ thuật dân gian Việt và phong cách tạo hình cổ điển châu Âu.  Vì vậy, các tác phẩm nghệ thuật Việt tạo cho mình chỗ đứng đặc biệt trên thị trường quốc tế.

Theo ông Ngô Kim Khôi, vừa qua Việt Nam đã có một số nhà đấu giá nội địa hoạt động nhưng kết quả còn hạn chế bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong khi đó, nhiều nhà đấu giá quốc tế cho biết muốn mở văn phòng tại Việt Nam nhưng các quy định, chế tài, luật pháp đang được Chính phủ điều chỉnh phù hợp… Những điều này sẽ được cải thiện thời gian tới.

Nhiều phiên đấu giá mỹ thuật Việt Nam diễn ra thành công chắc chắn sẽ có hiệu ứng tích cực tới việc sưu tập tác phẩm nghệ thuật trong nước. Các nhà nghiên cứu kỳ vọng, xu thế đầu tư vào các tác phẩm nghệ thuật sẽ ngày càng được lan tỏa; qua đó, giá trị của nghệ thuật Việt sẽ được nâng tầm.

Thảo Nguyên
#