Những năm qua dù được quan tâm đầu tư nhưng thiết chế thể thao, nhất là cho thể thao thành tích cao ở nước ta chưa được như mong đợi.
Thực tế cho thấy muốn cải thiện thành tích, ngoài nỗ lực, quyết tâm của các huấn luyện viên, vận động viên; chương trình, giáo án huấn luyện khoa học, hiệu quả; chế độ dinh dưỡng hợp lý, còn cần tới hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện, thi đấu.
Hiện nay tại 5 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, các nhà tập đều xuống cấp. Đơn cử như Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, sân điền kinh hơn 15 năm chưa được làm mới; không có phòng tập phát triển thể lực cho vận động viên. Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại Cần Thơ chỉ có nhà tập, không có nhà thi đấu. Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại Đà Nẵng không có bể bơi…
Về thiết chế sân vận động, hiện chúng ta chỉ có sân Mỹ Đình. Đây là nơi tổ chức SEA Games 22 năm 2003, cách đây hơn 20 năm, nhiều hạng mục đã xuống cấp, lạc hậu. Vì vậy, để đăng cai các sự kiện thể thao lớn, tầm cỡ như Asian Games (Á vận hội), chúng ta còn thiếu ít nhất 1 sân vận động đủ tiêu chuẩn tại TP. Hồ Chí Minh. Chúng ta cũng đang thiếu sân đua xe đạp lòng chảo và sân đua ngựa phục vụ việc đăng cai các sự kiện thể thao lớn của châu lục và thế giới.
Chỉ khi có đủ các thiết chế thể thao xứng tầm, chúng ta mới có thể đăng cai các sự kiện thể thao tầm cỡ như Asian Games. Vì thế chúng tôi mong rằng qua Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề rất thiết thực là “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” sẽ có các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển các thiết chế thể thao, đáp ứng yêu cầu cải thiện, nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam; đồng thời giúp chúng ta có cơ hội đăng cai các sự kiện thể thao lớn.