Hàm chứa nhiều giá trị
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, bên cạnh sự tồn tại của tín ngưỡng bản địa, các di tích lịch sử, văn hóa gắn với quá trình dựng nước và giữ nước, Việt Nam là nơi hội tụ nhiều tôn giáo lớn trên thế giới, để lại nhiều di sản vật thể và phi vật thể giá trị. Người Việt Nam bao đời sùng kính, đặt niềm tin vào sự phù trợ của các đấng tối cao. Với quan niệm “sống là nhân, thác là thần”, nhân dân đã thờ kính tổ tiên, các anh hùng dân tộc, các vị tổ sư, vị thần tự nhiên..., đồng thời dựng nhiều cơ sở, công trình làm nơi thờ tự và thực hành nghi lễ nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của cộng đồng.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước có khoảng 40.000 khu di tích, thắng cảnh, chủ yếu là đền, chùa, miếu mạo, tòa thánh, đài, lăng tẩm, phủ, khu tưởng niệm, nhà thờ…, trong đó hơn 3.000 địa danh được xếp hạng di tích quốc gia. Các không gian này thường tọa lạc ở những khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp và bản thân nó cũng tô điểm cho không gian nhờ kiến trúc, di vật… đặc sắc, hàm chứa giá trị triết lý sâu sắc.
Gắn liền với không gian là các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng diễn ra hàng ngày hoặc định kỳ, như thờ cúng, tri ân, chiêm bái, tụng kinh, thiền, yoga, lễ hội... Ở đây, không chỉ gắn với tính linh thiêng tín ngưỡng, tôn giáo mà còn là sự kết hợp, phát huy triết học phương Đông, đạo lý uống nước nhớ nguồn, hài hòa với những giá trị nhân văn khác trong truyền thống dân tộc.
Đặc biệt, nước ta có tới gần 9.000 lễ hội, trong đó khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, có những lễ hội mang tầm quốc gia. Nếu lễ hội tại các cơ sở tôn giáo là hoạt động của tín đồ nhằm biểu thị sự tôn kính với đấng giáo chủ và các chư vị liên quan của tôn giáo đó, thì lễ hội tại các cơ sở tín ngưỡng gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân, được truyền nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Dọc theo chiều dài đất nước, từ miền núi đến miền xuôi, miền biển, hệ thống cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, đa dạng, kho tàng văn hóa gắn với đức tin. Hướng về đây, người ta không chỉ đơn thuần tham quan, tìm hiểu, mà còn được sống trong bầu không khí đậm chất tâm linh.
Cách tiếp cận hữu hiệu
Trên khắp đất nước, có thể kể đến hàng loạt điểm du lịch nổi tiếng gắn với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo như: đền Hùng (Phú Thọ), chùa Hương (Hà Nội), chùa Bái Đính và nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế), nhà thờ Đức Bà (TP. Hồ Chí Minh), núi Bà Đen và Thánh thất Cao Đài (Tây Ninh)... Theo các chuyên gia, hệ thống cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo gắn với giá trị văn hóa dân tộc nên có sức hấp dẫn tự nhiên đối với du khách. Nắm bắt được thế mạnh và nhu cầu này, nhiều địa phương, công ty du lịch lữ hành đã đầu tư vào hoạt động du lịch khai thác các điểm tâm linh, coi đây không chỉ là hoạt động hành hương, tôn giáo, tín ngưỡng thuần túy, mà còn góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội.
Đơn cử, núi Bà Đen ở Tây Ninh nổi tiếng là ngọn núi linh thiêng, gắn liền với huyền thoại về Linh Sơn Thánh Mẫu - biểu tượng tâm linh của người dân Nam bộ. Nhiều lễ hội tâm linh quy mô được tổ chức tại đây như Lễ hội Xuân Núi Bà Đen, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, Lễ vía Quan thế âm Bồ Tát… Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1099/QĐ-TTg phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đến năm 2035. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cùng với các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh, Tây Ninh đã mời gọi được một số nhà đầu tư chiến lược, nâng tầm Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen và thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Đây hiện là sản phẩm du lịch trọng tâm của tỉnh, thu hút hơn 90% du khách đến Tây Ninh, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của địa phương.
Nhận rõ tiềm năng với hệ thống di tích đền, chùa lên đến hàng trăm năm tuổi, có điểm di tích là nơi phát tích của Thánh Mẫu Thượng Ngàn, năm 2019, Tuyên Quang đã phê duyệt Đề án Phát triển du lịch tâm linh giai đoạn 2019 - 2025. Mục tiêu chung là đưa du lịch tâm linh Tuyên Quang từng bước trở thành trung tâm của du lịch tâm linh vùng trung du và miền núi phía Bắc; gắn kết phát triển du lịch tâm linh với các sản phẩm du lịch đặc trưng, thế mạnh của tỉnh như: du lịch lịch sử, văn hóa, lễ hội, sinh thái, cộng đồng.
Theo các nhà nghiên cứu, du lịch văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo bao giờ cũng đặt mục tiêu là thực hành hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đầu tiên và quan trọng nhất, tiếp đến là tham quan, vãn cảnh; tìm hiểu văn hóa gắn với lịch sử tôn giáo và lối sống của cư dân địa phương, những giá trị di sản văn hóa gắn với điểm tâm linh… Điều này có tác động cộng hưởng, thúc đẩy việc gìn giữ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Thực tế, nhiều địa phương nhờ có du lịch mà khôi phục được các lễ hội cổ truyền, thêm nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, nâng cao đời sống nhân dân.
Nhưng lợi ích không chỉ về kinh tế mà hơn hết là giá trị tinh thần. Thông qua du lịch là cách tiếp cận hữu hiệu giúp nâng cao hiểu biết của cộng đồng về giá trị của các công trình tín ngưỡng, tôn giáo cũng như của chính các tín ngưỡng, tôn giáo ấy. Thông qua hoạt động du lịch, cộng đồng được trực tiếp tiếp xúc, cảm nhận và trải nghiệm, vượt qua các thành kiến văn hóa và tôn giáo, từ đó nuôi dưỡng và phát triển các giá trị tâm linh tín ngưỡng từ trong tiềm thức.
Qua những yếu tố đó để thấy rằng, di sản văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo thực sự là nguồn tài nguyên có sức hấp dẫn lớn, góp phần thúc đẩy, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm, tâm linh của khách du lịch.