Quy định tản mát, khó tổ chức thực hiện
Thiết chế văn hóa, thể thao là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa, thể thao của Nhân dân, góp phần quan trọng hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao còn phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân, năng lực sáng tạo của chủ thể văn hóa và diện mạo, bản sắc văn hóa của cộng đồng, quốc gia.
Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) chỉ ra rằng, hiện nay, quy định về các loại hình thiết chế văn hóa, thể thaocòn tản mát ở nhiều văn bản khác nhau. Một số thiết chế được quy định tại Luật (như thư viện, bảo tàng). Một số thiết chế quy định tại Nghị định của Chính phủ (như thiết chế cho hoạt động triển lãm, nghệ thuật biểu diễn). Một số thiết chế quy định tại Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của Bộ trưởng (như Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam). Một số thiết chế chưa được điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật (như câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, nhà văn hóa của Tổ dân phố). "Việc quy định tản mát ở các văn bản có hiệu lực pháp lý khác nhau hoặc chưa được quy định gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện của các loại hình thiết chế".
Triển khai Luật Quy hoạch năm 2017, một số địa phương đã được phê duyệt Quy hoạch tỉnh, nhưng một số quy hoạch tích hợp các nội dung liên quan đến thiết chế văn hóa, thể thao chưa đồng bộ, toàn diện, chưa cân đối giữa các loại hình thiết chế, chỉ quy hoạch một số môn thể thao, hoặc lĩnh vực văn hóa chủ yếu đề cập đến di tích, di sản... “Tình trạng đó có nhiều nguyên nhân, trong đó việc chưa có văn bản hướng dẫn quy định chi tiết nội dung này cũng như chưa ban hành Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, khiến địa phương chưa có căn cứ để tham khảo, tích hợp trong quy hoạch tỉnh” - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa nhận định. Khái niệm về thiết chế văn hóa, thể thao, quy định pháp luật về phân loại thiết chế văn hóa, thể thao cũng chưa rõ ràng.
Vậy có cần thiết ban hành văn bản cụ thể quy định khái niệm, phân loại các loại hình thiết chế văn hóa, thể thao cũng như hướng dẫn tích hợp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao vào quy hoạch cấp tỉnh, để thực hiện thống nhất, bảo đảm sự đồng bộ của thiết chế văn hóa, thể thao?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, những năm qua, nhiều văn bản liên quan đến thiết chế văn hóa, thể thao đã được ban hành. Hiện nay lĩnh vực văn hóa, thể thao có 274 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 94 thông tư. Nội dung thiết chế văn hóa, thể thao nằm trong 10 nhóm vấn đề, trong đó 6 lĩnh vực đã được điều chỉnh bằng luật, 4 lĩnh vực khác dù chưa có luật nhưng có các nghị định điều chỉnh (riêng văn học chưa có). Bởi vậy, "chưa cần thiết có một văn bản riêng để khu trú thiết chế văn hóa, thể thao; mà cần thiết hơn là bám sát các nghị quyết, căn cứ vào nguồn lực để đầu tư các thiết chế xứng tầm quốc gia, khu vực và quốc tế".
Về công tác quy hoạch, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, khi các tỉnh lập quy hoạch, đều xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ có trách nhiệm nghiên cứu quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, đối chiếu với quy hoạch của tỉnh, kết hợp đối chiếu với quy hoạch ngành, đóng góp ý kiến để tránh mâu thuẫn. Với các địa phương đã công bố quy hoạch, "nội dung văn hóa, thể thao và du lịch được đề cập đầy đủ. Đó là cơ sở để tập trung đầu tư và huy động nguồn lực phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định. Về Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, chậm nhất đầu tháng 2 sẽ chính thức ban hành.
Tháo gỡ vướng mắc để quản lý, sử dụng hiệu quả
Thiết chế văn hóa, thể thao xuống cấp, hiệu quả khai thác, sử dụng hạn chế, chưa phát huy hết công năng, hoạt động chưa phong phú, đa dạng. Nhận định như vậy, ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) quan tâm tới giải pháp để khắc phục tình trạng này. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, việc quản lý, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh, huyện, xã thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn mô hình hoạt động, gợi ý cách vận hành hiệu quả. Thực tế, cơ sở năng động, biết cách làm thì hoạt động hiệu quả, nhưng nhiều nơi, các thiết chế này chỉ hoạt động “xuân thu nhị kỳ”.
Đặc biệt, liên quan đến quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao, nhiều đại biểu phản ánh, từ khi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành, hoạt động liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp công lập gặp nhiều khó khăn, gần như không thực hiện được, ảnh hưởng đến việc tự chủ, hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao. Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận thừa nhận những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 151 như các đại biểu nêu, cho biết, trên cơ sở rà soát, đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính sẽ đề xuất sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Hiện nay, nguồn lực đầu tư cho thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn chế; kinh phí hoạt động của các thiết chế văn hóa chủ yếu từ ngân sách nhà nước, chưa bảo đảm để duy trì, nâng cấp và thực hiện các nhiệm vụ; cần cơ chế khuyến khích xã hội hóa để huy động, khai thác nguồn lực đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt cộng đồng, hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, không có các lĩnh vực văn hóa, thể thao. Trong bối cảnh đó, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) băn khoăn: Có cần bổ sung lĩnh vực văn hóa, thể thao vào nhóm các lĩnh vực được phép đầu tư theo phương thức đối tác công - tư hay không?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở kết quả thí điểm phương thức đối tác công - tư với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nếu hợp lý và khả thi sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung những lĩnh vực có khả năng thực hiện phương thức này vào Luật. Còn về chính sách xã hội hóa, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận, sắp tới Bộ Tài chính tích cực cùng các Bộ chuyên ngành nghiên cứu chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng… trong các lĩnh vực liên quan trình Chính phủ để có thể thu hút xã hội hóa lĩnh vực này tốt hơn.