Kỷ nguyên số với những thay đổi mạnh mẽ về công nghệ đang có tác động to lớn tới sáng tạo cũng như hưởng thụ văn hóa nghệ thuật. Bởi vậy, phát triển văn hóa số cần được quan tâm đẩy mạnh nhằm bắt kịp xu thế và nắm bắt cơ hội mà thời đại 4.0 đem lại.
Biến đổi mạnh mẽ
Trong thời đại kỹ thuật số, chuỗi giá trị văn hóa nghệ thuật đã có những biến đổi mạnh mẽ trong từng khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thụ hưởng. Internet trở thành không gian ảo rộng lớn và có ảnh hưởng trong hầu hết nhu cầu sáng tạo của con người. Trong không gian đó, các sáng tạo văn học, nghệ thuật ngày càng nở rộ, dễ dàng tiếp cận lượng khán giả đông đảo ở mọi nơi. Việc đọc sách, nghe nhạc, xem phim, tham quan triển lãm, bảo tàng… đều có thể diễn ra trên môi trường số.
Cần có chiến lược phát triển văn hóa số. Ảnh: hanoimoi.com.vn
Tại Việt Nam thời gian qua, nhất là thời điểm đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội, việc chuyển đổi số mạnh mẽ các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đã được đặt ra và từng bước thực hiện. Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng đã trở nên phổ biến, làm thay đổi quan điểm, nhận thức và góc tiếp cận đối với vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Từ việc nghiên cứu, tư liệu hóa, số hóa, quản lý tài liệu, hiện vật, bảo quản phòng ngừa, bảo quản trị liệu, cho đến trưng bày, giáo dục, truyền thông, quảng bá… những công nghệ hiện đại nhất như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (AR), thực tế tăng cường (AR)… đã xuất hiện trong các bảo tàng trên thế giới như những giải pháp công nghệ sáng tạo nhằm gia tăng trải nghiệm của khách. Gần đây, một số bảo tàng khác trong nước cũng tích cực ứng dụng công nghệ số trong chương trình quản lý hiện vật, thư viện số, hay thuyết minh đa phương tiện, triển lãm 3D...
Còn trong lĩnh vực sân khấu, sau hai năm dịch bệnh, các đơn vị nghệ thuật đã ứng dụng công nghệ trong quy trình vận hành của nhà hát, sân khấu. Các trang mạng xã hội được lập ra nhằm giới thiệu vở mới, suất diễn, gương mặt nghệ sĩ, video hậu trường... tăng cường quảng bá, tương tác giữa đơn vị nghệ thuật và khán giả. Thử nghiệm xây dựng sân khấu, nhà hát online, sản xuất, ghi hình tác phẩm sân khấu và đưa lên các nền tảng trực tuyến...
Chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản cũng đang được triển khai mạnh mẽ, áp dụng công nghệ số hóa 3D quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản... Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, đơn vị liên quan thực hiện Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, hướng đến xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số...
Sự đổi mới mang tính đột phá của Internet mang lại một số tác động quan trọng đối với các lĩnh vực văn hóa sáng tạo. Theo ThS. Nguyễn Lâm Tuấn Anh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang đứng trước thách thức của bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, mà nếu không kịp thời thích ứng họ có thể bị tụt hậu. Trước sự thay đổi đó, đã có những hoạt động chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, nhằm tạo ra nhiều tác phẩm trực tuyến thu hút công chúng và tạo ra lợi nhuận; cung cấp nội dung rộng rãi nhưng cũng quan tâm bảo vệ, tránh sự sao chép và chiếm đoạt sản phẩm sáng tạo...
Khẩn trương xây dựng chiến lược văn hóa số
Báo cáo về sử dụng internet ở Việt Nam tính đến tháng 1.2022 cho thấy, có 72,10 triệu người dùng internet tại Việt Nam, chiếm hơn 73% tổng dân số. Người dùng Việt dành 6 giờ 38 phút trực tuyến mỗi ngày, trong đó dành 2 giờ 28 phút mỗi ngày cho các nền tảng truyền thông xã hội, 2 giờ 47 phút cho truyền hình, 1 giờ 12 phút cho dịch vụ âm nhạc trực tuyến, 1 giờ 12 phút cho trò chơi trực tuyến... Các hoạt động giải trí trên không gian số đã trở nên quen thuộc với người dùng Việt Nam, từ việc truyền hình kỹ thuật số, nghe nhạc, xem phim trực tuyến đang dần trở nên phổ biến đặc biệt với giới trẻ.
Theo Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Phương Hòa, về tổng thể, cần khẩn trương xây dựng và ban hành chiến lược văn hóa số, đi kèm với một số đề án, dự án cụ thể được ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện công tác số hóa, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại nhằm phát triển một số lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của ngành văn hóa nghệ thuật Việt Nam như điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn… tạo ra những sản phẩm văn hóa số cụ thể, các loại hình nghệ thuật và trải nghiệm mới, phát triển các ứng dụng hỗ trợ quá trình phân phối, phát hành, xuất khẩu trên nền tảng số.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần kịp thời xây dựng nội dung số như một trọng tâm ưu tiên trong chính sách công nghiệp văn hóa thời kỳ mới, có sự gắn kết chặt chẽ với chính sách phát triển của ngành công nghệ thông tin để không bị tụt hậu, kịp thời nắm bắt cơ hội mà Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại, bởi sáng tạo và công nghệ số kết hợp sẽ là chìa khóa của nền kinh tế hậu công nghiệp, kinh tế tri thức.
Bên cạnh đó, có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến sáng tạo, văn hóa nghệ thuật vượt qua những rào cản, thách thức từ việc đưa sản xuất, phân phối và tạo ra lợi nhuận từ sản phẩm trực tuyến; nâng cao năng lực của công tác bảo vệ bản quyền trên không gian số; các chính sách để kiểm soát, điều phối thị trường trao đổi, mua bán, cung cấp sản phẩm dịch vụ văn hóa nghệ thuật trên không gian số... Với những nỗ lực đó sẽ kịp thời xây dựng “môi trường văn hóa số phù hợp nền kinh tế số, xã hội số và công dân số” như Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021.