Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông: Đạo và Đời hòa quyện, gắn bó vì hạnh phúc của muôn dân, vì sự phát triển của đất nước
Đại lễ kính mừng 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh 2023 đã chính thức được khai mạc long trọng tại Chùa Ba Vàng vào tối 22.12 (tức ngày 10.11 âm lịch).
Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông đã là một tinh thần, một giá trị
_______
Tại Lễ khai mạc Đại lễ, Thầy Thích Trúc Thái Minh, Trụ trì chùa Ba Vàng đã trích dẫn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Đại lễ kỷ niệm 700 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (lúc đó, Tổng Bí thư đang là Chủ tịch Quốc hội) khẳng định: “Trong con người và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, Đời và Đạo, Đạo và Đời luôn luôn hòa quyện vào nhau, gắn bó với nhau vì hạnh phúc của muôn dân, vì sự phát triển của đất nước.
Với Đời, Trần Nhân Tông là vị Vua nhân từ, trí tuệ, một nhà chiến lược tài ba, luôn nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, hết lòng vì nước vì dân. Trong chiến đấu thì kiên cường, mưu lược. Trong lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, ánh sáng nhiệm màu của Đạo từ bi trí tuệ đã tỏa rạng, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam, con người và đất nước Việt Nam. Trong đó, có những con người đã hội tụ được những tinh hoa thần khí của non sông đất nước mà trở nên một bậc đại hùng đại lực, đại trí tuệ và đại từ bi. Trần Nhân Tông, đức Điều Ngự giác hoàng là một con người như vậy.
Ngài là một vị hoàng đế anh minh, một lãnh tụ thiên tài, một anh hùng dân tộc mà sự nghiệp nổi hẳn trên cả ba mặt: Giữ nước, dựng nước và mở nước.
Vua Trần Nhân Tông đã chỉ huy quân dân Đại Việt chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông cực kỳ hung hãn. Đó cũng chính là một tâm hồn được kết tinh bởi tình yêu xã tắc, yêu cái thiện và đấu tranh cho cái thiện, tiêu diệt và ngăn chặn cái ác với quy mô và tầm vóc vĩ đại mang tầm quốc gia, quốc tế và tầm nhân loại. Nơi Ngài hội tụ được những phẩm chất, tạo được đức nghiệp mà hiếm ông vua nào trong lịch sử việt Nam có được. Ngài là ông vua anh hùng buổi cứu vong dân tộc, là nhà chính trị có tầm nhìn xa rộng, đã thực thi tư tưởng cai trị khoan giản an lạc, cai trị hướng tới sự hòa hợp bình yên và nhân đạo.
Không những vậy, Trần Nhân Tông còn là một thiền sư lỗi lạc, một tu sĩ tiêu biểu của một thời đại Phật giáo và chính trị mẫu mực thế kỷ thứ XIII. Đây là thời kỳ tinh thần dân tộc thăng hoa, văn hóa, tư tưởng và trí tuệ đạt tới đỉnh cao trong lịch sử dân tộc.
Có thể nói, Trần Nhân Tông khi đang làm vua thì đã có “chất Phật” trong đó, và khi xuất gia tu hành làm Phật thì vẫn ẩn hiện “chất vua” của một vị minh quân thiên tử.
Ngài là một thiền sư có tư tưởng lớn, và để lại rất nhiều ảnh hưởng. Nơi Ngài vừa có phong thái bậc trượng phu trung hiếu, vừa có vóc dáng bồ tát trang nghiêm.
Trần Nhân Tông kết nối và tổ chức giới tu hành thành giáo hội, tạo đặc sắc cho đường tu, kết dựng Thiền phái. Tư tưởng hòa quang đồng trần, giải thoát không rời thế gian, sinh tử thị niết bàn, bất nhị pháp môn… là những tư tưởng quan trọng mà Ngài thổi hồn cho Thiền phái và dẫn dắt nhân sinh.
Trần Nhân Tông là ngôi sao sáng chói trong bầu trời văn hoá của dân tộc. Với những đóng góp và ảnh hưởng đặc biệt to lớn như vậy nên Ngài là Thiền sư duy nhất được suy tôn là Phật Hoàng. Trần Nhân Tông là tên gọi, là một danh nhân, nhưng cũng đã là một tinh thần, một giá trị.
Vị Thiền sư đắc đạo, khéo kết hợp Tâm, Đức, Trí của Đạo làm nền tảng để xây đời
_______
Trong đại lễ kỷ niệm 700 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó là Chủ tịch Quốc hội có nói:“Trong con người và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, Đời và Đạo, Đạo và Đời luôn luôn hòa quyện vào nhau, gắn bó với nhau vì hạnh phúc của muôn dân, vì sự phát triển của đất nước. Với Đời, Trần Nhân Tông là vị Vua nhân từ, trí tuệ, một nhà chiến lược tài ba, luôn nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, hết lòng vì nước vì dân. Trong chiến đấu thì kiên cường, mưu lược.
Trong hòa bình thì dành hết tâm sức, tìm kế sách khoan hòa trong nhân dân, đề ra chính sách dưỡng dân, an dân để xây dựng, mở mang đất nước. Người ra sức chăm lo việc nông tang cày cấy, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân; mở mang dân trí, chiêu dụ nhân tài, khuyến khích thi cử, phát triển văn hóa.
Trong xử thế thì nghiêm khắc với những việc làm sai trái của vua quan, quần thần, kể cả với con mình khi đã làm Vua; khoan thứ cho người có lỗi đã biết hối cải, xóa bỏ mọi tỵ hiềm, tập hợp mọi người chung tay xây dựng đất nước.
Với nước ngoài, thì thực hiện chính sách kết tình giao hảo, hòa hiếu lân bang, mở mang bờ cõi, nhằm giữ nền hòa bình lâu dài cho đất nước.” Có thể nói đây là nhận định rất đầy đủ về Trần Nhân Tông trên cương vị làm vua.
Với cương vị là người Phật tử và tu sĩ: Trần Nhân Tông là một Phật tử thuần thành. Tinh tấn tu học. Dẫu bận trăm công ngàn việc nhưng vẫn không ngừng tham vấn Phật Pháp. Ngài đã thâm nhập cốt lõi Phật Pháp , đạt được thiên tủy. Là một vua tu sĩ, Ngài ý thức sâu sắc về giá trị của độc lập, tự chủ và chủ quyền dân tộc. Với tinh thần ấy, Ngài đã sáng tạo chữ Nôm là chữ Việt đầu tiên. Ngài hợp nhất 3 dòng thiền lại thành thiền phái Trúc lâm, thuần nhất của người Việt. Dung hợp tư tưởng tam giáo về nhất thể. Ngay cả y phục Phật giáo Ngài cũng mặc y theo Phật giáo nguyên thuỷ. Ý chí tu tập cao vòi, quyết tu cho sáng đạo, Ngài thực hành hạnh đầu đà, trì bát khất thực, tinh tấn bất thoái. Một vị Thái thượng hoàng từng sống trong nhung lụa, mà giũ bỏ tất cả, khổ hạnh luyện thân, ăn rau răm hạt dẻ, uống nước suối, thiền định nơi rừng sâu núi thẳm. Quả thật với chúng ta không phải là việc dễ làm.
Với lý tưởng hành Bồ tát đạo, hòa quang đồng trần, đem đạo vào đời, làm lợi ích cho quần sinh. Ngài đã đi khắp nơi, giáo hoá dân hành thập thiện. Mang tư tưởng từ bi Phật giáo, Ngài xây dựng quan hệ quốc tế tốt đẹp, hữu nghị, hoà ái. Đem lại lợi ích to lớn cho dân tộc.
Ngài đã tu tập thành tựu đạo nghiệp, làm chủ sinh tử, ra đi tự tại, để lại xá lợi và nhiều tác phẩm văn học, thiền luận bất hủ, làm kim chỉ nam cho người tu Phật.
Theo Thầy Thích Trúc Thái Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Với Đạo, Trần Nhân Tông là vị Thiền sư đắc đạo, có nhiều triết lý sâu sắc, khéo kết hợp lấy Tâm, Đức, Trí của Đạo làm nền tảng để xây đời. Việc xuất gia tu hành của Người không chỉ giản đơn để tìm giải thoát cho cá nhân mà cho cả dân tộc. Người chủ trương qua tín ngưỡng Phật giáo để nuôi tâm đạo đức, dạy trí làm người; bồi đắp tính độc lập, tự cường; phát huy sự thuận hòa trong nhân tâm trăm họ, tạo ra sự hòa hợp quốc gia, hòa hợp vua tôi, hòa hợp cha con, hòa hợp vợ chồng, gia đình,... tạo cội rễ cho sức mạnh lâu bền của đất nước. Người có ý thức rất rõ trong việc mượn Đạo để xây Đời và qua Đời để dựng Đạo; Đạo và Đời luôn gắn bó với nhau.”
Đem ánh sáng của trí tuệ, từ bi, nhân ái, tình yêu thương rộng lớn của Trần Nhân Tông rạng tỏa cho hậu thế
_______
Chúng ta muốn đem ánh sáng của trí tuệ, lòng từ bi và nhân ái, tình yêu thương rộng lớn của Trần Nhân Tông rạng tỏa cho hậu thế.
Cuộc đời Ngài chỉ trong vòng 50 năm, nhưng những đóng góp của Ngài vô cùng to lớn cho dân tộc và nhân loại. Một cuộc đời đã kết thúc, nhưng đã để lại bao nhiêu lưu luyến cho những người đương thời cũng như hậu thế. Một cuộc đời có một kết thúc hết sức bình dị nhưng lại vô cùng cao đẹp. Mỗi chúng ta khi đọc lại những gì tổ tiên ta đã viết về những ngày cuối cùng của vua Trần Nhân Tông, chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động như mình đang đối diện với một người đang sống bằng xương bằng thịt trước mặt chúng ta.
Trình bày:Duy Thông