Bức tranh đa màu sắc
Theo các nhà nghiên cứu, nhìn chung tín ngưỡng của người Việt phản ánh khá rõ nét những đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Đời sống tín ngưỡng ấy được hình thành rất sớm, trải qua biến thiên của lịch sử xã hội, có lúc thăng, lúc trầm nhưng vẫn tồn tại và phát triển. Tín ngưỡng là lựa chọn ưu tiên của hầu hết tầng lớp Nhân dân, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa không bị ràng buộc khắt khe bởi giáo lý, giáo luật, hệ thống tổ chức.
Nhìn vào đời sống tín ngưỡng từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến hải đảo…, có thể thấy hệ thống tín ngưỡng Việt Nam vô cùng đa dạng, phong phú. Gắn với điều kiện địa hình có loại tín ngưỡng sùng bái tự nhiên biểu hiện ở các hình thức thờ cây, thờ đá, thờ thần núi, thần sông, thần biển… Gắn với đời sống lao động có loại hình tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng nông nghiệp biểu hiện ở các nghi lễ, lễ hội nông nghiệp…
Ngoài ra là tín ngưỡng thờ tiền nhân, người có công với làng với nước, biểu hiện ở các nghi lễ, lễ hội thờ anh hùng dân tộc, thành hoàng, vị tổ nghề, tổ tiên ông bà… Chưa kể, người Việt còn lưu truyền những truyền thuyết, huyền thoại, hình thức thực hành nghi lễ theo phong tục, tập quán như thờ trời, đất, thần linh, quỷ thần, linh hồn, các nghi lễ vòng đời người như phong tục cưới hỏi, mừng thọ, tang ma… Mặc dù khác nhau ít nhiều về cách thực hành nhưng ẩn sâu trong các tín ngưỡng có nhiều nét tương đồng, cốt lõi ở tâm thức dân gian.
Biểu trưng giá trị dân tộc
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, nhìn từ yếu tố nội sinh, với người Việt cổ, tín ngưỡng thờ thần núi, thần sông giữ vai trò quan trọng. Tản Viên sơn thánh được tôn lên hàng Tứ bất tử và là biểu tượng cho sức mạnh và những gì được coi là linh thiêng nhất. Tục thờ cúng tổ tiên, nhớ ơn ông bà, cha mẹ là dạng thức tín ngưỡng đặc biệt của người Việt, gồm những nghi thức thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành, gây dựng cuộc sống và phù hộ con cháu.
Về phương diện đạo lý, tục thờ cúng tổ tiên góp phần xây dựng nên truyền thống uống nước nhớ nguồn - một giá trị văn hóa cao đẹp. Trải qua nhiều thế hệ, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thành nghi lễ thiêng liêng thờ Quốc tổ Hùng Vương, có sức mạnh gắn kết dân tộc thành một khối thống nhất. Qua đó, người Việt Nam bày tỏ tấm lòng hiếu kính với Quốc tổ và các bậc tiền liệt; hội tụ tinh hoa các giá trị văn hóa, củng cố và nhân lên niềm tin vào sức mạnh và tiền đồ dân tộc.
Một trong những điểm nổi trội của văn hóa tâm linh Việt là tôn thờ người có công chống giặc ngoại xâm. Người Việt coi độc lập dân tộc và lợi ích quốc gia là lý tưởng thiêng, nên những người hy sinh vì nước, có công đánh giặc ngoại xâm đều hóa thần hiển thánh. Từ nhân vật huyền thoại Thánh Gióng đến những nhân vật lịch sử như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… đều được tôn thánh, lập đền, miếu thờ phụng theo triết lý “sinh vi danh tướng, tử vi thần”, tức sống làm danh tướng, chết là thần.
Đặc biệt, người Việt dành sự kính ngưỡng đặc biệt cho mẹ. Yếu tố âm - yếu tố nữ được thể hiện nhiều hình nhiều vẻ trong hệ thống tín ngưỡng ở Việt Nam. Có khi họ là nhiên thần (mẹ đất, mẹ rừng, mẹ biển) nhưng có khi là những con người có thật trong lịch sử. Tất cả tạo nên bức tranh tín ngưỡng mang đầy ước vọng sinh sôi nảy nở, được che chở, bảo vệ khỏi tai ương, bất hạnh và ban phát may mắn, hạnh phúc. Đây là một giá trị nổi bật của tín ngưỡng Việt Nam, khác với rất nhiều nước trên thế giới.
Dung hòa, bồi đắp văn hóa
Nhìn riêng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, ngày nay, đi bất cứ đâu trên đất nước, chúng ta cũng bắt gặp nơi thờ các vị thần thuộc giới nữ. Ngay cả trong các chùa thờ Phật, người dân Việt Nam cũng không quên dành một gian nhỏ để thờ Mẫu. Điều này chỉ ra một nét tiêu biểu trong tín ngưỡng của người Việt là tính dung hợp, hòa đồng, bình đẳng và phối thờ các loại thần linh. Ở những nơi thờ tự của tín ngưỡng như đình, đền, miếu, phủ, quán, từ đường, nhà thờ họ… đều có hiện tượng thờ phối đan xen (tuy mức độ khác nhau), như đền Ngọc Sơn thờ cả Quan Công lẫn Đức Thánh Trần; Văn Miếu - Quốc Tử Giám thờ Khổng Tử nhưng còn thờ thêm Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử (tứ phối ở hai bên tả, hữu)...
Các đối tượng thần linh được thờ cúng có cả phúc thần và hung thần. Phúc thần là những vị thần được nhân dân tôn thờ, đề cao bởi mang tính thiện, như anh hùng dân tộc có công dẹp giặc, giữ nước, khoa bảng đỗ đạt, danh y cứu người… được triều đình sắc phong hoặc dân gian phong thần. Còn hung thần là những vị thần bất hảo thường được diễn tả bằng hình ảnh các vị thần có bộ mặt xấu xí, hung ác, lạnh lùng, mang tính xấu hay quỷ dữ, gieo tai họa, phá hoại mùa màng, làm chuyện ác để hại người, hành nghề không thiện như ăn trộm, dâm thần, không được triều đình phong thần nhưng dân gian vẫn thờ cúng.
Với vị trí địa - văn hóa giao tiếp, Việt Nam còn thu nhận và biến đổi làm phong phú đời sống tín ngưỡng bằng nhiều giá trị đến từ bốn phương, qua đó bồi đắp văn hóa dân tộc. Với các tôn giáo từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam như Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo... tín ngưỡng góp phần làm cho các tôn giáo này thay đổi để phù hợp với đặc điểm văn hóa của người Việt Nam.
Có thể thấy, hệ thống tín ngưỡng đa dạng đã ăn sâu, bám rễ, hòa quyện trong đời sống nhân dân. Từ đây, tín ngưỡng vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tinh thần, vừa làm phong phú hệ giá trị văn hóa dân tộc. Cũng từ dòng chảy xuyên suốt này, các giá trị bản sắc dần thẩm thấu thông qua đức tin và phương thức thực hành của từng loại hình tín ngưỡng để truyền từ đời này sang đời khác.