Charlotte Perkins Gilman (1860 - 1935) được biết đến là nhà hoạt động xã hội đấu tranh cho nữ quyền và quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Bà cũng là một nhà văn - nhà thơ nổi danh với tác phẩm The Yellow Wallpaper. Đây là truyện ngắn được ví như tiểu thuyết. Bản tiếng Anh chỉ dài hơn 6.000 chữ. Tác phẩm xuất bản năm 1892 trên một tạp chí ở Mỹ sau đó in thành sách và bán chạy suốt nhiều thập niên.
Gần đây, độc giả tiếng Việt có dịp tiếp cận với tác phẩm qua bản dịch Giấy dán tường vàng, do Nguyễn Tiến Anh chuyển ngữ, nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành.
Giấy dán tường vàng là câu chuyện về một phụ nữ, người kể chuyện, bị chứng “thần kinh yếu”, cùng người chồng tên John trải qua ba tuần trong một tòa lâu đài cũ. Anh chồng là bác sĩ đang tìm cách chữa chứng thần kinh yếu của cô vợ. Kỳ thực đó là chứng trầm cảm. Anh chồng và người giúp việc yêu cầu cô không được hoạt động thể chất và cô bị cấm cầm đến bút lông hay bút chì. Nghĩa là không được viết lách. Theo họ hành động viết là rất nguy hại cho hệ thần kinh.
Suốt quãng thời gian đó, cô ở trong một căn phòng từng là nơi giữ trẻ. Các bức tường đều dán một loại giấy màu vàng, những họa tiết rối mắt. Gam màu vàng chủ đạo trên những mảng tường khiến cô vợ cảm thấy thêm phần bức bối. Nhưng rồi khi đã trở nên quen thuộc cô như bị mê hoặc bởi những họa tiết đó, nhất là về đêm. Cô dành nhiều thời gian hơn để quan sát những mảng tường dán giấy vàng dưới bóng trăng mờ. Một ngày cô nhận thấy hình ảnh một người phụ nữ hiện lên sau lớp giấy dán tường vàng. Cô ta như bị cầm tù trong đó, chỉ có thể bò quanh bức tường mà chẳng biết làm cách nào để thoát ra. Cuối truyện người chồng dường như cũng phát điên khi thấy người vợ cũng giống như người phụ nữ bí hiểm nọ, cô đang bò quanh bức tường sau khi đã xé tan lớp giấy dán.
Tác phẩm xuất hiện với nhiều nhận định rằng câu chuyện mang màu sắc tự truyện. Khi Giấy dán tường vàng ra mắt, tác giả đã ly hôn. Chồng cũ của Gilman là bác sĩ từng giúp bà chữa trị chứng trầm cảm sau khi sinh con gái đầu lòng. Bác sĩ kiêm nhà văn Weir Mitchell (1829 - 1914), một nhân vật có thật, người được cho là cha đẻ của y học thần kinh cũng được nhắc đến.
Nếu bỏ qua các chi tiết, những con người, sự kiện có vẻ là phi hư cấu thì người đọc nhận thấy Giấy dán tường vàng như lời tự sự của một người bệnh với những ảo giác gặp phải được ghi lại một cách rời rạc. Một tiểu thuyết ngắn, cô đọng và đầy ẩn dụ. Không gian của câu chuyện chỉ bó hẹp trong một tòa lâu đài cũ là nơi cầm tù đối với một bệnh nhân, cũng là nơi người ta bị giam hãm bởi quan niệm thủ cựu và sự hạn chế về kiến thức.
Cùng với những ẩn ý về xã hội, Giấy dán tường vàng còn cho thấy một thế giới nghệ thuật đẹp và biến ảo. Những mảng tường dán giấy vàng mờ đi khi mặt trời lặn nhưng lại huyền ảo, kỳ bí dưới ánh trăng và trong nỗi cô đơn, sự vô vọng không lối thoát của người kể chuyện.
Đâu đó trong bản dịch vẫn có những gờn gợn khó tránh. Đó có thể nói là điều khiến người đọc bản tiếng Việt hơi nuối tiếc. Nhưng bù lại, hình thức sách, cách trình bày bìa phần nào truyền tải được sự mê dụ của tác phẩm.
HỮU VI
------
* Giấy dán tường vàng, Book Hunter và NXB Phụ nữ Việt Nam 2022.