Lịch sử của mỗi dân tộc và của nhân loại đều có những mốc sáng chói như tinh tú trên bầu trời. Đối với Việt Nam, Điện Biên Phủ của thế kỷ XX là một mốc như thế. Vào thời điểm ấy, các tướng lĩnh, chính khách và học giả lớn ở phương Tây xem quân đội ta chỉ là “quân Việt Minh”, với hàm ý là đội quân du kích, chân trần đi bộ, mặc quân phục vải thô, chân đi dép lốp, khoác khẩu súng trường bắn từng phát một… Đến khi Điện Biên Phủ thất thủ mới “ngã người” ra, những người vừa chiến thắng một đội quân thiện chiến, được trang bị vũ khí hiện đại và có những tướng tài giỏi chỉ huy, là “những đối thủ chất lượng cao”, một đội quân hùng mạnh - quân đội của nhân dân, chiến đấu vì độc lập tự do, của một dân tộc đã từng lập nên chiến công Bạch Đằng, Đống Đa, Chi Lăng… năm xưa.
Khi tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra chiến trường Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ: “chú ra đó là phải mang chiến thắng trở về và giao toàn quyền quyết định tại chiến trường cho chú”. Thật ngắn gọn và đơn giản, nhưng đó vừa là mệnh lệnh, vừa là niềm tin. Lại nhớ ngày nào, trong lúc tình hình nước nhà sau Cách mạng tháng Tám hết sức khó khăn trước họa “ngàn cân treo sợi tóc”, nói về nhiệm vụ của Chính phủ mới, Hồ Chí Minh chỉ vắn tắt là: “diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”.
Trước khi đi sang Pháp đàm phán, Người dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng - lúc đó là quyền Chủ tịch nước, ngắn gọn: “cụ ở nhà có gì xảy ra thì dĩ bất biến ứng vạn biến”. Lời dặn ngắn gọn, súc tích với cụ Huỳnh Thúc Kháng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chứa đựng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc. Tư tưởng đó đã được nêu trong “Cương lĩnh vắn tắt” từ lúc thành lập Đảng và rồi với quyết tâm: “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập” trong kháng chiến chống thực dân Pháp và “không có gì quý hơn độc lập tự do” trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ; đó là đường lối đúng đắn Hồ Chí Minh.
Thắng lợi vẻ vang Điện Biên Phủ là thắng lợi mang tầm thời đại, thắng lợi “chấn động địa cầu”. So sánh sự vẻ vang, sự vĩ đại thắng lợi trong các cuộc chiến tranh của nhân loại thì Điện Biên Phủ đã được xếp trong cách “so sánh ngang” với chiến thắng Watenrlo của quân đội Anh - Phổ trước quân Pháp dẫn đến sự sụp đổ của đế chế Napoléon (1815); với chiến thắng Stalingrat của Hồng quân Liên Xô với quân phát xít Đức (1942 - 1943) mở màn cho cuộc phản công từ đó đánh vào sào huyệt Hitler, tiêu diệt hoàn toàn đội quân phát xít với tham vọng làm bá chủ thế giới…
Với dân tộc Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủkết thúc chuỗi dài xâm lược gần 100 năm (kể từ năm 1858) của thực dân Pháp và làm sụp đổ mang tính toàn cầu của chế độ thực dân kiểu cũ. Chiến thắng Điện Biên Phủđã được dân tộc Việt Nam tiếp tục phát huy để ghi thêm vào lịch sử một Điện Biên Phủtrên không (1972) và tiếp đến là chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), đánh đuổi hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược ra khỏi đất nước giành độc lập thống nhất cho dân tộc, cũng là kết tử chính sách toàn cầu của chủ nghĩa thực dân kiểu mới.
Có thể nói những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc Việt Nam được tiếp nối và phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh với những tầm cao mới. Theo trình tự thời gian, đó là Đảng Cộng sản ra đời 1930, Cách mạng tháng Tám 1945, Điện Biên Phủ1954, chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, đất nước đổi mới 1986… Thật đáng tự hào biết bao chiến thắng Điện Biên Phủkhông chỉ đã ghi tên mình vào dòng chảy vẻ vang của lịch sử dân tộc, mà còn là một biểu tượng sáng ngời về ý chí, sức mạnh và trí tuệ của quân và dân Việt Nam đối với lịch sử nhân loại trong thời đại Hồ Chí Minh.