Cơ hội để văn hóa phát triển xứng tầm

Bài 1: Không làm ngay thì không kịp!

Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là cơ hội mà nếu tận dụng được sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, thụ hưởng văn hóa của Nhân dân. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ có những tác phẩm, công trình văn hóa nghệ thuật mang biểu tượng thời đại Hồ Chí Minh.

Nhiều hạng mục của Quần thể di tích Cố đô Huế được tu bổ, tôn tạo từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa các giai đoạn trước - Ảnh: TTBTDTCĐH
Nhiều hạng mục của Quần thể di tích Cố đô Huế được tu bổ, tôn tạo từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa các giai đoạn trước. Ảnh: TTBTDTCĐH

Qua khảo sát tại một số địa phương, tham vấn các chuyên gia cũng như ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội cho thấy, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa ở thời điểm này là cấp thiết, nhằm hiện thực hóa chủ trương, chính sách, chiến lược của Đảng về phát triển văn hóa trong tình hình mới.

Cơ sở chính trị và pháp lý

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa và đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam luôn nhất quán, ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn, là cơ sở quan trọng để hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy các nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”.

Kế thừa nội dung trong các nghị quyết, văn kiện, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 Khóa XI “Về  xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Văn kiện Đại hội XII về xây dựng, phát triển văn hóa, con người, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, con người đối với phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới.

Một trong những quan điểm chỉ đạo là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam…”. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Đảng ta xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”.

Ngày 20.10.2022, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII ban hành Kết luận số 42-KL/TW về kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023, trong đó yêu cầu “khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa”.

Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 ngày 18.8.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 14 đã giao Chính phủ xây dựng Chương trình hoặc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022 - 2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nghị quyết số 68/2022/QH15 ngày 10.11.2022 của Quốc hội Khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa”, trong phát biểu tổng kết, Chủ tịch Quốc hội đã nêu 9 nhóm chính sách và 7 nhiệm vụ cụ thể, trong đó khẩn trương xây dựng và ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa…

Đây là những cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng cho thấy tính cấp thiết phải xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.

Đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn

Thực tế đời sống văn hóa cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng số di tích đã được xếp hạng trên cả nước tính đến năm 2022 là 3.602 di tích, trong đó khoảng 600 di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Nguồn vốn đầu tư hàng năm cho bảo quản, tu bổ, phục hồi các di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia rất thấp so với nhu cầu. Các di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO ghi danh chưa thực sự phát huy được giá trị cũng như chưa thực hiện đầy đủ các nội dung cam kết do nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động như giới thiệu, quảng bá, truyền dạy, chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân còn hạn hẹp.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, đình Chu Quyến (Hà Nội); Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương); Quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế); Khu di tích lịch sử Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thanh Hóa)... đều được đầu tư tu bổ, tôn tạo từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa các giai đoạn trước. Nhiều dự án sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Việt Nam đã được triển khai… Tuy nhiên, những thành quả ấy đang bị mai một do nguồn kinh phí duy trì, bảo tồn không được bảo đảm. Nhiều di sản văn hóa, kể cả những di sản đã được UNESCO vinh danh, nếu không được hỗ trợ kinh phí thỏa đáng để bảo vệ kịp thời thì rất khó chống chọi với thời gian.

Chưa kể, chúng ta thiếu các công trình, tác phẩm phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người Việt Nam. TP. Hồ Chí Minh từ ngày giải phóng đến nay đã 44 năm, có hàng nghìn cao ốc mọc lên nhưng không có “nhà hát đáng gọi nhà hát, phim trường đáng gọi phim trường”. Hà Nội cũng không khá hơn là bao, ngoài Nhà hát Lớn được xây dựng từ thời Pháp, mới đây có thêm Nhà hát Hồ Gươm của Bộ Công an đáp ứng các yêu cầu cơ bản để tổ chức chương trình, sự kiện văn hóa lớn… Cơ sở vật chất như thế thì khó đòi hỏi có những tác phẩm chất lượng cao.

Năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhu cầu về những công trình, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh càng cần thiết. Từ bây giờ phải có kế hoạch cụ thể với cơ chế, cách làm phù hợp thì mới có thể có được những công trình, tác phẩm lớn xứng tầm. Bởi xây dựng một công trình văn hóa phải 5 - 7 năm mới hoàn thành; đào tạo một thế hệ văn nghệ sĩ cũng mất 10, thậm chí 20 năm...

Các chuyên gia, văn nghệ sĩ đều cho rằng, nếu không bắt tay làm ngay thì sẽ không kịp; nhuệ khí, lòng yêu nghề cũng sẽ giảm bớt. Và mọi thứ chúng ta nói đến hôm nay sẽ vẫn chỉ là ước mơ!

Văn hóa - Thể thao

Trong bão lũ
Văn hóa - Thể thao

Trong bão lũ

Bài thơ "Trong bão lũ" của tác giả Đặng Quốc Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, là tiếng lòng đầy xót xa trước cảnh thiên tai khắc nghiệt do bão Yagi gây ra. Với ngôn từ sâu sắc, tác giả khắc họa nỗi đau mất mát của người dân và tinh thần đoàn kết, sẻ chia của đồng bào cả nước, tạo nên niềm tin vào sự hồi sinh và vững bền của quê hương Việt Nam.

Miền biên viễn - “nhịp đập trái tim nghệ thuật”
Văn hóa - Thể thao

Miền biên viễn - “nhịp đập trái tim nghệ thuật”

Với họa sĩ Đỗ Đức, miền biên viễn không chỉ là một địa danh, mà còn là “nhịp đập trái tim nghệ thuật”. Dành cả cuộc đời để khám phá và khắc họa vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của dải biên thùy vô cùng yêu quý này, qua tác phẩm của mình, ông đã kể những câu chuyện về núi rừng, về con người và cuộc sống nơi đây.

“Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Văn hóa - Thể thao

“Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy những nghĩa cử cao đẹp thể hiện sâu sắc “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, những ngày qua, nhiều văn nghệ sĩ, bằng các cách làm khác nhau, cùng hướng về đồng bào vùng bão lũ.

T&T Golf thực hiện hóa khát vọng đưa Sân golf Văn Lang Empire T&T Golf Club đạt chuẩn quốc tế qua việc hợp tác cùng Tập đoàn 54
Văn hóa - Thể thao

T&T Golf thực hiện hóa khát vọng đưa Sân golf Văn Lang Empire T&T Golf Club đạt chuẩn quốc tế qua việc hợp tác cùng Tập đoàn 54

Ngày 11.9, tại Hà Nội, Công ty T&T Golf - đơn vị thành viên của Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn 54 đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác tư vấn quản lý vận hành dự án Văn Lang Empire T&T Golf Club - sân golf đẳng cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế “World Class".

Người “tái sinh” những gốc tre già
Văn hóa

Người “tái sinh” những gốc tre già

Với nụ cười thân thiện, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ kể về hành trình làm nghề điêu khắc gốc tre; vừa nói, đôi bàn tay ông thoăn thoắt dùi, đục, như muốn chứng minh rằng từ những gốc tre bị bỏ đi, dưới bàn tay sáng tạo có thể “tái sinh” thành những tác phẩm nghệ thuật giá trị, góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa Việt Nam.