Văn hóa truyền thống sẽ tạo sức sống lâu bền
Theo GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM VĂN HÓA HÀN QUỐC TẠI HÀ NỘI PARK NARK JONG, truyền thống chính là lịch sử, là tinh thần, lòng tự tôn của nhân dân bất kỳ dân tộc nào. Vì vậy, khi giao lưu giữa các quốc gia, đặc biệt dựa trên văn hóa, nếu khai thác các yếu tố truyền thống sẽ giúp cho quan hệ giữa hai quốc gia lâu bền hơn. Tất nhiên, các yếu tố truyền thống phải được vận dụng sáng tạo để tạo ra các sản phẩm văn hóa hấp dẫn, gần gũi với đời sống hiện đại và mang lại giá trị thặng dư cao.
Vận dụng sáng tạo văn hóa truyền thống
- Sau khi Làn sóng Hàn Quốc - Hallyu đã chinh phục thế giới với phim truyền hình và âm nhạc đại chúng, gần đây Hàn Quốc đẩy mạnh quảng bá văn hóa truyền thống (nghệ thuật, nhạc hàn lâm, ballet), được coi là Làn sóng Hàn Quốc thứ 2. Phải chăng Hallyu đã hết thời, hay Hàn Quốc muốn mượn đà của Hallyu để quảng bá văn hóa truyền thống, thưa Ông?
- Không phải các loại hình văn hóa đại chúng như phim truyền hình Hàn Quốc hay K-pop đã hết thời hay mất đi sức nóng của nó, mà Hàn Quốc chuyển sang quảng bá văn hóa truyền thống, nghệ thuật hàn lâm. Đây là một bước Chính phủ Hàn Quốc đã chuẩn bị từ trước. Hàn Quốc có sẵn những tài nguyên phong phú về văn hóa truyền thống với 3 đặc điểm: gần gũi với văn hóa hiện đại (không hoàn toàn là văn hóa truyền thống mà đã được sáng tạo để gần gũi với hiện đại), mang giá trị thặng dư cao, đặc biệt là mang tính sáng tạo để phù hợp với thời đại toàn cầu hóa. Đây là một bước chuyển tự nhiên. Có thể theo dòng của Hallyu, nó sẽ được giới thiệu ra thế giới một cách rộng rãi.
Ngoài ra, nếu nhìn vào lịch sử, Hàn Quốc cũng chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa như Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, sức ảnh hưởng của các yếu tố ngoại lai này dần bị giảm sút. Chúng tôi cũng nhận thấy, K-pop hay phim truyền hình không thể bảo đảm trường tồn trong thời đại hiện nay. Mặc dù không phải sự thay thế, nhưng Chính phủ Hàn Quốc thấy đây là thời điểm thích hợp để giao lưu những yếu tố văn hóa đa dạng hơn dựa trên văn hóa truyền thống hay nghệ thuật cổ điển.
- Ý Ông là văn hóa truyền thống sẽ có sức sống lâu bền hơn?
- Truyền thống chính là lịch sử, là tinh thần, lòng tự tôn của nhân dân bất kỳ dân tộc nào. Vì vậy, khi chúng ta giao lưu giữa các quốc gia, đặc biệt dựa trên văn hóa, thì những yếu tố truyền thống nếu được khai thác sẽ giúp cho quan hệ giữa hai quốc gia lâu bền hơn, bởi khi đó giao lưu văn hóa dựa trên đồng cảm của nhân dân. Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về văn hóa truyền thống, như cả hai nước đều có tư tưởng nền tảng là Nho giáo và Phật giáo, chính những tư tưởng này đã sản sinh ra nền văn hóa của hai nước.
- Hallyu chuyên về nhạc pop và phim truyền hình, Làn sóng Hàn Quốc thứ 2 sẽ tập trung vào các lĩnh vực nào?
![]() |
- Việc sáng tạo dựa trên văn hóa truyền thống không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ, nhất là từ những người có quan điểm bảo thủ về bảo tồn di sản, thưa Ông?
- Lịch sử phát triển văn hóa truyền thống Hàn Quốc là một quá trình ngắn nhưng thú vị. Từ những thập niên 1960 - 1980, chúng tôi vẫn theo quan điểm phải bảo tồn nguyên trạng văn hóa truyền thống. Lúc đó Ủy ban Bảo tồn di sản văn hóa Hàn Quốc được thành lập. Đúng với tên gọi của nó, Ủy ban này chỉ làm nhiệm vụ bảo tồn, đề ra tư tưởng không được đụng chạm vào các di sản văn hóa. Tuy nhiên, thập niên 1980 - 1990 xuất hiện làn sóng mới: kế thừa văn hóa truyền thống một cách sáng tạo, ủng hộ những người biết vận dụng văn hóa truyền thống để sáng tạo ra các sản phẩm hoặc áp dụng trong những lĩnh vực khác. Trên các cơ quan ngôn luận liên tục có các cuộc tranh luận liên quan đến xu hướng này. Đúng lúc đó, thế giới cũng có xu hướng áp dụng các yếu tố văn hóa truyền thống, đưa vào khai thác làm tài nguyên du lịch hay đưa vào công nghiệp sáng tạo. Trường phái vận dụng sáng tạo các yếu tố văn hóa truyền thống lên ngôi. Viện Phát triển nghệ thuật truyền thống ra đời, với phần lớn thành viên đến từ Quỹ Bảo vệ di sản văn hóa Hàn Quốc, nghĩa là chính những người từng đấu tranh để bảo vệ di sản văn hóa Hàn Quốc giờ lại là thành viên tổ chức kế thừa và phát triển văn hóa truyền thống một cách sáng tạo để cho ra đời các sản phẩm văn hóa.
Đồng hành và tương sinh
- Mỗi loại hình nghệ thuật sẽ có cách thức quảng bá khác nhau. Với văn hóa truyền thống và hàn lâm, chiến lược quảng bá của Hàn Quốc sẽ như thế nào?
- Muốn quảng bá hiệu quả, trước hết phải tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu của dân ở đất nước bản địa. Cung - cầu thích hợp thì việc cung cấp sản phẩm mới thành công và lâu dài. Hallyu tập trung vào phim truyền hình và K-pop bởi dân các nước thích xem các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh như thế, trong khi Hàn Quốc luôn có sẵn những sản phẩm như vậy, nên khi cung - cầu gặp nhau đã tạo ra sức hút mạnh mẽ, đem lại thành công lớn cho Hallyu. Tuy nhiên, đối với các lĩnh vực như mỹ thuật hay văn hóa mang tính cổ truyền, cổ điển thì có thể Hàn Quốc vẫn có sẵn nhưng nhu cầu của người bản địa chưa chắc đã có. Vì vậy, chúng tôi không hy vọng sẽ có sự bùng nổ ngay lập tức hay nhanh chóng như âm nhạc, truyền hình, mà phải tiếp cận dần dần, từng bước một.
- Đối tượng Làn sóng Hàn Quốc thứ 2 hướng tới là ai?
![]() Giọng nữ cao Hàn Quốc Sumi Jo biểu diễn tại Hà Nội |
- Ông dự đoán mất bao bao lâu thì Làn sóng Hàn Quốc thứ 2 sẽ tạo được phạm vi ảnh hưởng như Hallyu?
- Thực ra, Hallyu đang trong thời kỳ chín muồi và vẫn duy trì được sức nóng ở mức độ nhất định. Nhưng đây là thời kỳ chúng tôi xác định có thể giao lưu văn hóa ở mức độ đa dạng hơn, chất lượng sâu sắc hơn. Khái niệm Hallyu chúng tôi hướng đến không phải để thúc đẩy văn hóa Hàn Quốc càng ngày càng tiến xa hơn trên thế giới, mà dựa trên sức ảnh hưởng của nó cũng như các giá trị văn hóa của đất nước chúng tôi để duy trì quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước, không chỉ là bạn đồng hành mà còn có quan hệ tương sinh, tức là hai bên hỗ trợ lẫn nhau và hợp tác với nhau.
- Công chúng thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng sẽ được hưởng lợi gì từ Làn sóng Hàn Quốc thứ 2?
- Tôi luôn mong muốn nền công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển càng nhanh càng tốt. Việt Nam có các di sản văn hóa còn phong phú hơn Hàn Quốc, không chỉ là di sản vật thể mà cả di sản phi vật thể, đặc biệt là các giai thoại, điển tích. Đây chính là kho tàng tư liệu quý để có thể phát triển thành những sản phẩm văn hóa hoặc nội dung văn hóa mới. Xu hướng hiện nay của thế giới là phát triển kinh tế dựa trên văn hóa. Giới thiệu các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc ở Việt Nam, chúng tôi hy vọng người Việt Nam cũng nhận thức được xu hướng chung của thế giới hiện nay và công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ phát triển đủ mạnh để trở thành nền tảng phát triển kinh tế đất nước. Chúng tôi không đơn thuần chỉ mang sang Việt Nam các sản phẩm mà đi kèm là kỹ thuật, đội ngũ nhân lực hỗ trợ. Hiện nay Việt Nam cũng hợp tác với Hàn Quốc trong lĩnh vực du lịch, công nghiệp văn hóa. Chúng tôi luôn quan tâm và tìm cách để hỗ trợ Việt Nam một cách tốt nhất.
- Xin cám ơn Ông!