Văn hóa trong đàm phán thương mại
Hội nhập tạo ra động lực và cơ hội để xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc nhưng nó cũng là thách thức to lớn trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống trước tác động phức tạp của toàn cầu hóa. Trong đàm phán thương mại hiện nay, cam kết đối với sản phẩm và dịch vụ văn hóa ít được chú ý, thông thường hay bị bỏ quên, do đó dễ phương hại đến bản sắc dân tộc mỗi nước.
Cần phải đưa văn hóa như một yếu tố có tính chiến lược vào các chính sách phát triển quốc gia và quốc tế cũng như trong sự hợp tác quốc tế. Các quốc gia có quyền thực hiện những biện pháp để bảo vệ sự đa dạng văn hóa của mình, đặc biệt trong trường hợp các biểu đạt văn hóa bị đe dọa hoặc có nguy cơ biến mất hay hư hại nghiêm trọng. Những hoạt động, sản phẩm và dịch vụ văn hóa có bản chất kinh tế lẫn văn hóa vì vậy không được xem như chỉ có giá trị về mặt thương mại.” (Trích Công ước Bảo vệ và Phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa hay còn gọi là Công ước về Đa dạng văn hóa của UNESCO) |
Các sản phẩm, dịch vụ văn hóa vẫn bị xem nhẹ
Tại hội thảo khu vực về Tầm quan trọng của sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong đàm phán thương mại quốc tế đối với các nước Châu Á diễn ra đầu tháng 4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh cho rằng, mở cửa thị trường là điều kiện tốt để phát triển thương mại, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc giữ gìn, bảo tồn tính đa dạng văn hóa, bản sắc dân tộc của mỗi nước. Các lĩnh vực như: vô tuyến, truyền thông, điện thoại, điện tín, mua bán hàng hóa hữu hình... đang được chú ý nhiều, nhưng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa như: tác phẩm nghệ thuật, ấn phẩm, chương trình truyền hình, phát thanh và nhiều sản phẩm văn hóa khác vẫn bị coi nhẹ. Sự có mặt ngày càng nhiều của khách du lịch nước ngoài làm cho kinh tế cũng như văn hóa phát triển, nhưng ngược lại, các tác phẩm hội họa, âm nhạc, công trình văn hóa, di sản văn hóa lại ít được chú ý bảo vệ, dẫn đến tình trạng bị xâm hại khá nhiều.
Nếu như đàm phán thương mại đa phương, đặc biệt là đàm phán gia nhập WTO, đem lại cơ hội cho thương mại và phát triển, thì những khó khăn và thách thức trong quá trình bảo vệ hiệu quả nền văn hóa và giữ gìn được bản sắc dân tộc cũng không ít. Việt Nam có một khối lượng tài sản văn hóa lớn, trong đó một số di sản đã được UNESCO công nhận, nhưng lại chưa được “thương mại hóa” trên thị trường thế giới. Sự mất cân đối đó thực sự đã ảnh hưởng đến lợi ích về kinh tế và văn hóa của chúng ta.
Văn hóa dần trở thành tiêu chí quan trọng
Ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đang dần hình thành, bao gồm việc sản xuất, phân phối, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ văn hóa để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa trong nước và từng bước vươn ra thị trường thế giới. Với việc các dịch vụ văn hóa, nhất là dịch vụ giải trí chắc chắn sẽ phát triển sôi động hơn trong thời gian tới, văn hóa dần trở thành tiêu chí quan trọng để xác định trình độ phát triển của đất nước. Theo Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Phó trưởng Ban Hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ VH-TT Nguyễn Hồng Sơn, Việt Nam cần giữ chủ quyền và tính độc lập của văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc các nét đặc sắc của văn hóa thế giới, chống lại ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài, nhất là sự xâm nhập của nhiều loại hình văn hóa không phù hợp với thẩm mỹ, đạo đức, truyền thống của người Việt Nam cũng như nguy cơ xây dựng bá quyền văn hóa trên thị trường của một số nước phương Tây. Bàn về những giải pháp cho vấn đề này, Thứ trưởng Trần Đức Minh cho biết có 3 mục tiêu lớn là: Làm rõ vai trò và tầm quan trọng của dịch vụ cũng như sản phẩm văn hóa đối với sự phát triển; Giới thiệu những cơ chế, nguyên tắc đàm phán của WTO, đặc biệt là trong đàm phán dịch vụ, nhất là những công cụ pháp lý nhằm đảm bảo tính đa dạng và bản sắc văn hóa; Giới thiệu bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú của các nước. Chúng ta không những phải tăng cường các hoạt động văn hóa trong nước mà còn phải vươn mạnh ra nước ngoài, để đóng góp nhiều hơn về mặt kinh tế. Cụ thể như, bên cạnh việc chú trọng bảo vệ bản quyền, các tác phẩm văn học, văn hóa, nghệ thuật, tranh ảnh, vô tuyến, đài phát thanh, truyền hình… cần phải được đầu tư nhiều hơn để có thể xuất khẩu.
Ông Hubert Olie - Tùy viên Văn hóa, Đại sứ quán Pháp, Giám đốc Trung tâm văn hóa Pháp- L’Espace cho rằng, tất cả các nước trên thế giới đều cùng gặp khó khăn như nhau trong việc bảo vệ các sản phẩm văn hóa dịch vụ của mình trong bối cảnh toàn cầu hóa. Một số nước có những biện pháp mạnh như Pháp và Canada đã thông qua một số luật để bảo vệ các sản phẩm văn hóa của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực nghe nhìn. Trong luật về các sản phẩm nghe nhìn của Pháp quy định cụ thể thời lượng phát sóng phim của Pháp tại các rạp và trên truyền hình. Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu cũng áp dụng những luật tương tự.
Nguyễn Minh Hồng