Văn hóa Tây Nguyên là văn hóa rừng và làng
Mặc dù sống ở Hà Nội, nhưng với Tây Nguyên là duyên, là nợ, nên năm nào NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC cũng khăn gói vào với vùng đất này trên dưới 10 lần. Tây Nguyên không chỉ gắn bó với ông trong quá khứ, hiện tại mà cả cuộc đời... Ông đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện ngắn về văn hóa Tây Nguyên.
|
- Thưa ông, văn hóa Tây Nguyên từ thời ông viết tiểu thuyết Đất nước đứng lên về anh hùng Núp và văn hóa Tây Nguyên hiện nay có gì thay đổi?
- Văn hoá Tây Nguyên là văn hoá rừng và văn hoá làng. Con người Tây Nguyên là một bộ phận khăng khít của làng. Câu đầu tiên khi giới thiệu về mình, anh hùng Núp nói rằng: Tôi là người làng Xêtơm. Khi hỏi tên anh là gì thì Núp trả lời: Tôi là Núp ở làng Xêtơm. Có thể nói các chuyên gia của UNESCO rất giỏi khi chỉ công nhận không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên (chứ không phải âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên) là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tức là không gian làng và không gian rừng. Về cơ bản, văn hóa Tây Nguyên đã bị mai một bởi rừng đang ngày một ít đi; làng có nhiều thay đổi, bởi sự ảnh hưởng của các luồng văn hoá, sự thay đổi về đời sống kinh tế, xã hội. Văn hóa Tây Nguyên thay đổi là kết quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Văn hoá làng ở Tây Nguyên phải đi vào những vùng rất sâu, rất xa mới tìm thấy dấu vết của nó. Mới nhìn thì các làng Tây Nguyên đều có vẻ giống nhau, song khi đi sâu tìm hiểu thì mới biết mỗi dân tộc tùy theo tính cách của mình mà lập làng theo kiểu riêng.

- Trước sự mai một của văn hóa Tây Nguyên, đã có nhiều dự án bảo tồn, như Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã thực hiện xong dự án sưu tầm, lưu giữ sử thi Tây Nguyên; Nhiều festival cồng chiêng Tây Nguyên đã được tổ chức. Ý kiến của Ông thế nào về vấn đề này?
- Vấn đề văn hoá Tây Nguyên là vấn đề lớn. Việc lưu giữ sử thi Tây Nguyên là sự bảo tồn quan trọng, tuy nhiên theo tôi quan trọng nhất bảo tồn sử thi Tây Nguyên là bảo tồn trong đời sống, trong không gian của nó là làng, rừng. Do đó, ngoài việc sưu tầm, lưu giữ, thì phải truyền cho lớp trẻ hát được sử thi.
Cồng chiêng Tây Nguyên có vai trò rất quan trọng trong đời sống của người dân Tây Nguyên. Làng ở trong rừng, vì vậy, cồng chiêng là phương tiện trò chuyện, là ngôn ngữ giao tiếp của các làng với nhau. Có chuyện buồn, chuyện vui, báo động, có tang, đau ốm... đều gõ cồng, gõ chiêng báo. Cồng chiêng còn là phương tiện giao tiếp với thần linh.
Cũng phải nói rằng, không phải lúc nào cũng có thể mang cồng chiêng ra đánh. Phong tục quy định, chỉ đánh chiêng trong những ngày lễ, hội cổ truyền với vị trí là một trong những thành phần của nghi thức hành lễ. Vì vậy, có chuyện một đoàn làm phim vào làng mượn mấy cô gái xách mấy cái chiêng của làng ra đánh để quay phim, chụp ảnh nhưng người già trong làng không cho.
Người Ba Na quy định rất rõ ràng, chỉ được đánh cồng, gõ chiêng trong các dịp lễ: Một là Lễ đâm trâu mừng chiến thắng - ây là hình thức hiến tế khá cổ xưa. Lễ này diễn ra trong không khí sôi động, hào hứng của cả cộng đồng. Bài chiêng Tơđrăng kết hợp với hai điệu múa Khiêl và Loong deh làm thành một tổng thể nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình tượng thượng võ, biểu dương tinh thần dũng cảm, ý chí chiến đấu, sự thông minh và khả năng võ nghệ của các chàng trai Ba Na. Hai là Lễ đâm trâu tạ thần cầu an, gọi là Tơ nơl. Nếu có điều gì xảy ra với dân làng như dịch bệnh, mất mùa, cháy làng, bị xâm lược... bà con đều cầu cứu thần linh. Và khi tai qua nạn khỏi thì làm lễ cúng cảm ơn, trả ơn thần linh. Con trâu chính là vật tế tượng trưng và cồng chiêng thì đầy âm sắc vui tươi. Ba là lễ Sa mơk, tức lễ ăn mừng lúa mới. đây là lễ có thể tổ chức ở từng gia đình, nhưng thường thì tổ chức cả làng vào một ngày, rất vui. ây là ngày tạ ơn nữ thần lúa có tên là Yàng Sơri. Và cuối cùng là lễ A Tâu (tang ma). Lễ tang chỉ được khởi hành khi điệu chiêng Atâu cất lên cùng với tốp múa đưa người chết ra nhà mồ. Nhạc chiêng Atâu nặng nề, ảm đạm, buồn bã như một bài hát buồn lắng đọng ngân vang trong đêm, xoáy vào trái tim người sống...

- Năm 2007, Bảo tàng Dân tộc học đã tổ chức trưng bày:“Chúng tôi ăn rừng” – trưng bày bộ sưu tập hiện vật, ảnh và tư liệu ghi chép điền dã của nhà dân tộc học người Pháp George Condominas, trong một thời gian khá dài. Có thể thấy, nhiều phong tục mà Condominas sưu tập được hiện không còn nữa?
- Vì cùng nghiên cứu về Tây Nguyên nên từ lâu, tôi và GS Condominas là bạn bè. Phải nói rằng, đây là bộ sưu tập quý về văn hoá Tây Nguyên.
Tây Nguyên có nhiều nghi lễ và phong tục đặc trưng. Một nghi lễ quan trọng, không thể không nói đến, đó là Lễ bỏ mả. Theo quan niệm của các dân tộc Tây Nguyên: Con người là một bộ phận nhỏ của tự nhiên, cái cây có hồn, con người có hồn, con người và cây cỏ bình đẳng với nhau. Con người sinh ra từ rừng, chết rồi, mấy năm sau làm lễ bỏ mả, người thân đưa tiễn lần cuối không chăm sóc nữa, trả người của rừng lại với rừng. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, người dân Tây Nguyên có một số phong tục tập quán khá lạc hậu, như tục chôn người chết ở một số vùng tại Gia Lai... Người chết chôn xuống đất rồi lại đào lên để chôn chồng người chết mới lên. Hiện nay, các hủ tục này đã bị xoá bỏ và theo tôi xoá bỏ là đúng.
- Xin cám ơn Ông.
Gia Hân thực hiện