Văn hóa Óc Eo - hội đủ tiêu chí của Di sản thế giới
Sau gần 4 năm thực hiện Đề án "Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)”, các nhà khoa học đã có thêm nhiều minh chứng khoa học về nền văn hóa Óc Eo, một trong 3 nền văn hóa cổ đại trên đất nước Việt Nam, gồm Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Óc Eo ở Nam Bộ.
Dấu ấn đô thị cổ
"Đô thị cổ Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa có vị trí trung tâm trên vùng đất Nam Bộ, trong đó vùng cảng thị hướng về phía biển Tây Nam. Đây là một đô thị độc đáo được xây dựng trên vùng đồng bằng màu mỡ ven biển và là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của vương quốc Phù Nam, có tầm nhìn hướng biển và mở rộng giao lưu với thế giới bên ngoài, nhờ đó nó tạo nên bước phát triển vượt ra khỏi giới hạn không gian, đưa vùng đất đầm lầy này trở thành một đô thị sầm uất và nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ sau Công nguyên. Khu di tích này hội tụ đầy đủ các tiêu chí của UNESCO về Di sản thế giới".
Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành Bùi Minh Trí
Dấu mốc quan trọng đánh dấu lịch sử phát hiện nền văn hóa Óc Eo là cuộc khai quật tại cánh đồng Óc Eo (huyện Thoại Sơn, An Giang) do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret thực hiện năm 1944. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam bộ)” (Đề án Óc Eo), với sự tham gia của 3 đơn vị: Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ.
Tại lễ công bố kết quả thực hiện Đề án Óc Eo sáng 25.3, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, sau gần 4 năm thực hiện, từ 2017 - 2020, kết quả khai quật khảo cổ học tại Óc Eo - Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang) đã phát hiện được nhiều loại hình di tích quan trọng, trong đó có minh chứng rõ ràng và thuyết phục về đặc điểm, tính chất của “đô thị cổ” trên cánh đồng Óc Eo, vốn là nơi tụ cư ven kênh rạch với sinh kế nông nghiệp và thương nghiệp nổi trội, có mối giao lưu văn hóa, thương mại hàng hải phát triển, liên kết nhiều khu vực trên thế giới thời bấy giờ.
Rõ thấy nhất là những phát hiện về các loại hình di vật nước ngoài tại các di tích trên cánh đồng Óc Eo như gương đồng Đông Hán, các vật phẩm trang sức cao cấp từ đế chế La Mã. Đặc biệt, cùng với đồ gốm Óc Eo, tại Nền Chùa đã tìm được 1.407 đồ gốm nước ngoài. Theo nghiên cứu của chuyên gia gốm cổ Việt Nam, PGS.TS. Bùi Minh Trí, những đồ gốm này gồm đồ gốm La Mã, đồ gốm Trung Quốc, đồ gốm Ấn Độ và đồ gốm Tây Á, có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ VIII.
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, TS. Phạm Quốc Quân thông tin, trong phạm vi đô thị cổ Óc Eo, mặc dù đã bị phá hủy rất nhiều nhưng kết quả khai quật tại 4 địa điểm Gò Giồng Cát, Gò Giồng Trôm, Gò Óc Eo, Lung Lớn trong tổng diện tích 5.816m² đã thu được nhiều tư liệu mới. Tại đây đã tìm thấy 2.376.466 hiện vật khảo cổ, xác nhận rõ ràng và đầy đủ về tính chất, niên đại của khu vực này trong phức hợp của đô thị cổ Óc Eo. Đây từng là khu vực cư trú sầm uất trên các điểm gò cao và ven dòng kênh cổ của đô thị Óc Eo đương thời, trong khoảng thời gian từ thế kỷ II - V.
Từ phát hiện và nghiên cứu này, các nhà khoa học khẳng định, Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa được xem như là một phức hợp đô thị cổ có vai trò quan trọng trong việc hình thành vương quốc Phù Nam - quốc gia cổ đại từng phát triển rực rỡ, ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ đến các quốc gia Đông Nam Á, tồn tại từ đầu Công nguyên đến thế kỷ VII.

Trung tâm tôn giáo, kinh tế, văn hóa quy mô lớn
Nhận xét những điểm mới của Đề án, PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, cho hay, tại chân núi Ba Thê, kết quả tái điều tra và khai quật mới tại 4 địa điểm chùa Linh Sơn, Linh Sơn Bắc, Gò Sáu Thuận và Gò Út Trạnh trong tổng diện tích khai quật 10.185m² đã phát lộ một quần thể kiến trúc tôn giáo được quy hoạch xây dựng có quy mô lớn và rất kiên cố gồm hệ thống đền thờ, cổng, tường bao, con đường hành lễ, giếng nước thiêng… nhằm phục vụ cho các hoạt động nghi lễ tôn giáo của đô thị Óc Eo, có niên đại từ khoảng từ thế kỷ I đến thế kỷ XII. Trong đó, khu vực Linh Sơn và Gò Sáu Thuận được xem là vùng lõi của trung tâm tôn giáo quan trọng này.
Các phát hiện và nghiên cứu mới tại Đề án góp phần nhận diện rõ nét đời sống vật chất, tinh thần, tính chất của các di tích kiến trúc, vai trò của dòng kênh cổ Lung Lớn, các hình thái cư trú và quan hệ văn hóa của cư dân Óc Eo qua hệ thống thương mại hàng hải thời bấy giờ. “Đề án đưa ra nhận định, khu di tích Óc Eo - Ba Thê là một trung tâm đô thị, trung tâm kinh tế, trung tâm văn hóa, trung tâm tôn giáo lớn và quan trọng nhất của vương quốc Phù Nam. Đây là nhận định có sức thuyết phục cao, phản ánh giá trị di sản Văn hóa Óc Eo, minh chứng An Giang là trung tâm đô thị, trung tâm kinh tế, văn hóa của vương quốc Phù Nam trong lịch sử”, PGS.TS. Bùi Văn Liêm nhấn mạnh.
Xem xét kết quả nghiên cứu ở Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa, cùng nhiều di tích thuộc nền văn hóa Óc Eo ở 13 tỉnh, thành phố Nam bộ tại Đề án, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, GS.TS. Nguyễn Văn Kim cũng cho rằng, ở đây có cả 4 dạng thức hiện vật: Những vật phẩm có nguồn gốc từ Ấn Độ, được đem trực tiếp từ Ấn Độ tới; những vật phẩm mang phong cách Ấn Độ nhưng được sản xuất tại Óc Eo; những vật phẩm chịu ảnh hưởng Ấn Độ nhưng đã có sự hòa trộn với truyền thống địa phương; những vật phẩm được sản xuất tại địa phương, thể hiện rõ dấu ấn bản địa. Nếu phân loại theo chất liệu hiện vật, kiểu dáng, chức năng, kỹ thuật sản xuất... có thể chia các hiện vật tìm được trong văn hóa Óc Eo theo nhiều tiêu chí khác nhau.
Qua đó, theo GS.TS. Nguyễn Văn Kim, ảnh hưởng của kinh tế, công nghệ và văn hóa Ấn Độ đến Óc Eo - Phù Nam là rất sâu sắc và đa dạng. “Với độ trù mật cao của các hạt chuỗi thủy tinh Indo-pacific tìm thấy ở đây có thể đưa ra giả thuyết về sự hình thành của một địa danh tập kết đồ trang sức được chế tác tại Gò Óc Eo (giữ vai trò như một công xưởng) trong quá trình tập trung nguồn hàng, nguyên liệu, chuyển giao và buôn bán với thị trường quốc tế”...