Văn hóa dân tộc trong tùy bút của Tràng Thiên

Thanh Yến 20/10/2013 08:35

Tùy bút và tạp văn chỉ là một mảng nhỏ trong sáng tác phong phú của Tràng Thiên nhưng lại là phần tinh túy nhất trong văn nghiệp của ông, thể hiện tình yêu thiết tha với những giá trị văn hóa dân tộc. Đây là nhận định của Pgs, Ts Nguyễn Thị Bình tại tọa đàm Quê hương tôi: Trao đổi về tùy bút, tạp văn của Tràng Thiên vừa diễn ra ở Hà Nội.

Tràng Thiên tên thật là Đoàn Thế Nhơn, sinh ngày 20.10.1925 tại Phù Mỹ, Bình Định - một tác giả nổi tiếng tại miền Nam những năm 1954 - 1975. Ngoài bút danh Tràng Thiên thường được sử dụng cho các tác phẩm dịch, tạp bút, ông còn nhiều bút danh khác như: Hoài Vũ, Võ Phiến, Thu Thủy... Ông từng đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc của Miền Nam vào năm 1960 với tác phẩm Mưa đêm cuối năm. Với sở trường viết đa dạng, ông là tác giả của 4 tiểu thuyết, nhiều tập truyện ngắn, 9 tập tùy bút, một tập thơ và hàng chục tác phẩm phê bình tiểu luận, trong đó quen thuộc và có sức sống lâu bền nhất là tùy bút và tạp văn.

Theo Pgs, Ts Nguyễn Thị Bình, Trưởng bộ môn Văn học hiện đại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, việc sưu tầm và nghiên cứu những giá trị của văn học vùng đô thị và vùng tạm chiến miền Nam là việc làm cần thiết để chúng ta có thể khôi phục diện mạo khách quan của lịch sử văn học Việt Nam, trong đó, Tràng Thiên là một gương mặt quan trọng. Tập tùy bút Quê hương tôi và tản văn của ông là bức tranh rộng lớn nhiều màu sắc, phác họa tinh tế và chân thực bản sắc văn hóa Việt Nam, tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước được tác giả thể hiện qua những khảo cứu công phu về áo dài, món ăn, ngôn ngữ các địa phương hay những sản vật thiên nhiên. Đằng sau những nhận xét ngắn gọn về mỗi chủ đề, người đọc có thể dễ dàng nhận ra sự công phu, nghiêm túc và vốn văn hóa sâu rộng của ông, cho dù là những thứ bình dị ngàn đời: giọt nước mắm, tấm bánh tráng, hạt bọt trà, ấm chè vối hay thơ lục bát. Tràng Thiên không ngừng tìm tòi những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong từng nếp sống, từng giọng nói, từng thói quen sinh hoạt để vẽ nên một bức tranh văn hóa giàu màu sắc, mang đậm bản sắc của người Việt. Có thể thấy, đi tìm một nhà văn Tràng Thiên ta bắt gặp một nhà tùy bút, còn đi tìm tùy bút của ông chúng ta lại gặp một nhà khảo cứu văn hóa dân tộc.

Tùy bút của Tràng Thiên từng được Nguyễn Hiến Lê đánh giá là “sâu sắc như Nguyễn Tuân mà tự nhiên hơn, dí dỏm hơn, đề tài phong phú đa dạng hơn”. Sự đa dạng đó thể hiện ở những trăn trở về nghề văn hay những phát hiện thú vị của ông về ngôn ngữ dân tộc. Tác giả có một tình yêu đặc biệt với tiếng Việt, ông dành rất nhiều tâm huyết để khảo cứu về ngôn ngữ thơ ca, về tiếng địa phương...

Theo nhà văn Nguyên Ngọc, nghiên cứu văn học miền Nam trước 1975 không thể bỏ qua các tác phẩm của Tràng Thiên. Tùy bút và tản văn của Tràng Thiên thể hiện những quan sát tỉ mỉ, sâu sắc đến từng chi tiết nhỏ nhặt của đời sống, là tình yêu cuộc đời, tình yêu đất nước xuất phát từ những điều bình dị nhất. Quê hương tôi mang đến cho người đọc chân dung một tác giả, một người từng trải qua rất nhiều biến cố trong cuộc đời. Tùy bút của ông làm người đọc càng thêm yêu, thêm quý, thêm trân trọng quê hương, đất nước, con người, những gì gắn bó nhất, thân thuộc nhất.

 Văn phong của Tràng Thiên dí dỏm, tinh tế, thể hiện vốn tri thức uyên bác, những lập luận đầy sắc sảo, bất ngờ. Pgs, Ts Nguyễn Thị Bình nhận xét: so với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Tuân hay Vũ Bằng, tùy bút của Tràng Thiên không nổi bật ở vẻ tài hoa, sự trau chuốt câu chữ nhưng lại giàu chất đời thường, đầy tính khẩu ngữ và giàu tính đối thoại. Đây là một giá trị rất đáng ghi nhận của tác giả đối với thể loại tùy bút và tạp văn. Đồng quan điểm, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định: văn phong của Tràng Thiên không có sự tỉa tót mà giàu tính bình dân, gần gũi với đời sống. Nếu như Nguyễn Tuân viết về trà đạo rất tao nhã, cao sang thì Tràng Thiên lại viết về cách om chè, pha chè của người miền Trung rất mộc mạc, dân dã, đậm đà tính dân tộc.

Như vậy, chỉ riêng với tập tùy bút Quê hương tôi, dấu ấn của Tràng Thiên trong lịch sử văn học đã hiện ra rõ nét. Bức tranh văn hóa dân tộc Việt Nam được ông thể hiện một cách tinh tế, giản dị pha lẫn chút hài hước, châm biếm nhẹ nhàng. Nó thể hiện tình yêu, sự say mê của tác giả đối với văn hóa dân tộc và cao hơn nữa là với quê hương đất nước. Ghi nhận những đóng góp của Tràng Thiên trong thể loại ký và tiểu luận là điều nên làm, bởi “một tác phẩm viết bằng tiếng Việt dù của bất cứ ai, viết bất cứ ở đâu, vào bất cứ thời gian nào, miễn là nó hay và có giá trị, thì đều là tài sản chung của dân tộc Việt Nam” (Nguyên Ngọc).

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Văn hóa dân tộc trong tùy bút của Tràng Thiên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO