Văn hóa còn thì dân tộc còn…!

- Thứ Bảy, 27/11/2021, 06:16 - Chia sẻ
Đây là một trong những nội dung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ngay trong phần mở đầu bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24.11 vừa qua.
Các đại biểu dự hội nghị Hội nghị Văn hóa toàn quốc 
Ảnh: Lâm Hiển

Chia sẻ với những gửi gắm mang tính đúc kết sâu sắc của người đứng đầu Đảng ta về hội nghị mà tầm vóc “75 năm (từ ngày 24.11.1946) mới lại có Hội nghị toàn quốc về văn hóa với quy mô lớn thế này”, tại Hội nghị tiếp xúc giữa Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, với cử tri sáng qua, cử tri Đặng Tài Tính (quận Ba Đình) chia sẻ, “hội nghị thành công là một trong những “phúc lớn” của Dân tộc. Đây là vấn đề rất nóng hổi mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói đến và điều này một lần nữa được thể hiện rất rõ ngay trong bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Bộ Chính trị, Ban Bí thư chủ trì tổ chức vừa qua”.

Vấn đề văn hóa luôn được Đảng ta chú trọng và quan tâm. Như khẳng định của Người đứng đầu Đảng ta tại hội nghị, đó là “từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Và, văn hóa, nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là "soi đường cho quốc dân đi".

Đặc biệt, theo Tổng Bí thư, thì “nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn. Đây là tiền đề rất cơ bản để chúng ta quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện trong thực tế”.

Và, đến Đại hội XIII của Đảng, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện. “Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Văn kiện Đại hội đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất", Tổng Bí thư khẳng định.

Vị trí, vai trò quan trọng là vậy, nhưng thực tế, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Tổng Bí thư chỉ rõ, cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Một trong những hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc đi nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí.

Thực tế, văn hóa, theo Tổng Bí thư, “hình như chỉ ca múa nhạc, nhảy, hát… - đi xem cho giải trí, chứ không coi đây là kênh để giáo dục con người, để nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống thông qua kênh văn hóa, văn học - nghệ thuật này; chỉ là giải trí cho vui nên hình như rỗi thì xem không thì thôi. Vậy thì liên quan đến sáng tác thế nào để giáo dục được chứ không phải sáng tác chạy theo mốt, bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không chọn lọc, để vui chơi giải trí…”.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà những trăn trở, lo lắng, gửi gắm của người đứng đầu Đảng ta về vấn đề văn hóa cũng như Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này lại nhận được sự chia sẻ, đón nhận của không chỉ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học, mà còn là theo dõi, ủng hộ, hồ hởi đón chờ của cử tri và Nhân dân cả nước.  

Vì rằng, văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn… Nhấn mạnh lại điều này tại Hội nghị tiếp xúc cử tri sáng qua, Tổng Bí thư khẳng định: “Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng. Dân tộc Việt Nam ta đã trải qua hơn 4.000 năm lịch sử; “4.000 năm ta lại là ta”, phải giữ cho được truyền thống văn hóa 4.000 năm”.

Những quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển văn hóa được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, thể hiện sinh động qua “6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp” trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc cùng những chia sẻ lay động và mối quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Đảng ta về vấn đề văn hóa, chắc chắn sẽ là tiền đề và cơ sở rất quan trọng để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực được ví như tấm “căn cước” của mỗi dân tộc này.

Anh Phương