Văn hóa, con người - nhân tố bảo đảm sự phát triển bền vững

- Thứ Năm, 25/11/2021, 06:34 - Chia sẻ

GS.TSKH. Vũ Minh Giang

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội

	GS.TSKH Vũ Minh Giang phát biểu tham luận tại Hội nghị Ảnh: Nguyễn Hoàng
GS.TSKH Vũ Minh Giang phát biểu tham luận tại Hội nghị
Ảnh: Nguyễn Hoàng

Văn hóa là “căn cước” của một dân tộc, về đại thể, bao gồm hai hợp phần: nội sinh và tiếp biến từ bên ngoài. Phần nội sinh của văn hóa thực chất là những sáng tạo của con người trong quá trình tương tác với điều kiện tự nhiên trong quá trình lao động sản xuất, phù hợp với môi trường sinh thái và đã tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống.

Văn hóa truyền thống của đất nước ta thường được định danh là kinh tế nông nghiệp, cư dân nông dân, xã hội nông thôn, nhưng theo thời gian đã phát triển và biến đổi. Cùng với đó, môi trường sông nước đã tạo nên một nền văn hóa sông nước với những cư dân sống trên đó có phong cách rất linh hoạt, ứng phó giỏi với mọi tình thế. Bên cạnh những thuận lợi, thiên nhiên Việt Nam đặt ra cho con người muôn vàn những thách thức hiểm nghèo, như lũ lụt, bão tố, dịch bệnh. Chính trong cuộc đấu tranh vật lộn với thiên nhiên đã tạo nên truyền thống không chùn bước trước khó khăn và biết cố kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh để vượt qua mọi thử thách.

Thêm nữa, với vị trí địa lý nằm ở nơi giao tiếp có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng, Việt Nam luôn bị “xô đập” bởi các biến cố ở khu vực và trên thế giới. Tính cách giỏi thích ứng, nhạy cảm của người Việt phần nhiều được hình thành do tác động của những yếu tố này. Dù vậy, vị trí địa lý của sự giao lưu cũng tạo nên bản sắc của văn hóa Việt Nam, biến thành một quốc gia đa dân tộc, phong phú về văn hóa, trong đó người Việt luôn đóng vai trò chủ thể. Sau lũy tre làng, rất nhiều truyền thống đẹp, như đoàn kết tương trợ nhau đã hình thành. Tính chất cộng đồng đã tạo nên truyền thống văn hóa tâm linh đặc biệt đó là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Hoàn cảnh lịch sử luôn phải đương đầu với những kẻ thù lớn mạnh hơn mình nhiều lần đã tạo nên phẩm chất anh dũng, quật cường, mưu trí, sáng tạo, hun đúc cho mỗi người dân Việt Nam tinh thần yêu nước nồng nàn, ý thức tự tôn dân tộc và tinh thần bất khuất, tự lập, tự cường rất cao. Đây chính là phẩm chất vô cùng quý báu của con người Việt Nam...

Để có thể biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác các di sản văn hóa như những tài nguyên, thì giải pháp quan trọng đầu tiên phải là đổi mới tư duy nhận thức một cách căn bản. Trước hết, phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm, văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động, mà phải hiểu văn hóa là một nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của một dân tộc.

Cùng với việc đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa cũng phải đánh giá đúng và tính hết những khó khăn khi triển khai. Trước hết, đó là những trở ngại, thói quen, tập tính hạn chế của cư dân nông nghiệp khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà một trong những hạn chế lớn, là việc rất ngại nói đến tầm nhìn xa, là tâm lý “ăn xổi”. Ngoài ra, một trong những hạn chế lớn khác của di tồn văn hóa có hại đến sự phát triển là tâm lý bình quân cào bằng. Trong lịch sử, sự bình đẳng đôi khi tạo ra không khí hòa thuận nhưng quan niệm “dàn hàng ngang mà tiến”, “xấu đều hơn tốt lỏi”, đôi khi chính là sự cản trở cho phát triển.

Một trong những điều quyết định thành công trong sự nghiệp phát triển đất nước đi tới phồn vinh là phải khơi dậy khát vọng của cả dân tộc, đặc biệt là giới trẻ như tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra. Giáo dục văn hóa, lịch sử cho các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp thanh niên, thiếu niên cần được coi như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Khát vọng sẽ dẫn tới tự tin và có thể biến tất cả những gì mình có thành lợi thế trong quá trình cạnh tranh quốc tế. Trong thời kỳ hiện nay, văn hóa không chỉ là tài sản để chúng ta cất giữ, nâng niu, tự hào mà phải được coi là “sức mạnh mềm” của đất nước để có thể mở rộng hợp tác, cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế.

Trên ý nghĩa này, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa cũng không nên chỉ dừng ở mức độ giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có tính toán dài hơn, phải coi văn hóa như một “vũ khí” để tiến ra thế giới, đặc biệt coi trọng thế mạnh của con người Việt Nam. Ngoài ra, để phát huy “sức mạnh mềm”, cần làm “sống dậy” các di sản, di tích của Việt Nam theo phương pháp hiện đại.

Điều có ý nghĩa quan trọng hơn trên phương diện bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống là chúng ta đang có một sự nhận thức sáng suốt, đầy đủ về tầm quan trọng của việc xây dựng nền văn hóa mang bản sắc dân tộc, xứng tầm với lịch sử của dân tộc. Và Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này chính là minh chứng sinh động, hùng hồn về nhận thức có tầm chiến lược của Đảng về văn hóa. Chắc chắn với sức mạnh của văn hóa và những tố chất đặc biệt của con người Việt Nam, chúng ta sẽ thực hiện được khát vọng của dân tộc, thực hiện được ước mơ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói cách đây hơn nửa thế kỷ, đó là sớm đưa nước ta vào hàng ngũ những quốc gia hùng cường nhất trên thế giới.

Nguyễn Vũ lược ghi