Văn hóa - Cội nguồn sức mạnh dân tộc

- Thứ Tư, 24/11/2021, 06:26 - Chia sẻ
Sáng nay, Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tại hội trường Diên Hồng với mục tiêu khơi dậy khát vọng dân tộc, hướng tới xây dựng một Việt Nam hùng cường. Khi những cảnh báo về khủng hoảng giá trị, suy thoái đạo đức, hành vi lệch chuẩn ngày càng cấp bách, Hội nghị cần đưa ra thông điệp về văn hóa, cụ thể hóa quan điểm của Đại hội XIII của Đảng để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển.

Hiếm có từ nào trong tiếng Việt được sử dụng thường xuyên nhưng lại theo nhiều cách hiểu khác nhau như từ "văn hóa". Văn hóa có thể được hiểu như trình độ học vấn, khả năng ứng xử, phông kiến thức hay nền tảng đạo đức, giá trị vật chất và tinh thần...  “Văn hóa” cũng hay được ghép với những từ khác để chỉ một loại hành vi ứng xử cụ thể như văn hóa đọc, văn hóa xếp hàng hay văn hóa từ chức... Dù được dùng nhiều như thế nhưng mỗi người lại hiểu văn hóa theo những cách khác nhau.

Với hàng trăm định nghĩa khác nhau về văn hóa, việc thống nhất một định nghĩa chung là không thể, bởi mỗi quốc gia, tổ chức, cá nhân lại có cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, nếu không có một cách hiểu chung, một nhận thức chung về văn hóa thì khó thống nhất tư duy và hành động. Vì thế, Hội nghị Văn hóa toàn quốc hôm nay sẽ cần đưa ra một "khái niệm thao tác", một thông điệp chung về văn hóa trước khi đánh giá về những thành tựu và hạn chế của văn hóa Việt Nam trong 75 năm qua kể từ khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức năm 1946.

Ngày 24.11.1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội trong lúc đất nước đối mặt với tình thế ngàn cân treo sợi tóc, cho thấy nhận thức đúng đắn của Đảng và Bác Hồ về vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tại hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi". Văn hóa là ánh sáng soi đường, là ngọn hải đăng, là mỏ neo của dân tộc. Dù có thể mang tính khái quát, trừu tượng nhưng văn hóa hiện diện trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, kinh tế và chính trị, hướng dẫn cách thức ứng xử của con người với con người, tổ chức, xã hội và đất nước.

Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, thương mại tự do, internet và sự phổ biến của các sản phẩm báo chí, truyền thông đã thúc đẩy quá trình trao đổi, tương tác giữa các nền văn hóa khác nhau với tốc độ và phạm vi chưa từng có. Trong xu hướng giao thoa, giao lưu văn hóa mạnh mẽ ấy, văn hóa định vị, định hình và phân biệt quốc gia dân tộc này với quốc gia dân tộc khác. Một nền văn hóa có chủ quyền sẽ tiếp nhận, chọn lựa và chuyển hóa những giá trị phù hợp đồng thời ngăn chặn, loại bỏ những giá trị ngoại lai để hòa nhập nhưng không hòa tan.

Khi các cuộc xâm lăng văn hóa đang diễn ra ồ ạt nhất là trên môi trường mạng, vấn đề chủ quyền văn hóa trở nên quan trọng không kém chủ quyền lãnh thổ. Quốc gia này có thể văn minh, phát triển hơn quốc gia khác nhưng mọi nền văn hóa đều bình đẳng với nhau. Văn hóa là nền tảng của tự tôn dân tộc, tự hào quốc gia và là cội nguồn của sức mạnh dân tộc trong một thế giới đa dạng, liên tục thay đổi với những trào lưu, làn sóng văn hóa khác nhau. Dù trong thời kỳ lịch sử nào của dân tộc, văn hóa Việt Nam là yêu nước và yêu nước là văn hóa. Văn hóa yêu nước ấy được cụ thể hóa thành những giá trị, tạo nên phẩm hạnh của dân tộc và thúc đẩy đất nước tiến lên, “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa chính là khẳng định vị thế của đất nước trên bản đồ thế giới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu “xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” như nền tảng để phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa. Sức mạnh mềm này trước hết là sức mạnh của một nền văn hóa tự chủ về những giá trị truyền thống. Trên phương diện này, Hội nghị Văn hóa toàn quốc cần xác định được những giá trị cốt lõi của nền văn hóa dân tộc để mỗi người dân tự hào là người Việt Nam và tự tin hội nhập quốc tế. Văn hóa theo nghĩa đó chính là cội nguồn của sức mạnh dân tộc và là nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Vũ Kim Thi