Văn hóa - “Chân phanh, chân ga” của doanh nghiệp

- Thứ Hai, 06/12/2021, 05:47 - Chia sẻ
Doanh nghiệp chính là trái tim của nền kinh tế. Để hiện thực hóa khát vọng năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, đi liền đó là phải có văn hóa doanh nghiệp tương xứng.

Văn hóa - kinh tế, mối quan hệ biện chứng
Phát biểu khai mạc Diễn đàn quốc gia “Văn hóa với doanh nghiệp” năm 2021 chiều 5.12, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Vị trí của văn hóa trong nền kinh tế và kinh tế trong văn hóa là mối quan hệ biện chứng với nhau, không thể tách rời... Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định văn hóa, nghệ thuật không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong kinh tế cần phải được quan tâm”. 
Và để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, chúng ta cần phải có một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, năng động, đoàn kết, hướng tới phát triển bền vững. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi các doanh nghiệp phát triển hài hòa, dựa trên các trụ cột kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Trong đó, văn hóa chính là yếu tố cốt lõi, là nền tảng để dẫn dắt, điều chỉnh các trụ cột khác. 
Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) ví văn hóa là “chân thắng” (chân phanh), “chân ga” của doanh nghiệp; điều này cũng đúng khi nhìn nhận ở góc độ quốc gia và góc độ cá nhân. Trong những thời điểm thuận lợi, văn hóa sẽ như “chân ga” giúp doanh nghiệp phát triển bứt phá, và văn hóa - chiều sâu bên trong, cũng là “chân thắng” để doanh nghiệp có thể vượt qua đèo cao, không rơi xuống vực sâu... Lâu nay nhiều người nói về văn hóa như một phương tiện để đạt được mục đích, nhưng “văn hóa không chỉ là phương tiện, bản thân văn hóa cũng là mục đích mà mỗi quốc gia, doanh nghiệp, cá nhân vươn tới”.
Trải qua những biến động như đại dịch Covid-19, nhiều ý kiến liên tưởng văn hóa như vaccine để bảo vệ doanh nghiệp. Ông Lê Tấn Phước - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần SEAREFICO, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam nhận định: “Đại dịch phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài, khiến doanh nghiệp giảm sâu về lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp giảm lương, nhân viên phải làm việc nhiều hơn, nhưng nhiều người vẫn đồng lòng với doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cắt lương, nhân sự cấp cao nhảy việc... Có thể thấy, văn hóa quyết định sự tồn vong, bứt phá của doanh nghiệp trong hiện tại cũng như lâu dài...

Văn hóa tạo sức mạnh cho doanh nghiệp vượt qua những "khúc quanh" -

Nguồn: EveHR.vn 

Hài hòa lợi nhuận doanh nghiệp và lợi ích cộng đồng

GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, văn hóa giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, phát triển thương hiệu, là nguồn lực mềm, tạo sức cạnh tranh để doanh nghiệp xây dựng đội ngũ gắn kết, có sức bền bỉ để chiến thắng trên thị trường, có sức bền, chịu đựng tốt hơn trong những cú sốc. 
Nhận thức được điều này, thời gian qua nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực xây dựng văn hóa của mình, nhưng không nhiều doanh nghiệp thành công. Có nhiều nguyên nhân như: thiếu sự thấu hiểu sâu sắc về văn hóa; thiếu định hình rõ ràng về văn hóa muốn xây dựng; thiếu phương pháp, giải pháp cụ thể; thiếu sự bền bỉ, vì văn hóa không phải là câu chuyện sau một đêm... Ông Giản Tư Trung cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam phải nghĩ đến nền quản trị mới với 2 yếu tố: chấn hưng tinh thần Việt Nam và tiếp thu tinh hoa thế giới, mang theo khát vọng dân tộc và dựa trên chuẩn mực toàn cầu.
Nói đến văn hóa là nói đến con người, nói đến sức mạnh của văn hóa là nói tới sức mạnh của con người, từ đó tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp. Theo bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam, văn hóa là sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp, xuất phát từ bên trong, tạo “kháng thể” để bảo vệ tốt doanh nghiệp trong những thời điểm khó khăn. Văn hóa này phải đi từ tư tưởng của nhà lãnh đạo, lan tỏa bằng chiến lược xây dựng văn hóa doanh nghiệp để toàn bộ nhân viên cùng thực hiện. Để làm được điều đó, chủ doanh nghiệp cần lãnh đạo bằng trái tim, hài hòa giữa lợi nhuận của doanh nghiệp và việc tạo ra lợi ích cho xã hội, cộng đồng... 

Bà Trần Trâm Anh, Tổng Giám đốc vùng Công ty TNHH Coast Phong Phú cho rằng, văn hóa giống như vaccine đi vào doanh nghiệp và cần phải đủ liều, đúng thời điểm. Đó là nghệ thuật của doanh nghiệp phải phù hợp và đối với Coast Phong Phú đó là con người. Phong Phú đã xem con người như là “trái tim” doanh nghiệp, nếu trái tim khỏe thì doanh nghiệp sẽ tồn tại và phát triển. Doanh nghiệp phải bắt mạch “trái tim” thường xuyên để có thể duy trì sức khỏe của doanh nghiệp.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) cho hay, giá trị cốt lõi của văn hóa PetroVietnam là nghĩa tình. Tập đoàn đã tạo thuận lợi cho người lao động trong công việc, ứng xử có trước có sau khiến người lao động ngày càng gắn bó với doanh nghiệp.
Các ý kiến tại Diễn đàn đều khẳng định văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua những thời điểm khó khăn, phát triển nhanh hơn. Và Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định lấy ngày 10.11 hằng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời phát động Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Hoạt động tôn vinh văn hóa doanh nghiệp là cần thiết, có giá trị tinh thần lớn, nhưng như thế là chưa đủ. Đại diện Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và đại diện nhiều doanh nghiệp kiến nghị, cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích doanh nghiệp hướng tới đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam. 

Thảo Nguyên