Van Gogh, những họa phẩm cuối đời
Tại Bảo tàng Thyssen - Bornemisza, Madrid, Tây Ban Nha, đang diễn ra triển lãm quốc tế giới thiệu các tác phẩm của danh họa Van Gogh những tháng ngày cuối đời- thời kỳ sáng tạo được xem là phong phú nhất và tạo nên danh tiếng cho Van Gogh trong suốt 10 năm hội họa. Triển lãm trưng bày 20 tác phẩm tranh sơn dầu của Van Gogh và 3 bức tranh của 3 họa sỹ thuộc nhóm "các họa sỹ hậu ấn tượng": Paul Gauguin, Georges Seurat và Paul Cézanne.

Van Gogh, những họa phẩm cuối đời là triển lãm đầu tiên trên thế giới tập trung giới thiệu các tác phẩm cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của họa sỹ. Guillermo Solana, Bảo tàng Thyssen nói: "Cuộc sống tại Auvers - Sur - Oise, phía Tây Bắc của thành phố Paris đã mở đầu cho một thời kỳ sáng tạo mới, sung sức và hiệu quả mà đáng lẽ còn phải kéo dài nếu như nhà danh họa bậc thầy của chúng ta không từ giã cõi đời bằng phát súng oan nghiệt vào ngày 29.7.1890".
Không dừng ở việc giới thiệu thời kỳ sáng tạo sung sức nhưng cũng lắm u uất của danh họa, các tác phẩm trong triển lãm lần này đã thực sự phản ánh được những tính cách của họa sỹ, sự lạc quan tột đỉnh và cả những khó khăn, biến động trong cuộc đời của Van Gogh tại Provence. Nói đến Van Gogh, các nhà nghiên cứu đều đánh giá ông chính là người đặt nền móng cho trường phái Biểu hiện. Ông cũng được giới mỹ thuật tôn vinh là "Thuỷ tổ" của các trường phái và trào lưu hội họa hiện đại.

Con đường đến với hội họa của Van Gogh không bằng phẳng. Van Gogh không phải là một " thiên tài bẩm sinh" nên trước khi đến với hội họa ông từng lăn lộn với đủ nghề như bán họa phẩm tại Paris, tham gia giảng đạo Tin lành ở Borinage, miền Tây Nam nước Bỉ... 27 tuổi, Van Gogh đã dằn vặt, tuyệt vọng và tìm ra cho mình một lối thoát bằng quyết định theo ngành hội họa. Cuộc đời sáng tác của Van Gogh chỉ kéo dài 10 năm, từ 1880-1890, nhưng không ít khó khăn, trở ngại. Ông từng đi hàng trăm kilomet để tìm thầy học vẽ; từng ăn cầm hơi bằng những mẩu bánh mỳ; từng uống trà trừ bữa và từng chống trả với những cơn dày vò tàn khốc... để vẽ. Từ những nét vẽ vụng về, nguệch ngoạc, Van Gogh từng bước khẳng định khả năng của mình. Ông thấy rằng lối học thuần lý thuyết đã phá huỷ sự tươi mới của các ấn tượng nhãn quan, trong khi các họa phẩm của Paolo Veronese và Eugene Delacroix đã khiến Van Gogh hiểu rằng chính màu sắc cũng đã nói lên một điều gì đó. Và cũng từ đây, Van Gogh đã khám phá ra đường lối nghệ thuật trong các tranh thuộc trường phái Ấn tượng và không ngừng học hỏi những nghệ sỹ danh tiếng, từng giữ các vai trò lịch sử trong nền nghệ thuật mới. Nhờ vậy, lối diễn tả nghệ thuật của Van Gogh đã thay đổi hẳn, với một họa pháp riêng, một khuynh hướng đặc biệt về bút pháp. Các bức tranh trở nên màu sắc hơn, cách nhìn sự vật không còn cổ điển như trước. Đặc biệt, trong quãng thời gian sống trong căn nhà màu vàng tại Arles, Provence và tại ngôi làng Auvers - Sur - Oise, Tây Bắc Paris, màu sắc và bút pháp của Van Gogh tập trung thể hiện cảm xúc nội tâm sâu kín. Tuy ngắn ngủi, nhưng đây lại là thời kỳ sáng tạo phong phú nhất của Van Gogh. Trước phong cảnh thiên nhiên rực rỡ, dưới ánh nắng chói chang và trong bầu không khí khô ráo, cảnh trời quang đãng, Van Gogh đã không kiềm chế được cảm xúc trước các đề tài mới lạ và hấp dẫn. Ông đã làm việc với tốc độ cao và cố công ghi lại những ảnh hưởng của thiên nhiên cũng như tâm trạng của mình trước ngoại cảnh. Những đề tài ông thường chọn để vẽ như cánh đồng bắp và lúa mỳ, thung lũng có dòng sông, những mái nhà tranh của nông dân hay phong cảnh đồi núi, hoa trái và chân dung của bạn bè, người thân. Các bức họa Cây ôliu, Cây trắc bá, Chân dung bác sỹ Gachet, Người nông dân miền Provence, Em bé và trái cam... lần lượt ra đời và trở thành những danh tác điển hình.

Giống như các họa sỹ ấn tượng, Van Gogh vẽ từ cách quan sát trực tiếp, không vẽ theo trí nhớ và trong họa phẩm của ông có cả cách mô tả nội tâm. Các nhà nghiên cứu mỹ thuật gọi tranh của Van Gogh là "những bản tốc ký của cuộc sống". Khi xem những bản "tốc ký" này, nhà nghiên cứu Murina đã thốt lên: "Đó là điện tâm đồ của sự vật". Thật vậy, qua những tác phẩm của Van Gogh tại triển lãm lần này, người xem nhận thấy ở ông một tình yêu sâu sắc và khát vọng sống mãnh liệt. Qua cây cọ của Van Gogh, từ nhà cửa, cây cối cũng như nhấp nhổm, xao động không yên. Mặt đất, bầu trời… cũng xao xuyến, bồn chồn, khắc khoải. Mỗi nhát cọ trên tranh Van Gogh đều như những phết màu sùng sục xô lên, táp xuống, quằn quại, gào thét, như một cơn lốc tình cảm. Van Gogh trút tất cả nỗi niềm, ruột gan của mình lên mặt tranh, ào ào cuồn cuộn như sợ nói không kịp, không hết. Van Gogh bộc bạch trong lá thư viết cho cậu em trai Theo: "Anh muốn mỗi bức tranh của anh sẽ túm lấy người xem, muốn chúng thật sự chứa đựng một cái gì từ tim anh trút ra".
Picasso từng nhận xét: "Van Gogh - người họa sỹ mà cuộc đời mẫu mực đến tận lúc chết". Giai đoạn sống ở Arles, chỉ trong 15 tháng Van Gogh đã vẽ hơn 200 bức tranh và những ngày nằm điều trị tại bệnh viện St Rémy ông cũng cho ra đời 150 tranh. Đặc biệt, trong 70 ngày cuối đời, Van Gogh vẽ 72 bức sơn dầu và trên 30 bức thuộc các thể loại khác.
Phương Hằng tổng hợp