Vân du cùng nhà thơ Vân Long

Vân Đình Hùng 09/04/2009 00:00

Thật may cho tôi là đã giữ lại được khoảnh khắc thật đẹp của nhà văn lão thành Sao Mai, nếu chỉ nhìn ảnh mà đoán thì đây là một ông già đẹp lão, suy tư, hy vọng, đang gửi gì vào tương lai xa xăm.

Tôi đang làm bộ ảnh sưu tập chân dung các nhà văn mà tôi gặp, việc này nhiều người đã làm. Hôm ngồi quán bia cùng nhà thơ Vân Long, được ông đọc bài thơ Trưa quê của nhà văn Sao Mai kèm theo lời bình của ông thì tôi đã nổi hứng mời ông đi Thanh Sơn, Phú Thọ, một chuyến, mục tiêu chính là phải ghi bằng được chân dung nhà văn đang sống ở vùng sơn cước này, không thì sẽ không còn có dịp nào nữa. Ông nhận lời tắp lự. Chẳng cần chuẩn bị gì, hôm sau khởi hành ngay. Nghĩ lại, thấy cũng liều, bởi hai anh em đi bằng xe máy cà tàng của tôi. Thêm nữa ngồi đằng sau lại là nhà thơ, mà nhà thơ đã vào tuổi xưa nay hiếm.

Trời xanh, mây trắng, gió thổi vi vu, chẳng mấy xe đã đến bến đò Vôi của thị xã Sơn Tây. Mặc dù Sơn Tây có lúc lên thành phố, rồi lại không, nhưng tôi cứ thích gọi Sơn Tây là thị xã - một địa danh đứng khá vững trong những lần sáp nhập trước. Phóng xe lên mặt đê cao, ngỡ như mây trắng xứ Đoài sà xuống, cảm giác thơ thới như vân du. Bên kia bến đò Vôi là đất Phú Thọ. Xuống đò, đi ngược lên đê, rẽ trái, nhằm hướng Việt Trì mà tiến.

Qua đò đã hơn bốn giờ. Trông thấy biển Thành phố Việt Trì kính chào quý khách rồi... Chúng tôi được nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế của Việt Trì dẫn đường bằng điện thoại di động. Một lúc sau đã thấy, bên đường một chàng dáng thư sinh, đội mũ tai bèo bằng vải kaki trắng đục, râu cạo cẩn thận, ria xếp hàng ngay ngắn, đen nhánh.

Tôi được gặp Kế lần đầu. Kế thì gặp anh Vân Long nhiều lần, nhưng toàn gặp dưới Hà Nội. Lần này, chúng tôi gặp nhau trong dáng chiều trung du, nắng đang ngả hoàng hôn, vàng thơm, vàng ấm trải trên đường Hùng Vương. Đêm ấy, anh em chúng tôi nghỉ lại nhà Nguyễn Tham Thiện Kế. Nhà Kế đẹp, tiện cho sinh hoạt của những người viết lách. Các họa tiết trang trí và cách bài trí rất có gu. Vừa chuyện văn, vừa chuyện đời, chuyện về đời tư của các nhà văn... thôi thì đủ. Chuyện hỏi đường vào nhà ông Sao Mai mới là chính. Kế chỉ nói ngắn, ngày mai em tiễn các bác sau khi ăn sáng, các bác cứ theo bờ đê đi qua cầu Lâm Thao, hỏi đường đến Thanh Sơn, phố Vàng là sắp đến nhà ông Sao Mai rồi. Nhà thơ Vân Long thì đã lên nhà ông Sao Mai hồi năm 2003, vẫn còn nhớ mang máng tên xóm nơi nhà văn Sao Mai đang sinh sống.

Đến Cổ Tiết. Nghỉ giải lao đã, đi đâu mà vội. Vân du cơ mà. Những nương chè ngút ngát xanh như hút hồn, tôi lấy máy ảnh, bấm lia lịa. Những luống chè đang ra búp đợt mới còn đọng chút sương sớm, đẹp lộng lẫy trong ban mai. Nhìn ở góc trái sáng, búp non mỏng tang, các đường gân lá thật mềm, lá non như miếng lụa xanh cốm Vạn Phúc nổi tiếng.

Qua phố Vàng Thanh Sơn, đường quanh co hơn, lúc lên, lúc xuống. Đứng đỉnh đồi này nhìn sang bên kia, đường như mắc võng đón người thân. Sắp tới ngã ba rẽ vào Xuân Sơn, lại điện thoại, Kế ta sốt ruột đang điều khiển từ xa, hỏi thăm từ xa, xem anh em chúng tôi đã đến đâu rồi. Sắp đến rồi. Lại điện thoại, lần này thì của ông Tân Khải Hồng, cậu cả con bà hai của nhà văn Sao Mai. Xóm Gạo, xã Văn Luông ngay trước mặt, rẽ phải, xuống dốc một thôi dài, một căn nhà ba tầng khang trang hiện ra. Nhà làm hình thước thợ, gian buồng nhìn ra sân. Vào phòng khách phải qua sân, rẽ phải. Bà vợ của nhà văn Sao Mai đã đứng đón khách ở bậc thềm. Nhà thơ Vân Long là bạn cũ của gia đình, lần lên trước cách lần này bốn năm chẵn, thế mà lúc vào, chó vẫn vẫy đuôi, nhớ mùi khách quen.

Nhà văn Sao Mai ngồi trên chiếc ghế nhựa xanh. Áo khoác hờ trên vai, mắt sáng rực đón bạn, miệng lắp bắp, lắp bắp thành tiếng: Ô... ôông Vân Long. Rồi giọt nước mắt sung sướng lăn ra từ cặp mắt sáng rực, nụ cười mãn khai, chứa chan hạnh phúc. Tôi lấy máy ảnh bắt đầu chụp để ghi lại cuộc gặp gỡ, trò chuyện mà bây giờ tôi gọi là cuộc gặp cuối cùng của nhà thơ Vân Long với nhà văn Sao Mai.

Thật may cho tôi là đã giữ lại được khoảnh khắc thật đẹp của nhà văn lão thành, nguyên chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Thọ với những cuộc tình như tiểu thuyết. Nếu chỉ xem ảnh, nhìn ảnh mà đoán thì đây là một ông già đẹp lão, suy tư, hy vọng, đang gửi gì vào tương lai xa xăm. Bức chụp chung với nhà thơ Vân Long, thì không khí giao lưu của hai ông thật cởi mở, thân thiện. Nói gì, nhà văn Sao Mai cũng hiểu, nhà thơ Vân Long được giãi bày lòng mình với bạn văn chương mà không phải ngừng lời, bởi người đối thoại chỉ nói chuyện bằng mắt và những cái gật đầu nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng mới ú ớ một câu không rõ lời, bà vợ phải dịch lại. Chuyện một hồi thì mâm cơm được dọn ra thật thịnh soạn. Anh em tôi ngồi với anh Hồng, con trai nhà văn Sao Mai. Còn nhà văn thì được bà vợ bón cơm như thời còn đi mẫu giáo vậy.

Xong bữa, anh em chúng tôi nhẩn nha ra vườn. Nhà thơ Vân Long giới thiệu “Vọng ngư lâu” của nhà văn Sao Mai. Lần lên trước, lúc nhà văn Sao Mai còn khỏe, hai ông đã có một đêm ngủ cùng nhau ở đây. Gọi là “Vọng ngư lâu” cho nó oách, chứ thực ra đây là túp lều lợp lá cọ vùng Thanh Sơn, sàn lát ván, làm theo kiểu nhà sàn của người Mường, lòng nhà khoảng chục mét vuông. Lúc tôi đến, ngôi nhà chắc lâu ngày không ai “vọng ngư” nữa nên đã bắt đầu xuống cấp.

Để cho nhà văn nghỉ chừng một giờ, anh em chúng tôi ngồi uống trà với ông bà chủ. Bà chủ, vợ hai của ông Sao Mai đon đả lắm, thôi thì đủ chuyện, từ ngày còn xuân sắc, phải lòng nhau như thế nào, nhìn nhau trong những đêm hát chèo ra sao, rồi đến cái đận về chào bà cả để thu xếp cả chục miệng ăn lên Hà Nội... đến những ngày cơ cực trên bãi cát sông Hồng. Bà kể một thôi một hồi. Khi cả nhà lên khai hoang ở đất Thanh Sơn này, được ở trong một ngôi nhà làm sẵn thật khang trang do thịnh tình của dân bản cứ ngỡ nhà văn dứt khoát phải giàu có! Thế là phải kéo cày trả nợ số tiền xây dựng ngôi nhà cho dân bản, những chuyện cười ra nước mắt. Rồi cả chủ và khách cùng cười ngặt nghẽo khi bà kể chuyện đi bè nứa trên sông Bứa xuôi phố Vàng để bán lâm sản. Nước chảy xiết, lên ghềnh xuống thác, mà ngồi trên bè chỉ mỗi ông nhà văn biết bơi, còn hai bà thì không. Lại cười, trận cười như khuấy động sự yên tĩnh của nơi đây.

Tôi có mang theo một CD Giọng ngâm xứ Đoài của nghệ sĩ Lưu Nga làm riêng cho mình. Khi mở, những bài thơ của bạn thơ cũ mà nhà văn Sao Mai đã biết họ từ lâu, tự nhiên nước mắt của ông lại lăn dài trên má. Đôi mắt người Sơn Tây u ẩn chiều lưu lạc/ Buồn viễn xứ khôn khuây. Câu thơ Quang Dũng qua giọng ngâm Lưu Nga, đã gọi về kỷ niệm cũ của nhà văn với các bạn văn thời ông còn làm việc. Đã xa, đã lâu lắm rồi ông không được gặp lại họ. Không biết trong nhòa mờ của dòng nước mắt kia, hình ảnh của họ có hiện về.

Rồi cũng phải đến lúc chia tay. Cuộc chia tay thật bịn rịn khó nói thành lời. Hai anh em chúng tôi chào từ biệt nhà văn Sao Mai, tạm biệt cái gia trang xinh xắn có đồi cây, ao cá, có Vọng ngư lâu. Đấy là lần cuối cùng, tôi được gặp nhà văn Sao Mai, người có đời tư như một cuốn tiểu thuyết viết sẵn.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vân du cùng nhà thơ Vân Long
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO