Quan trọng là chọn đúng người

- Thứ Năm, 23/06/2022, 05:00 - Chia sẻ

Nếu chọn đúng người, họ làm rất tốt, rất đúng, nhưng nếu chọn sai thì có thể gây ra tiêu cực. Trong công tác phòng, chống tham nhũng, Đảng quyết tâm cao, quyết liệt xử lý.

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã nhấn mạnh như vậy tại buổi tiếp xúc cử tri TP. Hồ Chí Minh sau Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV khi giải đáp những băn khoăn của cử tri trước việc cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, Bí thư Đảng cũng đồng thời là giám đốc hay thủ trưởng cơ quan dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, khó kiểm soát quyền lực công.

Tham nhũng đã trở thành vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Không chỉ trên diễn đàn mỗi kỳ họp Quốc hội, vấn đề này mới nóng lên, mà ở trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội ở nhiều địa phương, cử tri cũng đặc biệt lo lắng bởi thực trạng này.

Nhìn lại kết quả phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua cho thấy, sự quyết tâm rất lớn của Đảng, đặc biệt là vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các cơ quan chức năng trong cuộc chiến với tham nhũng. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (sau này là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - PV) đã theo dõi và chỉ đạo rất nhiều vụ án lớn, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cao cấp, cả đương chức, nghỉ hưu, cả trong lực lượng công an, quân đội. Không ít lãnh đạo tỉnh, thành phố và người đứng đầu các doanh nghiệp có sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai đã chịu những bản án hình sự nghiêm khắc bởi sự buông lỏng quản lý, “tư túi”, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Công cuộc phòng, chống tham nhũng càng trở nên “nóng” hơn với khởi nguồn từ vi phạm pháp luật của Công ty Việt Á. Chỉ sau 6 tháng điều tra hàng loạt sai phạm liên quan đến công ty này đã có hơn 60 cá nhân đã bị khởi tố. Trong đó có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng hàng loạt giám đốc CDC, cán bộ Sở Y tế các tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy, quyết tâm rất lớn của Đảng, của các cơ quan tư pháp trong phòng, chống tham nhũng với một tinh thần không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Không chỉ có Việt Á, mà tham nhũng, tiêu cực sẽ vẫn tiếp tục xuất hiện ở những lĩnh vực khác nếu như chúng ta chưa thật sự kiểm soát được quyền lực nhà nước. Chừng nào kiểm soát quyền lực bị buông lỏng, chừng ấy sẽ vẫn có những Việt Á tương tự, sẽ có những thao túng thị trường chứng khoán, tài chính xảy ra…

Nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương theo đúng tinh thần: "Trên - Dưới đồng lòng, Dọc - Ngang thông suốt!", Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương thành lập, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Cho đến thời điểm này, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Nhiều Bí thư tỉnh, thành được giao nhiệm vụ là Trưởng ban Chỉ đạo. Việc sớm thành lập cơ quan này là cần thiết, để kịp thời ngăn chặn, xử lý những vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương.

Tuy nhiên, điều quan trọng là các địa phương phải rất cẩn trọng trong việc chọn cán bộ vào trong Ban Chỉ đạo. Bởi phòng chống tham nhũng là một việc khó và phức tạp. Khó bởi tham nhũng là tội phạm ẩn, đối tượng là người có chức vụ, quyền hạn, có hiểu biết pháp luật. Khó còn bởi người thực thi nhiệm vụ này luôn đứng trước những “cám dỗ bủa vây”. Do đó, muốn chống được tham nhũng điều quan trọng nhất là người chống tham nhũng phải “sạch”, bởi đã “dính chàm” rồi, thì xử lý được ai?

Cần nhấn mạnh rằng, để chống tham nhũng hiệu quả thì biện pháp ngăn ngừa để cán bộ không dám tham nhũng, không để xảy ra tham nhũng là tiên quyết. Do đó, công cuộc này phải được thực hiện đồng bộ từ thể chế đến hoạt động. Thể chế phải đủ chặt chẽ, phải bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để cán bộ "không thể tham nhũng". Và khi có dấu hiệu tham nhũng, phải đấu tranh, xử lý triệt để, bất kể người đó là ai. 

Lê Hùng