Chậm trễ trong hỗ trợ chính sách
Hồi đầu năm, nghe tin Quốc hội quyết định hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, người lao động để giảm bớt khó khăn do dịch Covid-19, chị Phạm Thị Hường, 43 tuổi, quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng mừng lắm! Mấy năm nay, chị cùng hai con nhỏ thuê trọ gần công ty may mặc nơi chị làm việc, bởi mảnh đất nhỏ ở quê đã bán đi để lo trị bệnh cho chồng nhưng anh vẫn không qua khỏi. “Tôi nghĩ mình đủ điều kiện để được hỗ trợ tiền thuê nhà. Dù ít hay nhiều thì khoản này cũng giúp ích cho mẹ con tôi rất nhiều sau hai năm hầu như không có thu nhập vì dịch bệnh”, chị nói.
Nửa năm trôi qua, chị Hường và các đồng nghiệp của mình vẫn chưa ai nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà. Hàng triệu công nhân, người lao động trên cả nước cũng vậy! Trong khi đó, giá cả hàng hóa leo thang bào mòn thu nhập ít ỏi của họ khiến cuộc sống càng trở nên khó khăn.
“Một chính sách hết sức kịp thời, đúng đắn, nhân văn (chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động - PV) nhưng vì sao chúng ta triển khai chậm?" - câu hỏi này đã được Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông nêu ra trên nghị trường trong Kỳ họp thứ Ba vừa qua.
Quyết sách của Quốc hội ban hành tháng 1.2022 (Nghị quyết 43 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) trong một kỳ họp được tổ chức bất thường nhằm đáp ứng đòi hỏi cấp bách của cuộc sống. Cuối tháng 3.2022, Thủ tướng có Quyết định 08 về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo đó, số tiền hỗ trợ để công nhân thuê nhà trọ từ ngân sách là 6.600 tỷ đồng. Dự kiến cả nước sẽ có 3,4 triệu lao động được hưởng chính sách này.
Vậy nhưng đến nay mới có khoảng 10.000 lao động được nhận hỗ trợ (chiếm 0,3%) với số tiền 33 tỷ đồng. Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội cam kết tháng 8 sẽ giải ngân hết nhưng thực tế để "về đích đúng hạn" sẽ rất khó. Bởi hiện tại mới có 26 tỉnh, thành phố nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của doanh nghiệp và tiến hành giải ngân.
Nhìn rộng hơn, sự chậm trễ cũng đang xuất hiện ở nhiều phần việc quan trọng khác, ví dụ như trong Chương trình phục hồi kinh tế, trong triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững)… Như vậy, ý nghĩa và tính chất cấp bách của Chương trình phục hồi bị giảm sút; những nhóm dân cư khó khăn nhất, cần hỗ trợ nhất vẫn tiếp tục mòn mỏi chờ đợi được nhận hỗ trợ từ Nhà nước; nguồn lực ngân sách không được sử dụng hiệu quả và gây lãng phí… Về dài hạn, nếu chính sách cứ nằm trên giấy, "hỗ trợ chỉ có trên tivi" thì niềm tin của người dân vào Nhà nước chắc chắn sẽ giảm sút.
Kỳ họp thứ Ba của Quốc hội Khóa XV khép lại với nhiều quyết sách quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới. Nhưng, một bàn tay không thể vỗ thành tiếng. Quyết sách đúng, kịp thời nhưng thực thi chậm trễ thì không thể gọi là quyết sách tốt và không giúp ích gì cho sự phát triển của đất nước. Vì vậy, điều quan trọng là ngay sau kỳ họp, Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành địa phương phải nhanh chóng đưa các luật, nghị quyết của kỳ họp sớm đi vào cuộc sống, khắc phục tình trạng “quyết sách đúng, trúng, kịp thời nhưng triển khai chậm, kém hiệu quả” như yêu cầu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt ra.
Cuối cùng, Quốc hội cũng cần tăng cường giám sát việc thực thi thông qua yêu cầu các bộ, ngành chịu trách nhiệm trực tiếp báo cáo và trả lời tại các phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội. Chỉ khi áp đặt được trách nhiệm chính trị lên người đứng đầu các cơ quan thực thi, các quyết sách và chính sách lớn của Quốc hội mới có thể được thực hiện hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng và mong muốn của cử tri cả nước.