Tận dụng ưu đãi còn thấp
RCEP là Hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới, với 15 quốc gia thành viên (gồm 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand), chiếm 1/3 GDP toàn cầu và 1/3 dân số thế giới. Hiệp định được ký kết từ tháng 11.2020 và chính thức có hiệu lực từ 1.1.2022.
Việt Nam là một trong những quốc gia sớm phê chuẩn hiệp định (Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6.7.2021). Chỉ 4 ngày sau khi hiệp định có hiệu lực, ngày 4.1.2022, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện hiệp định, trong đó giao các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện.
Đến nay, sau 2 năm triển khai, RCEP đã mang lại những kết quả tích cực. Theo đó, năm 2022, xuất nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường RCEP đạt 409 tỷ USD (trong khi thị trường CPTPP là 104,5 tỷ USD, thị trường ASEAN là 81,4 tỷ USD), bỏ xa mốc 301,7 tỷ USD vào năm 2020 và 371 tỷ USD vào năm 2021; trong đó, xuất khẩu đạt 146,8 tỷ USD, nhập khẩu đạt 262,2 tỷ USD, tăng 10 - 11%. Chỉ tính 11 tháng của năm 2023, xuất nhập khẩu sang RCEP đạt 346,8 tỷ USD, trong khi thị trường CPTPP là 87,3 tỷ USD…
Cũng trong năm 2022, Việt Nam ghi nhận thâm hụt thương mại với các nước ASEAN (13,6 tỷ USD) và các nước đối tác RCEP (118,9 tỷ USD). Cụ thể, trong các đối tác thương mại chính, Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn với các nước Trung Quốc (60,9 tỷ USD), Hàn Quốc (38,3 tỷ USD), có xuất siêu với Nhật Bản (gần 0,9 tỷ USD). Kết quả thặng dư và thâm hụt thương mại với các đối tác này vẫn được duy trì trong năm 2023.
Xuất khẩu thủy sản là một trong những nhóm hàng được hưởng lợi từ thực thi Hiệp định RCEP tại thị trường Australia. Trong 5 năm trở lại đây, xuất khẩu tôm sang quốc gia này tăng trưởng liên tục, từ 127 triệu USD năm 2019 lên 272 triệu USD năm 2022, với tỷ trọng trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng từ 3,7% lên 6,3%. Hay đối với mặt hàng cà phê, trong niên vụ 2022 - 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc đã tăng đến 17,1%, tiếp tục trong nhóm 10 thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam…
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong RCEP của Việt Nam còn tương đối thấp, mới đạt 0,67% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức 25,9% của Hiệp định EVFTA hay mức 4,9% của Hiệp định CPTPP... Theo vị chuyên gia này, góc nhìn về tận dụng ưu đãi trong FTA ở khu vực RCEP cần được mở rộng, bởi RCEP được thiết lập trên cơ sở đã có một loạt FTA ở khu vực Đông Á. Chính vì vậy, việc hiện thực hóa RCEP đã tạo thêm động lực cho các hoạt động tận dụng FTA ở khu vực này (trong đó có các FTA của ASEAN) trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19.
Chủ động trao đổi, hợp tác để thực thi hiệu quả
Có nhiều nguyên nhân khiến việc tận dụng ưu đãi của RCEP cũng như các FTA nói chung chưa như kỳ vọng. Theo chuyên gia của CIEM, nguyên nhân chính là do doanh nghiệp chưa nắm rõ các tiêu chí và điều kiện để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi. Hiện nay, để được hưởng ưu đãi theo các FTA, mặt hàng xuất khẩu phải bảo đảm quy tắc xuất xứ, thông qua các giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chứng minh tỷ lệ xuất xứ theo quy định do chưa thu thập đầy đủ giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ trong quá trình mua đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, và do đó không được hưởng mức thuế ưu đãi.
Thách thức lớn đối với doanh nghiệp ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng là RCEP có thể tạo ra nguy cơ chuyển hướng thương mại, cụ thể là tăng cạnh tranh với Trung Quốc. Là thành viên của RCEP, Trung Quốc được hưởng ưu đãi thuế và do đó làm mất lợi thế cạnh tranh trước đây của doanh nghiệp Việt Nam. So với các quốc gia thành viên, doanh nghiệp Việt Nam còn yếu về quy mô vốn, trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý và lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều bất lợi khi cạnh tranh trên các thị trường, đặc biệt là khó có thể cạnh tranh với Trung Quốc.
Một nguyên nhân nữa là Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp, chất lượng chưa cao. Trong khi đó, cơ cấu xuất khẩu các ngành này của Việt Nam lại tương đồng với các nước ASEAN và Trung Quốc, và mức độ tương đồng xuất khẩu với Hàn Quốc cũng ngày càng tăng. Mặt khác, các nước RCEP (trong đó có Trung Quốc) cũng có thêm các quy định mới, có tính chất chặt chẽ và tiêu chuẩn cao hơn, ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập của hàng nhập khẩu (trong đó có hàng nhập khẩu từ Việt Nam).
Đáng chú ý, theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất là khi các cơ quan, doanh nghiệp không có tư duy phù hợp đối với tiếp cận và khai thác cơ hội từ RCEP. “Một bộ phận cơ quan, doanh nghiệp còn nhìn nhận RCEP là “tiêu chuẩn thấp”, ít lợi ích hơn so với các hiệp định khác như EVFTA, CPTPP… Ở một chừng mực khác, cách khai thác RCEP vẫn chưa đặt trong chiến lược tổng thể để tận dụng các FTA, trong đó có các FTA của ASEAN - vốn đặt nền móng cho việc hình thành RCEP”, đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM cho biết.
Từ thực tế đó, các chuyên gia kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách, nâng cao năng lực thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó nhấn mạnh những nội dung về nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ, khai thác hiệu quả ưu đãi trong các FTA mới để thúc đẩy phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trên nguyên tắc không trái cam kết quốc tế.
Cùng với đó, chủ động trao đổi, hợp tác với các đối tác nhằm thực thi hiệu quả CPTPP, EVFTA, RCEP. Các cơ quan quản lý cũng cần tiếp tục cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về các FTA mà Việt Nam đã đàm phán và ký kết, trong đó có RCEP; hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế để thực hiện hài hòa các hiệp định FTA, đặc biệt là ứng phó với các hàng rào kỹ thuật (nhất là các quy định, tiêu chuẩn mới gắn với phát triển bền vững) và rủi ro phòng vệ thương mại ở các đối tác.
Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động tìm hiểu thông tin về RCEP cũng như các FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam với các nước và ngược lại; thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.