Vẫn còn rào cản
Người khuyết tật đã có nhiều cơ hội tiếp cận với dịch vụ hàng không, tuy nhiên vẫn còn những rào cản như trang thiết bị chưa thực sự thuận tiện, cá biệt vẫn có nhân viên hàng không kém nhiệt tình, thiếu thân thiện khi phục vụ người khuyết tật... Đây là ý kiến tại Hội nghị “Quyền tiếp cận giao thông hàng không của người khuyết tật” do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam tổ chức sáng 20.6 tại Hà Nội.
Không ít trở ngại
Cả nước hiện có gần 8 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 8% dân số. Đây là những người thuộc nhóm đối tượng yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Để bảo vệ người khuyết tật, giảm thiểu sự kỳ thị, phân biệt đối xử, nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật với các quy định khá đầy đủ. Luật Người khuyết tật quy định nhiều quyền cho người khuyết tật; Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật Việt Nam phê chuẩn năm 2014 nêu rõ: Không phân biệt đối xử, bình đẳng về cơ hội…
Tuy vậy, trên thực tế, người khuyết tật vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận một số dịch vụ, trong đó có dịch vụ hàng không, đặc biệt là hàng không giá rẻ. Bà Nguyễn Thanh Thúy, Chánh Văn phòng Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết, một số người khuyết tật dùng xe lăn bị từ chối vận chuyển.
![]() | |
Tiếp viên hàng không cõng người khuyết tật xuống thang máy bay | Nguồn Internet |
Anh Nguyễn Khánh Lâm (Hà Nội) cho biết, mới đây anh bị một hãng hàng không giá rẻ từ chối vận chuyển mặc dù anh có người đi cùng và đã đặt trước dịch vụ xe lăn. Theo anh Lâm, sự bất bình đẳng với người khuyết tật khi sử dụng dịch vụ hàng không thể hiện trong việc thiết kế nhà ga, xe nâng, buồng thang máy chưa bảo đảm thuận tiện cho người khuyết tật đi lại.
Cho rằng các quy định về tiếp cận giao thông hàng không của người khuyết tật ngày càng hoàn thiện hơn, song ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cũng cho biết, người khuyết tật vẫn gặp trở ngại. “Cá biệt, một vài nhân viên hàng không có thái độ ứng xử không phù hợp với người khuyết tật. Vấn đề ở đây là thái độ, ứng xử của con người chứ không phải là tiêu chuẩn, quy chuẩn của hãng hàng không, hay những quy định pháp luật”, ông Đàm nói.
Đừng để bậc thềm máy bay “cao vời vợi”
Có thể thấy, hành lang pháp lý để bảo đảm quyền của người khuyết tật của nước ta cơ bản đầy đủ. Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do đi lại, tuy vậy, từ quy định pháp luật đến thực thi dường như vẫn còn khoảng cách. Theo bà Nguyễn Thanh Thúy, người dùng xe lăn không thể tự bước lên máy bay với vé đã mua như những người bình thường khác, bởi bậc thềm lên máy bay “cao vời vợi”.
Để bảo đảm quyền lợi của người khuyết tật trong tiếp cận dịch vụ hàng không, nhiều ý kiến cho rằng, cần rà soát điều chỉnh Điều lệ vận chuyển, nội quy, quy định của các hãng hàng không, cụ thể hóa các quy định về quyền từ chối vận chuyển người khuyết tật. Cùng với đó, các hãng hàng không cần thiết kế lắp đặt các công cụ thiết bị hỗ trợ đồng bộ, nhằm bảo đảm tiếp cận bình đẳng các dịch vụ của người khuyết tật tại các nhà ga, trên máy bay. Quy trình vận chuyển hành khách khuyết tật của ngành hàng không cần sự đồng bộ từ khi đặt vé, dịch vụ mặt đất, đến các hoạt động của cảng hàng không, hãng hàng không.
Trong trường hợp chưa thể thực hiện yêu cầu này trong ngày một ngày hai thì trước mắt cần có giải pháp thay đổi tư duy, hành động để có giải pháp hành khách di chuyển xe lăn một cách thuận tiện nhất. Đặc biệt, cần đào tạo đội ngũ nhân viên am hiểu nghiệp vụ và quan trọng là có tinh thần thái độ phục vụ, ứng xử đúng mực, thân thiện và nhiệt tình, nhất là đối với người khuyết tật. Đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không cần xác định việc trợ giúp người khuyết tật di chuyển bằng máy bay là trách nhiệm, là sự thượng tôn pháp luật. Đó cũng là giải pháp để người khuyết tật không cảm thấy mình bị chậm lại phía sau.