“Văn chương là một thánh đường…”
Trong dòng chảy đời sống văn học thay đổi đến chóng mặt, có những cây viết vẫn tìm được mảnh đất riêng để chinh phục thị hiếu độc giả hiện đại. Trở thành một trong những nhà văn trẻ có số lượng bản in nhiều nhất hiện nay, với Anh Khang điều quan trọng hơn là cuốn sách chạm đến trái tim người đọc một cách lâu bền.
Đi tận cùng nỗi buồn sẽ gặp niềm vui
- Đến với văn chương, Anh Khang thấy mình được gì?
“Vì văn chương là một thánh đường, học văn là cách học làm người tốt nhất. Thông qua cách yêu thương, cảm thông với số phận nhân vật, phân tích về họ để ta nhìn nhận cuộc đời một cách thấu đáo và trọn vẹn hơn”. Tác giả Anh Khang |
- Làm báo 7 - 8 năm, viết về cả trăm, cả nghìn nhân vật, đến một giai đoạn mình thấy đã viết về người khác đủ nhiều rồi, đủ lâu rồi, hình như đã đến lúc dành thời gian cho chính mình, thế là chuyển sang viết sách. Từ họp báo đầu tiên ra mắt sách năm 2012 đến giờ, độc giả vẫn gắn bó với Anh Khang. Đó là hạnh phúc. Nhiều bạn nói sách của tôi là tuổi trẻ, là thanh xuân của các bạn, nhưng nghĩ ngược lại thì chính các bạn đã làm nên thanh xuân và tuổi trẻ của tôi. Một phần thanh xuân có được ý nghĩa là nhờ độc giả đồng hành trên hành trình câu chữ, để mình nhận ra không cô đơn trong nỗi buồn.
- Có người bảo sách của Khang phóng đại hóa, bi kịch hóa nỗi buồn của tuổi trẻ. Anh nghĩ như thế nào về bình luận này?
- Cuộc đời rất đa dạng, có người thích bánh mì, người thích phở, có người thích ăn cơm tấm… văn chương cũng vậy. Đã có tác giả khác viết về niềm vui, hạnh phúc, về kỹ năng sống nhưng vẫn sót lại đâu đó những con người đang gặp các vấn đề của tuổi trẻ. Ai cũng trải qua một thời mới biết yêu, đổ vỡ, nhưng ai sẽ nói thay tiếng lòng, ai sẽ an ủi và dỗ dành họ đây? Mỗi người trong cuộc đời này đều có một phận sự và sứ mệnh văn chương của tôi là đang đồng khổ với những người gặp nỗi buồn trong cuộc sống.
- Nói nhiều về nỗi buồn liệu ta có bị cảm thấy buồn bã, mệt mỏi không?
- Kiểu viết buồn bã, ủ rũ lê thê, kéo người khác vục mặt vào nỗi buồn, chỉ muốn bi lụy đóng cửa, tắt đèn ở nhà? Không! Sách của tôi không bao giờ viết theo kiểu đó. Có thể đây cũng là điều độc giả đồng hành với tôi suốt 7 năm qua 7 cuốn sách, bởi mỗi nỗi buồn trong đó đều mở ra một cánh cửa, để mọi người thấy rằng cứ đi tận cùng nỗi buồn chắc chắn sẽ gặp niềm vui. Cứ sống tiếp và sống tốt qua khổ đau thì chắc chắn ta sẽ biết được hạnh phúc như thế nào.
![]() Anh Khang ký tặng sách nhân dịp ra mắt tản văn mới “Người xưa đã quên ngày xưa” |
Ảnh: Thái Minh |
- Đời sống văn chương bây giờ ít người may mắn được như anh với hàng triệu độc giả đồng hành và lượng sách phát hành rất lớn...
- Về điều này chỉ có thể nói rằng tôi đang rất may mắn được nhiều yêu thương và đồng điệu. Từ cuốn sách đầu tiên cho đến giờ, những gì viết đều là rút lòng, rút ruột. Nghe có vẻ hơi sáo rỗng nhưng rất đúng là những gì xuất phát từ trái tim thì sẽ đến được trái tim. Còn những gì vĩ mô, xa xôi hơn tôi không dám bàn luận. Đối với tôi, điều duy nhất của một người viết là viết và chỉ nên viết mà thôi!
Tiếng lòng chân thật
- Có tranh cãi khá lâu rồi về chuyện người trẻ viết văn, những tác giả như Anh Khang, Hamlet Trương… với các tản văn, câu chuyện mà mọi người cho rằng thiếu trải nghiệm, ít tính văn chương và chiều sâu mỹ cảm?
- Tùy hệ quy chiếu và tư tưởng của từng người thôi! Có người cho nó hời hợt, đơn giản, nhưng với người có hệ quy chiếu khác sẽ nghĩ ở văn chương không tồn tại khái niệm hời hợt hay cao siêu, hàn lâm. Như Tố Hữu từng nói: “Thơ chỉ trào ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy”, cuộc sống thì đủ cả sang hèn, cao thấp, không có phân biệt. Văn chương chỉ là tiếng lòng chân thật xuất phát từ cuộc sống này.
- Vậy anh tâm niệm điều gì mỗi khi cầm bút?
- Tới giờ tôi viết được 4 tập tản văn, 2 tập truyện ngắn và một tùy bút du ký. Tôi không bao giờ dám nhận trở thành người viết hay nhất, tốt nhất trên thị trường văn trẻ, mà mỗi cuốn sách tôi tâm niệm phải chỉn chu nhất. Chỉn chu về hình ảnh, nội dung đến cách dùng từ. Với Khang, trong sách phải là tình cảm rất con người và đọc sách là cách chúng ta có thể học làm người. Đọc sách nhiều, ta sẽ có hệ thống ngôn ngữ dày dặn. Khi có hệ thống ngôn ngữ tốt, cảm xúc dễ bộc bạch rõ ràng. Biết bộc bạch sẽ biết trân trọng cảm xúc và có thể sống một cuộc đời trọn vẹn. Cho nên điều duy nhất Khang thấy mình đang làm được khi là một người viết trẻ là khuyến khích độc giả đọc nhiều hơn.
- Nhưng người ta nói văn hóa đọc đang đi xuống, nhiều bạn trẻ không thích sách!
- Tôi không tin người trẻ ơ hờ với văn hóa đọc đâu. Họ vẫn đọc, vẫn mua sách, nhưng vì chúng ta bị bề nổi của âm nhạc, phim ảnh cuốn vào và nghĩ rằng mọi sự quan tâm đều tập trung vào đó.
- Thẩm mỹ mỗi người khác nhau, liệu có cách nào kéo người đọc đến với văn chương nhiều hơn không?
- Khi Buồn làm sao buông được bán chạy nhất ở hội sách và là cuốn sách bán chạy nhất năm 2014, ai cũng hỏi Khang bí quyết có một cuốn sách bestseller. Khang nói không, không có cái gì là công thức hay bí quyết. Mọi người hãy nhìn nhận văn hóa đọc là điều nằm ngoài mọi quy luật của biến thiên cuộc sống về những sản phẩm thương mại. Nghĩa là không thể dùng truyền thông rầm rộ hay thủ thuật để câu kéo, mà đó phải là cảm xúc chân thành, phù hợp với tình cảnh, cảm xúc thì độc giả tự tìm đến.
- Cảm giác mình có triệu độc giả có giống một ngôi sao trong showbiz không?
- Trước giờ vẫn có nhiều nhà báo gọi người viết như tôi là “nhà văn thần tượng” hay “nhà văn showbiz”. Tôi cảm thấy rất sai! Đối với tôi, văn chương là thánh đường. Đã là thánh đường thì đừng lôi những cái ngoài lề vào làm nó bị lai tạp, lai căng. Có triệu bạn đọc không nói lên tác giả đó nổi tiếng mà quan trọng cho thấy tiếng lòng của người viết không bị rơi vào thinh không! Thời gian sẽ gạn lọc được những gì còn ở lại và cái gì nhất thời. Khang luôn nhắc mình: Bestseller không quan trọng bằng longseller, nghĩa là bán chạy nhất không quan trọng bằng có được bền lâu hay không!
- Xin cảm ơn Anh Khang!