Chủ trì hội nghị có: Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ KH và ĐT Phùng Quốc Chí; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm.
Cùng tham dự còn có các đại biểu đại diện cho Bộ KH và ĐT, lãnh đạo các ban, đơn vị của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đại biểu đến từ Hội nông dân của Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, và đại diện Hội nông dân của 12 tỉnh thành phía Nam tham gia trực tuyến.
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã Phùng Quốc Chí cho biết, khu vực kinh tế tập thể luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, phát triển kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn và thách thức. Hợp tác xã chịu nhiều áp lực cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, dịch bệnh Covid-19 hoành hành, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, hội nhập kinh tế diễn ra sâu rộng. Xu hướng hợp tác xã có nhiều loại thành viên tham gia để đáp ứng nhiều mục đích khác nhau của thành viên và xã hội đòi hỏi các tổ chức kinh tế hợp tác phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng. Luật Hợp tác xã 2012 đã ban hành được 10 năm, bộc lộ một số bất cập, lạc hậu, do đó yêu cầu sửa Luật Hợp tác xã là rất cấp thiết.
Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cụ thể hóa 5 nhóm chính sách: Nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX; Nhóm chính sách về mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; Nhóm chính sách về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; Nhóm chính sách về hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hợp tác; Nhóm chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể. Dự thảo sẽ nhấn mạnh một số điểm mới, được kỳ vọng mang tới cho khu vực kinh tế tập thể, các tổ chức kinh tế hợp tác sự bứt phá trong giai đoạn tới.
Theo ông Phùng Quốc Chí, tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV đã thông qua đề xuất xây dựng dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến lần một đối với Dự án Luật này tại Kỳ họp thứ Tư vào tháng 10 tới đây và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV - tháng 5.2023.
Để bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), ngay từ đầu năm 2022, Bộ KH và ĐT đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam triển khai các hoạt động chuẩn bị xây dựng dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). “Cuộc hội nghị trực tuyến với hội nông dân 17 tỉnh thành là một trong các hoạt động quan trọng, giúp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) có cơ hội trực tiếp lắng nghe ý kiến của đại diện các tổ chức kinh tế hợp tác, của các cơ quan quản lý, các cơ quan có liên quan ở địa phương đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi”, ông Phùng Quốc Chí nói.
Sau khi nghe đại diện Ban soạn thảo trình bày tóm tắt dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), hội nghị đã ghi nhận 12 ý kiến tham gia đóng góp. Trong đó, có một số nội dung được nhiều đại biểu quan tâm như: Tên gọi của Luật, quy định đăng ký tổ hợp tác hoạt động từ 6 tháng trở lên hoặc có góp vốn, Bổ sung đối tượng Liên đoàn HTX, về quy định tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài, số lượng thành viên tối thiểu HTX, Tài sản không chia, về xử lý tài sản, vốn khi tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân giải thể, điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia các chức danh lãnh đạo HTX, quy định về các chính sách hỗ trợ phát triển Kinh tế tập thể, HTX….
Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã Phùng Quốc Chí cho biết: “Hội nghị đã lắng nghe các ý kiến tâm huyết, xác đáng đến từ các đại biểu đại diện cho 17 hội nông dân từ các tỉnh thành. Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu, lựa chọn những ý kiến xác đáng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo trong thời gian sớm nhất”.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đánh giá cao các ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu, đồng thời cho rằng hội nghị là một chương trình hết sức có ý nghĩa khi Ban soạn thảo được nghe trực tiếp khó khăn vướng mắc tồn tại trong thực tế từ các Hội nông dân các tỉnh thành cũng như những đóng góp xác đáng xuất phát từ thực tiễn. Đại diện ban soạn thảo đã giải trình làm rõ những băn khoăn của các đại biểu đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp từ các đại biểu, từ đó Trung ương Hội Nông dân Việt Nam mong muốn ban soạn thảo sẽ có những điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn.