Phòng, chống “tham nhũng chính sách”

- Thứ Hai, 08/08/2022, 05:53 - Chia sẻ

Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật; kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ngăn chặn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách. Đây là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật” do Đảng đoàn Quốc hội tổ chức mới đây.

“Tham nhũng chính sách” được nhắc đến nhiều trong thời gian qua để chỉ một loại “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật. Đó là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình xây dựng pháp luật để mang lại lợi ích không chính đáng cho cơ quan, tổ chức, địa phương, ngành nghề hoặc công tác quản lý nhà nước.

Hiểu là vậy, nhưng để chỉ được mặt, gọi được tên “tham nhũng chính sách” là điều rất khó khăn. Bởi “tham nhũng chính sách” luôn được thực hiện bởi hành vi cài cắm lợi ích một cách tinh vi của bộ, ngành hay của một nhóm lợi ích nào đó. Nếu không có sự am hiểu sâu về pháp luật, không có sự phân tích chính sách thấu đáo rất khó để phát hiện được hành vi tham nhũng này.

Cũng vì được cài cắm tinh vi bởi các quy định nên “tham nhũng chính sách” còn được nhìn nhận là nguy hiểm hơn cả tham nhũng kinh tế. Bởi nếu không được rà soát kỹ lưỡng, để lọt lưới các quy định bị cài cắm thì chính sách ban hành sẽ bị méo mó. Vô hình trung tạo ra hành lang pháp lý để mang lại lợi ích cho một nhóm người chứ không phải là mang lại lợi ích chung cho người dân, doanh nghiệp và phát triển chung của đất nước.

“Tham nhũng chính sách” là biểu hiện của sự thiếu liêm chính trong xây dựng pháp luật. Trên diễn đàn Quốc hội Khóa XIII, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đã từng nhấn mạnh, sự liêm chính trong xây dựng pháp luật sẽ giúp xây dựng được những văn bản khách quan, không chồng chéo. Thiếu hoặc không có sự liêm chính trong quá trình soạn thảo, thẩm tra sẽ tạo ra những văn bản "khuyết tật", có lợi ích xung đột với nhân dân.

Và để có được sự liêm chính trong xây dựng pháp luật thì không còn cách nào khác là cần phải kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật. Muốn vậy, cần kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu từ quá trình đề xuất chính sách, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và xem xét thông qua chính sách. Theo đó, cơ quan soạn thảo tuân thủ nghiêm túc các quy định của trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là việc tiến hành việc tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động chính sách. Việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động, các cơ quan, tổ chức hữu quan phải thực chất, có sự tiếp thu, giải trình thấu đáo các ý kiến đóng góp một cách thuyết phục, tránh tình trạng chỉ lấy ý kiến cho có, cho đủ thủ tục theo quy định.  

Đặc biệt, cơ quan thẩm định phải thể hiện được vai trò gác cổng của mình. Phải phân tích kỹ lưỡng các chính sách được đề xuất, kiên quyết “tuýt còi” những chính sách có dấu hiệu lợi ích nhóm, lợi ích bộ, ngành được cài cắm đi ngược lại lợi ích chung của nhân dân.

Thực tế cho thấy, trong quá trình xin ý kiến thì chất lượng đóng góp ý kiến chưa cao, nhất là đối với những vấn đề mới, phức tạp, còn nhiều tranh luận. Vẫn tồn tại tình trạng cơ quan, tổ chức được xin ý kiến nhưng không có ý kiến góp ý hoặc có văn bản trả lời lại rất khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn “nhất trí hoàn toàn” với nội dung được xin ý kiến. Dù những trường hợp này chỉ là cá biệt nhưng điều đó cho thấy việc lấy ý kiến góp ý vào văn bản của một số cơ quan chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, cần phải nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan được xin ý kiến góp ý vào dự thảo văn bản, không chỉ trả lời góp ý cho xong.

Cũng như cơ quan thẩm định, khi sang “sân” Quốc hội, vai trò gác cổng của các ủy ban của Quốc hội thuộc lĩnh vực phụ trách rất quan trọng, đặc biệt là cơ quan được giao chủ trì thẩm tra các dự thảo. Cùng với đó, các đại biểu Quốc hội với sự am hiểu pháp luật, trách nhiệm của một nhà lập pháp trước cử tri, nhân dân phải thể hiện được quan điểm, chính kiến rõ ràng của mình khi đóng góp ý kiến cũng như bấm nút thông qua các văn bản luật, kiên quyết nói không với những văn bản có biểu hiện của “lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách”.

Cần nhấn mạnh rằng, pháp luật không phải công cụ thể hiện lợi ích một bộ phận nhỏ trong xã hội mà là thể hiện quyền lợi chung của xã hội. Do đó, cần phải kiểm soát chặt các khâu để bảo đảm được tính liêm chính trong quá trình xây dựng pháp luật. Khi tất cả các khâu trong quá trình này được gác cổng chặt chẽ thì sẽ phòng, chống được tình trạng lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách” xảy ra.

Lê Hùng