Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi):

Phát huy hiệu quả cơ chế kiểm tra, giám sát

- Thứ Tư, 26/10/2022, 05:16 - Chia sẻ

Tại phiên thảo luận sáng qua về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị, phải giải quyết cho được tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa các đoàn thanh tra, phát huy cao nhất hiệu quả cơ chế kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước; không gây lãng phí thời gian, nguồn lực nhà nước, gây phiền hà, bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm toán như một số trường hợp vừa qua.

Cơ quan nào chủ trì xử lý chồng chéo?

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp này được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao vì đã có đổi mới về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa cơ quan thanh tra và cơ quan Kiểm toán Nhà nước và trong nội bộ cơ quan thanh tra. Tuy nhiên, theo ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu), dự thảo Luật chưa quy định trách nhiệm phối hợp xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát của cơ quan dân cử và hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng.

Phát huy hiệu quả cơ chế kiểm tra, giám sát -0
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc nêu thực tế, từng có địa phương trong 9 tháng đầu năm phải tiếp và làm việc với 29 Đoàn thanh tra. Điều đó làm hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn bị ảnh hưởng. Bởi bình quân một cuộc thanh tra có thời gian từ 10 đến 30 ngày. Thực tế này đặt ra yêu cầu, sửa đổi Luật Thanh tra phải giải quyết được tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa các đoàn thanh tra, phát huy cao nhất hiệu quả cơ chế kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước; không làm lãng phí thời gian, nguồn lực nhà nước, không gây phiền hà, bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm toán như một số trường hợp vừa qua.

Phát huy hiệu quả cơ chế kiểm tra, giám sát -2
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) băn khoăn về quy định tại Khoản 1, Điều 53 dự thảo Luật: “Khi tiến hành thanh tra, kiểm toán nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp thì cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan Kiểm toán Nhà nước để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật này”. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không quy định cơ quan nào chủ trì, phối hợp để xử lý chồng chéo; chưa có nguyên tắc 2 cơ quan không thống nhất thì xử lý theo nguyên tắc nào và cơ quan, tổ chức, cá nhân nào xem xét quyết định.

Cho rằng, việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện trong dự thảo Luật chưa phù hợp với nhiệm vụ quyền hạn của Thanh tra tỉnh, ĐBQH Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) nêu rõ, Điểm c, Khoản 2, Điều 53 quy định “chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra Bộ với Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở hoặc Thanh tra huyện thì Chánh Thanh tra Bộ trao đổi với Chánh thanh tra tỉnh, Chánh thanh tra sở hoặc Chánh thanh tra huyện để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra”. Trong khi đó, Thanh tra tỉnh là cơ quan có nhiệm vụ hướng dẫn thanh tra sở, thanh tra huyện xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra phù hợp với kế hoạch thanh tra của tỉnh, trình Chủ tịch UBND tỉnh, UBND cấp tỉnh ban hành, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của thanh tra sở, thanh tra huyện. Có nghĩa là, thanh tra tỉnh là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về kế hoạch thanh tra ở địa phương, trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Do đó, đại biểu tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, khi xảy ra trường hợp chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của thanh tra bộ với thanh tra tỉnh, thanh tra sở hoặc thanh tra huyện thì chỉ nên quy định Chánh thanh tra bộ trao đổi với Chánh thanh tra tỉnh là phù hợp, đúng thẩm quyền, tập trung đầu mối ở địa phương để dễ thực hiện, tránh rườm rà về mặt thủ tục.

Tránh tạo áp lực cho đơn vị bị thanh tra

Khẳng định xử lý chồng chéo trong thanh tra là cần thiết, để tránh tạo áp lực nặng nề cho đơn vị bị thanh tra, nhất là các đơn vị sản xuất, kinh doanh, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng nêu thực tế, có những đơn vị sản xuất kinh doanh khi có đoàn thanh tra đến làm việc, thì đối tác ký kết hợp đồng cũng rất dè dặt và rất khó khăn. Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý, cần hết sức chú trọng đến chất lượng thanh tra.

Phát huy hiệu quả cơ chế kiểm tra, giám sát -1
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cụm từ “không chồng chéo, trùng lặp” đã được lặp đi, lặp lại nhiều lần trong dự thảo Luật, tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, tuy không trùng về nội dung, thời điểm thanh tra thì vẫn có quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán, kiểm tra về địa phương. Cứ đoàn này đi, đoàn khác tới thì thời gian chuẩn bị nội dung, tài liệu để phục vụ cho các đoàn quá nhiều, ảnh hưởng đến hoạt động, điều hành của địa phương. Ví dụ, quy định về thời hạn thanh tra ở Điều 45, dự thảo Luật có nêu, thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày, trường hợp phức tạp có thể gia hạn một lần nhưng không quá 30 ngày; trường hợp đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương có thể gia hạn hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Nếu cộng lại tối đa là 120 ngày (tức 4 tháng). Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị, dự thảo Luật nên quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với bộ, ngành, địa phương. Tại một số địa phương đã có quy định không quá 2 cuộc thanh tra của các ngành đối với doanh nghiệp trên địa bàn, quy định này nhận được nhiều phản hồi tốt. 

Giải trình về xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra và giữa thanh tra với Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ, dự thảo Luật đã quy định mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có 1 kế hoạch thanh tra hàng năm do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành. Kế hoạch thanh tra của bộ, ngành, địa phương xây dựng trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát huy hiệu quả cơ chế kiểm tra, giám sát -0
Các đại biểu dự Kỳ họp thứ Tư. Ảnh: Hồ Long

Theo luật hiện hành, Thanh tra tỉnh và Thanh tra sở có những kế hoạch thanh tra khác nhau và chưa thống nhất. Do đó, dự thảo Luật đã khắc phục bằng cách quy định, Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định thanh tra của tỉnh. "Đó là sự khác biệt để tránh chồng chéo". Nhấn mạnh điều này, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, dự thảo Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước hàng năm phải đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán để làm căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán hàng năm có sự phối hợp, trao đổi, thống nhất, tránh chồng chéo giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Trường hợp có phát sinh chồng chéo theo phản ánh của các địa phương và các bộ, ngành thì Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ cùng bàn bạc, thống nhất trên cơ sở các quy định hiện hành.

Anh Thảo