Mọi hành vi tham nhũng đều xử lý công khai, minh bạch

- Chủ Nhật, 13/11/2022, 10:26 - Chia sẻ

Cuộc đấu tranh phòng, chống phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước không phải là để trừng trị nhiều hay ít mà cốt lõi là không bỏ sót bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào. Tất cả các trường hợp vi phạm đều phải được xử lý công khai, minh bạch theo quy định pháp luật. Đây là ý kiến của Phó Bí thư Tỉnh ủy, ĐBQH Quản Minh Cường (Đồng Nai) khi trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân bên lề Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV.

Phóng chống tham nhũng: Xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu, vụ lợi -0
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường 

- Phòng, chống tham nhũng là vấn đề được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Theo ông, cốt lõi của việc phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng là gì, thưa ông?

- Cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước không phải là để trừng trị nhiều hay ít mà cốt lõi vấn đề chính là không bỏ sót bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào. Tất cả các trường hợp đều phải được xử lý công khai, minh bạch theo quy định pháp luật.

Khi xây dựng Bộ Luật Hình sự nói riêng và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung đều dựa trên một nền tảng hết sức quan trọng, đó là nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa, đấu tranh với mục đích là giảm tội phạm, tiến tới loại trừ các loại tội phạm ra khỏi đời sống xã hội.

Tuy nhiên, phòng, chống tội phạm không thể 5 năm, 10 năm, 50 năm thì có khẳng định là đã không còn tội phạm, mà chỉ có thể ngăn chặn hiệu quả để giảm bớt số lượng hành vi phạm tội cũng như tác động của nó tới xã hội. Có những loại tội phạm sẽ tồn tại trong những điều kiện đặc thù của kinh tế - xã hội nhưng đến một giai đoạn lịch sử nhất định thì có thể sẽ giảm, hoặc không còn tồn tại nữa. Vì vậy, để công tác phòng, chống tội phạm cũng như phòng, chống tham nhũng được thực thi một cách mạnh mẽ, hiệu quả đòi hỏi sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.

- Mới đây, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung. Đồng thời, phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi. Ý kiến của ông như thế nào trước đề xuất này, thưa ông?

-Có thể khẳng định, phòng, chống tham nhũng là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội, thể hiện sự tin tưởng của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã được thực hiện rất hiệu quả. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt và nghiêm minh. Toàn Đảng, toàn dân tích cực đấu tranh, trong đó có các cơ quan chuyên trách như cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân... đấu tranh rất tích cực.

Theo Báo cáo của Chính phủ, trong năm 2022, đã phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,68%, cụ thể đã khởi tố 2.390 vụ án với 4.135 bị can. Trong đó, phát hiện 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 40,97%, trong đó khởi tố 501 vụ với 1.211 bị can.

Đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 1.895 việc, thu được gần 16 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021.

Đối với những hành vi sai phạm của cán bộ đã xảy ra từ thời gian rất lâu, hay khi thực hiện hành vi họ là cán bộ cấp thấp hoặc là những người trực tiếp làm thẩm định, tham mưu, nghiên cứu, đề xuất... Khi cơ quan tố tụng xem xét lại, đã khởi tố kẻ chủ mưu, kẻ cầm đầu và bắt giam giữ. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều cán bộ khi thực hiện hành vi đó không nhận thức được là sai phạm, hoặc nhận thức được là hành vi sai phạm nhưng không nhận thức được hết hậu quả nghiêm trọng đến đâu. Thậm chí có những trường hợp, những cán bộ không biết rằng mình đã sai phạm mà chỉ làm theo sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên.

Vì vậy, phải làm rõ khi những cán bộ này thực hiện hành vi phạm tội có vụ lợi không, có cố tình phạm tội để thu lợi ích hay không, hay đây chỉ là việc thực hiện một nhiệm vụ của một công chức hoặc nhiệm vụ được giao từ cấp trên. Phải xem xét tổng thể những trường hợp này, đánh giá xem họ có ăn năn, hối cải, có khai báo, hỗ trợ cho quá trình điều tra hay không… Từ đó, có cơ sở để xem xét có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, điều này đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, tất cả các hành vi vi phạm đều phải được công khai xử lý, tránh tình trạng lợi dụng chủ trương này để thoát tội.

- Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho rằng, các vụ án, vụ việc lớn nổi cộm vừa qua đều có bóng dáng của cán bộ đứng đằng sau, có thể là bao che, dung túng, thậm chí là chủ mưu cầm đầu, ý kiến của ông như thế nào về điều này, thưa ông?

-Chủ thể tham nhũng, tham ô, cố ý làm trái là cán bộ, công chức. Vì vậy, đấu tranh chống tham nhũng chính là đấu tranh với cán bộ sai phạm. Tôi cho rằng, phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để không dám tham nhũng; và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng” như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Mai - Xuân Tùng thực hiện
#