Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công

Giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm vi phạm

- Thứ Năm, 10/11/2022, 06:37 - Chia sẻ

Thực trạng quản lý, sử dụng tài sản công thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, cho thấy cần sự giám sát chặt chẽ hơn về vấn đề này. Theo đó, cần tăng cường hoạt động giám sát chuyên sâu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đi đôi với việc xử lý nghiêm vi phạm, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát.

Nhiều đơn vị sử dụng tài sản công chưa đúng quy định

Theo báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư, một trong những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản công đó là các văn bản hướng dẫn chi tiết về quản lý, sử dụng và khai thác đối với một số loại tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch, hạ tầng kỹ thuật… chưa được rà soát, sửa đổi kịp thời hoặc ban hành chậm, trong khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực đã 4 năm (từ 1.1.2018). Đơn cử, Nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch mới được ban hành ngày 24.6.2022, nhưng đã gây khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện và thất thoát, lãng phí nguồn thu từ quản lý, sử dụng, khai thác đối với các tài sản kết cấu hạ tầng này.

Một số quy định pháp luật hiện hành cũng bộc lộ nhiều bất cập như phạm vi điều chỉnh của từng loại tài sản hạ tầng chưa đầy đủ, xác định đối tượng được giao quản lý đối với một số loại tài sản hạ tầng chưa phù hợp, hình thức xử lý tài sản công chưa bao quát hết các tình huống trong thực tiễn. Cơ chế phân cấp quản lý tài sản công còn có điểm chưa hợp lý, nhất là cơ chế phân cấp thẩm quyền trong việc quyết định bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thu hồi nhà, đất của các cơ quan trung ương. Các quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP không rõ ràng về đối tượng thực hiện; phân công trách nhiệm giữa các cơ quan (Trung ương, địa phương) không rõ ràng, dẫn đến việc sắp xếp, xử lý nhà, đất các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ thực hiện.

Đáng lưu ý, qua giám sát cho thấy, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập đang sử dụng tài sản công với mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cho thuê tài sản nhưng chưa xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định; khi lập Đề án sử dụng tài sản công là tài sản gắn liền với đất vào mục đích cho thuê đánh giá không hiệu quả về tài chính song vẫn trình cơ quan chuyên môn thẩm định đề án. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết chưa được quan tâm đúng mức...

Tăng cường giám sát của Quốc hội,Tăng cường giám sát của Quốc hội
Tăng cường giám sát của Quốc hội
Nguồn: ITN

Yêu cầu báo cáo định kỳ

Trong thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung, giám sát trong lĩnh vực tài chính công nói riêng đã được chú trọng. Giám sát quản lý, sử dụng tài sản công được lồng ghép trong nhiều hoạt động giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự án quan trọng quốc gia, đầu tư công; quản lý tài nguyên... Tuy nhiên, còn ít hoạt động giám sát theo chuyên đề riêng về tài sản công tại các bộ, cơ quan Trung ương cũng như tại các địa phương.

Do vậy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, nhiều ý kiến đồng tình cần tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát của Quốc hội đối với nội dung này. Hội nghị triển khai chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội đã nhấn mạnh yêu cầu tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, do đó giám sát về quản lý, sử dụng tài sản công là vấn đề cần được ưu tiên trong những năm tới. Trong đó, cần tập trung vào hậu giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn đầu tư công, tài sản công, lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện và quản lý, khai thác các dự án đầu tư công, đầu tư vốn nhà nước khác không hiệu quả.

Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công theo yêu cầu của Quốc hội; các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công phải báo cáo và công khai tài sản theo quy định. Tuy vậy, có thể thấy việc yêu cầu các cơ quan, đơn vị báo cáo về việc quản lý, sử dụng tài sản công thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế cho thấy, việc theo dõi, thẩm tra, giám sát về quản lý tài sản công thông qua các báo cáo về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hằng năm đều có, song hệ thống báo cáo riêng và chi tiết về việc quản lý, sử dụng tài sản công trên cả nước cũng như đối với khối các cơ quan Trung ương chưa đầy đủ. Do đó, cần định kỳ yêu cầu Chính phủ báo cáo về tài sản công, tăng cường giám sát của Quốc hội thông qua xem xét báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan.

PGS.TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý thêm, cần nhận diện và đánh giá đầy đủ các hình thức tồn tại, biến động của tài sản công, kể cả tài sản hữu hình/vô hình hay tài sản đã/đang/sẽ hình thành. Đây là căn cứ quan trọng để quyết định phương thức giám sát. Đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội trong quản lý, sử dụng tài sản công phải đáp ứng được mục tiêu nâng cao hiệu quả giám sát, phát huy tối đa vị thế của các chủ thể có thẩm quyền giám sát nhưng không gây khó khăn cho hoạt động bình thường của các đối tượng chịu sự giám sát.

Hoàng Tuấn