Vai trò QH trong giám sát thực thi các điều ước quốc tế

T. Thành 24/08/2015 23:40

Ngày 24.8, tại Hà Nội, Ủy ban Đối Ngoại phối hợp với Viện Friedrich - Ebert (FES) tổ chức Hội nghị quốc tế Vai trò của QH trong việc giám sát việc thực thi các điều ước quốc tế trong lĩnh vực pháp luật thương mại và quyền con người - kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam.

Tham dự có các ĐBQH, đại diện cho các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Tính từ năm 2006 đến nay, nước ta đã ký, phê chuẩn, gia nhập gần 2.000 điều ước quốc tế song phương, đa phương và dự kiến, trong thời gian tới sẽ kết thúc đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do và các công ước quốc tế khác. Điều này thể hiện chính sách đối ngoại rộng mở của Việt Nam - thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh, giao lưu văn hóa với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, việc tham gia các điều ước quốc tế đồng thời đặt ra trách nhiệm và nghĩa vụ của nước ta trong việc thực thi các cam kết quốc tế. Với vị trí và vai trò là cơ quan đại diện dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Việt Nam, thời gian qua, QH đã thể hiện vai trò quan trọng trong giám sát thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao những chia sẻ, kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước và quốc tế đối với vai trò của QH trong việc giám sát thực thi các điều ước quốc tế. Một số đại biểu chỉ ra một thực tế là có những điều ước quốc tế chưa phù hợp với thực tiễn và khung pháp lý của Việt Nam, thậm chí có điều ước quốc tế mà pháp luật Việt Nam còn chưa có quy định cụ thể. Vì vậy, các đại biểu đề nghị, điều quan trọng trong giám sát là bảo đảm sự kiểm soát của QH đối với điều ước quốc tế, xem xét điều ước có phù hợp với hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam hay không.

Đối với giám sát thực thi các điều ước quốc tế trong lĩnh vực thương mại, nhiều đại biểu cho rằng, việc giám sát của QH mới chủ yếu tập trung vào giai đoạn thực hiện điều ước quốc tế và chủ yếu thông qua việc “xem xét báo cáo” và “xem xét việc trả lời chất vấn”. Do đó, để thực hiện tốt việc giám sát, QH cần nắm đầy đủ nội dung ngay từ giai đoạn đầu tiên, tức là quá trình đàm phán, soạn thảo hình thành điều ước quốc tế đó cho đến khi ký kết các điều ước.  Việc giám sát công tác điều ước quốc tế của QH cần bảo đảm nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận một số nội dung liên quan như: cơ sở lý luận về vai trò giám sát của QH trong việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khuôn khổ pháp lý, cách tiếp cận chính trị, đối tượng và công cụ giám sát thực hiện điều ước quốc tế...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vai trò QH trong giám sát thực thi các điều ước quốc tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO